Nhằm nỗ lực đưa âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam tới gần hơn với giới trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội, Cung Thanh niên Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc tổ chức chuỗi chương trình Tinh hoa nhạc Việt.
Tinh hoa nhạc Việt số đầu tiên chính thức biểu diễn vào 20h ngày 11/10/2018 tại Nhà Văn hóa Học sinh - Sinh viên (37 Trần Bình Trọng), số thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11. Buổi biểu diễn đầu tiên với 9 tiết mục ở các loại hình: Xẩm, ca trù, chèo, chầu văn,... đã mang đến một không gian âm nhạc vừa chân thực, vừa sâu sắc nhưng vẫn chứa đựng những nét hài hước, dí dỏm, khiến các bạn khán giả trẻ theo dõi chương trình từ đầu tới cuối.
Theo nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, âm nhạc truyền thống là nghệ thuật được đúc kết từ hàng trăm năm nay, thể hiện tinh thần và khẳng định giá trị qua các giai đoạn lịch sử. Chương trình muốn hướng đến tạo điều kiện để các khán giả trẻ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với âm nhạc truyền thống. Để có thêm sức hút, nhiệm vụ trong tương lai là khai thác yếu tố truyền thống để đi vào các tác phẩm mới, hoặc âm nhạc truyền thống tiếp nối dòng chảy, có sự phát triển, vẫn mang tính chất dân gian dựa trên các nguyên tắc cơ bản, như làn điệu, thang âm điệu thức, màu sắc,...
NSND Thanh Hoài chia sẻ: “Tôi vẫn luôn mong muốn mang lại không gian âm nhạc, diễn cho các bạn sinh viên, các bạn trẻ, thông điệp yêu quê hương, yêu nét đẹp truyền thống. Qua đó, dạy cho thế hệ trẻ biết đây mới là hồn cốt của dân tộc. Có những sân khấu, sau khi tôi biểu diễn, các bạn trẻ hào hứng, xin được học hỏi luôn, chúng tôi truyền dạy ở những ca từ đơn giản. Các bạn trẻ vui mà chúng tôi cũng mừng”.
Thầy Nguyễn Đức Linh, giảng viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đánh giá: “Hiện nay, xu hướng thẩm mỹ về âm nhạc của giới trẻ Việt Nam khá đa chiều. Theo tôi, nên tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ để kêu gọi và thu hút giới trẻ Việt Nam phát huy và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, lưu giữ và phát triển lên một tầm cao mới, đưa sự đa dạng của văn hóa Việt Nam ra thế giới”.
Phạm Đại Lợi (sinh viên khoa Âm nhạc, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) bày tỏ: “Theo mình, chuỗi chương trình rất ý nghĩa, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, mang trong mình sức mạnh của tuổi trẻ bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa truyền thống ấy. Bản thân mình rất thích loại hình ca trù, đây cũng là một trong những thế mạnh của gia đình, từ thời ông bà nội. Đây cũng là dịp để mình bổ sung thêm kiến thức để có cơ hội trải nghiệm thêm loại hình này”.
Không thể ép giới trẻ phải yêu thể loại nhạc này, ghét thể loại nhạc kia. Vì vậy, việc đưa các bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc để họ yêu và say mê với những làn điệu truyền thống, không có nghĩa là bắt phải thờ ơ với nhạc hiện đại, mà chỉ là nhắc nhở tìm cách tiếp thu cái mới nhưng vẫn mặn mà với âm nhạc truyền thống.