Mới đây, Thanh tra Chính phú đã công khai Kết luận thanh tra số 3118/KL-TTCP ngày 23/11/2016 về thanh tra công tác quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình (giai đoạn 2004-2014) và Văn bản số 4441/VPCP-V.I ngày 28/04/2017 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến đồng ý với Kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, qua đó kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có nội dung xử lý các sai phạm về kinh tế trên 255 tỷ đồng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Văn bản 4441/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, trong đó cần chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, kiểm điểm nghiêm túc các đơn vị, cá nhân sai phạm, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2017; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình (tính thu tiền sử dụng đất và xử lý tài chính các dự án đầu tư xây dựng…) có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Giao bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện quy hoạch khi triển khai Dự án Đầu tư xây dựng sân golf Phượng Hoàng (theo quy định của Luật Đất đai và Giấy chứng nhận đầu tư); báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2017.
Sân golf Phượng Hoàng được xây dựng tại làng Rổng Vòng - Rổng Cấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, nằm cách Hà Nội 38 km, có tổng mức đầu tư 38 triệu USD, được tỉnh Hòa Bình cấp phép cho Tập đoàn Chamvit (Hàn Quốc). Dự án bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2005, đến năm 2009 thì chính thức đi vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, đằng sau sự “hoành tráng” này, sân golf Phượng Hoàng ẩn chứa nhiều sai phạm lớn của UBND tỉnh Hòa Bình trong việc quản lý sử dụng đất và thực hiện Dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án Xây dựng sân golf Phượng Hoàng không nằm trong bất kỳ quy hoạch sử dụng đất nào của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn từ 2001 - 2010, sau đó là quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, cũng như Chiến lược Phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2198/QĐ - TTg ngày 3/12/2010.
Điều đáng nói là, theo Quyết định số 1946/QĐ - TTg ngày 26/11/2009 và Quyết định số 795/QĐ - TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf và điều chỉnh, bổ sung Danh mục các sân golf Việt Nam, Dự án Xây dựng sân golf Phượng Hoàng dự kiến phát triển đến năm 2020.
Trong khi đó, sân golf này đã được Hòa Bình “cầm đèn chạy trước ô tô” đầu tư xây dựng từ năm 2005 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2008. Mặt khác, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ ghi nhận, việc thực hiện dự án này cũng không hề có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
Cần phải nói thêm rằng, đây chưa phải là sai phạm lớn nhất tại Dự án Sân golf Phượng Hoàng mà lãnh đạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 - 2014 mắc phải.
Theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, vào giữa tháng 2/2004, đại diện cho chính quyền địa phương, ông Bùi Văn Dư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Biên bản thỏa thuận nguyên tắc đầu tiên về đầu tư dự án này với Tập đoàn Chamvit. Ba tháng sau, hai bên lại ký tiếp một biên bản thỏa thuận đầu tư, trong đó xác định giá thuê đất là 0,01 USD/m2/năm, phương thức trả tiền 1 lần, thời gian thuê 50 năm, miễn tiền thuê đất tối thiểu trong vòng 11 năm.
Lộ trình để cụ thể hóa thỏa thuận tới hợp đồng pháp lý chính thức cho dự án phải mất thêm 5 năm, khi mãi đến tận tháng 1/2009, ông Bùi Quang Khành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện cho UBND tỉnh Hòa Bình ký Hợp đồng thuê đất số 0001HĐ/TĐ với Công ty TNHH Sân golf Phượng Hoàng, chốt chính thức diện tích đất thuê là 318,889 ha, giá thuê đất là 0,01 USD/m2/năm, số tiền thuê đất 1 năm là 31.888,92 USD/năm, phương thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 49,5 năm (từ ngày 1/2/2005 đến ngày 18/8/2054). Do Hòa Bình trót cam kết ưu đãi miễn tiền thuê cho Chamvit trong vòng 11 năm, nên tổng số tiền thuê đất chỉ còn là 1,227 triệu USD (cho 38,5 năm).
Điều đáng nói là, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 2417/GP ngày 18/8/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Công ty TNHH Thể thao và Giải trí sân golf Long Sơn (tiền thân của Công ty TNHH Sân golf Phượng Hoàng), doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm, mức tiền thuê đất được điều chỉnh lại sau chu kỳ 5 năm và có tỷ lệ gia tăng không vượt quá 15% so với lần công bố trước đó.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Hòa Bình và Công ty TNHH Sân golf Phượng Hoàng tự thỏa thuận giá đất cho thuê để ký hợp đồng thuê đất là vi phạm Điều 56, Luật Đất đai 2003; ký hợp đồng cho thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất là đi ngược với Giấy chứng nhận đầu tư.
Đặc biệt, ngày 3/1/2009 mới ký hợp đồng thuê đất, năm 2010, Công ty TNHH Sân golf Phượng Hoàng mới trả tiền thuê đất mà không xác định lại đơn giá thuê đất là vi phạm Điều 4, 6, 9, Nghị định 142/2005/NĐ - CP ngày 14/11//2005 của Chính phủ, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thủy Tiên