Đây là tình huống hy hữu,liên quan đến luật tố tụng hình sự và đạo đức nghề nghiệp luật sư cần được phân tích trao đổi.
Ngay phần thủ tục, HĐXX cho biết các luật sư mà bị cáo Trương đề nghị bào chữa cho mình là Lê Văn Tuấn, Lưu Văn Tổng, Đặng Thị Kim Ngân, Lục Thị Thụy, Nguyễn Đình Thơ (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) đều có văn bản từ chối.
Tòa án tỉnh đã yêu cầu Đoàn Luật sư Khánh Hoà phân công luật sư bào chữa cho bị cáo theo luật định. Vì thế, luật sư Phan Tấn Hùng (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa được phân công bào chữa cho bị cáo Trương trong vụ án này.
Bị cáo Nguyễn Viết Trương (trái) và luật sư tại Toà án. Ảnh: Báo Khánh Hoà
Ngay từ phần thủ tục bị cáo luôn chối tội, cho rằng VKS truy tố không đúng,bị cáo không phạm hai tội này.
Theo cáo trạng,vì cho rằng ông Trần Ngọc Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cố tình không giải quyết khiếu nại của mình nên Nguyễn Viết Trương đã nảy sinh ý định giết ông Khánh. Khoảng 6 giờ 15 phút ngày 30-7-2012, Nguyễn Viết Trương dùng mìn tự tạo đặt lên pa-nô cửa hiệu thời trang ngay cửa sắt nhà ông Khánh rồi chờ ông Khánh đi ra ngoài thì dùng điện thoại kích nổ, khiến ông Khánh đã bị thương tích 41%, xếp hạng thương tật vĩnh viễn. Cáo trạng cũng truy tố Nguyễn Viết Trương tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép 1.045 kíp nổ điện và 47,7kg thuốc nổ.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo không thừa nhận cáo trạng quy kết bị cáo về hai tội danh nói trên. Theo bị cáo, do bức xúc vì không được Công an tỉnh, mà trực tiếp là ông Trần Ngọc Khánh giải quyết khiếu nại nên đã chế tạo “quả nổ nhỏ” mục đích chỉ là nhằm “gây tiếng vang công luận” để thu hút các cơ quan trung ương vào cuộc. Luật sư Phan Tấn Hùng xin phép Tòa cho nói chuyện với bị cáo. Khi được cho phép, luật sư này đã giải thích chính sách nhân đạo của nhà nước khi cử luật sư bào chữa cho bị cáo (vì bị cáo bị truy tố về tội Giết người, mức hình phạt quy định từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình) Đồng thời luật sư cũng khuyên bị cáo nên thành khẩn, những gì là sự thật thì khai nhận. Tuy nhiên Bị cáo liên tục chối tội mỗi khi chủ tọa phiên tòa xét hỏi...Đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng những lời trước tòa của bị cáo Trương là để chối tội nhưng không có căn cứ.
Theo đại diện VKS, dù bị cáo không thừa nhận mục đích chính của việc đặt mìn là cố sát ông Khánh nhưng dựa vào những chứng cứ điều tra và lời khai cho thấy hành vi của bị cáo đã thể hiện rõ. Vì thế, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương với hai tội danh nói trên từ 23-26 năm tù. Luật sư Hùng cũng đồng quan điểm về các tội danh mà VKS đưa ra. Tuy nhiên, luật sư cho rằng quá trình phạm tội của bị cáo là có nguyên nhân. Vì trong quá trình giải quyết tranh chấp các vụ việc có liên quan đến cơ quan công an, dù phía công an nói đã giải quyết nhưng vì sao vẫn khiếu nại kéo dài. Do đó,cần phải điều tra hành vi phạm tội của bị cáo bắt nguồn từ đâu?Luật sư đề nghị HĐXX nên xem hành vi phạm tội của bị cáo trong trường hợp này là “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”.Điều này không được đại diện VKS đồng thuận.
Bị cáo Trương tại toà án
Khi tòa cho bị cáo nói lời cuối cùng trước khi nghị án, bị cáo vẫn liên tục chối tội. Kết quả, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Trương 19 năm tù về tội "giết người",4 năm tù về tội "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ" Tổng cộng hình phạt là 23 năm tù .
Vấn đề pháp lý đặt ra là khi bị cáo không nhận tội, luật sư nhận thấy việc truy tố là đúng pháp luật, đã giải thích cho bị cáo, nhưng bị cáo vẫn không đồng ý. Trong trường này luật sư được quyền từ chối hay phải tiếp tục bào chữa?
Có ý quan điểm cho rằng,luật sư chỉ định không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam mà mình đã đảm nhận nếu không có lý do chính đáng (điểm c, điều 58 BLTTHS). Bị cáo chối tội là quyền của bị cáo, tuy nhiên bị cáo đã khai báo thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật như cáo trạng truy tố thì luật sư phải thực hiện nghĩa vụ bào chữa theo chỉ định chứ không được từ chối.
Quan điểm khác lại cho rằng, không phân biệt việc bào chữa chỉ định hay theo yêu cầu của thân chủ ,không thể có chuyện bất đồng quan điểm bào chữa giữa khách hàng và luật sư tại phiên tòa theo hướng buộc tội thân chủ Nếu điều này xảy ra tại phiên tòa công khai thì luật sư đã đi ngược lại quan điểm tự bào chữa của bị cáo- thân chủ của luật sư. Và như vậy,luật sư trở thành ..công tố viên thứ hai ?! Trường hợp khách hàng không chấp ý kiến tư vấn giải quyết vụ án đúng pháp luật , phù hợp với đạo đức của luật sư đưa ra, mặc dù luật sư cố gắng phân tích thuyết phục thì luật sư có quyền chối thực hiện việc của kháng hàng ( điểm 9,2,2 quy tắc 9 – Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Dù luật tố tụng hình sự có quy định luật sư không được từ chối vụ việc đã đảm nhận theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng nếu có căn cứ xác định việc bào chữa theo quan điểm của bị cáo là không đúng pháp luật và vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư thì luật sư hoàn toàn có quyền từ chối. Luật sư càng không nên bào chữa theo quan điểm của bên buộc tội trong khi bị cáo phản đối. Vì đơn giản luật sư không phải là phụ tá cho bên buộc tội.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm này.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hoà)