Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 30/9 đã kịp thông qua dự luật tài trợ tạm thời, cho phép chính phủ “xứ cờ hoa” tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày, cho đến ngày 17/11.
Dự luật dài 71 trang đã được Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trình bày vào chiều ngày 30/9, đã vượt qua “ải” Hạ viện với tỉ lệ 335-91, với gần như tất cả các đảng viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ và nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa cũng vậy.
Nhưng các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa, vốn phản đối chính sách Ukraine của Tổng thống Joe Biden, đã loại khỏi dự luật một điều khoản lẽ ra sẽ mang lại hàng tỷ USD viện trợ quân sự và các viện trợ khác cho Ukraine.
Động thái này là một dấu hiệu đáng lo ngại rằng sự hỗ trợ của lưỡng đảng Mỹ dành cho Kiev có thể bị lung lay trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang trong cuộc xung đột dai dẳng và gay gắt với Nga. Nó cũng đến vào thời điểm đặc biệt dễ bị tổn thương đối với Ukraine khi nước này đang tiến hành cuộc phản công, làm dấy lên lo ngại trong và ngoài nước rằng cuộc chiến đã đi vào bế tắc.
Trước khi dự luật trên được thông qua, không thiếu kịch tính đã diễn ra trên Đồi Capitol (nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) cuối tuần qua, bao gồm cả việc kéo chuông báo cháy khiến vòng bỏ phiếu bị trì hoãn 1 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, ông McCarthy – một thành viên Đảng Cộng hòa đã làm việc với các đảng viên Đảng Dân chủ để dự luật trên được thông qua – đang thấy vai trò Chủ tịch Hạ viện Mỹ của mình bị thách thức.
Thượng nghị sĩ Matt Gaetz, một người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa, cho biết ông dự định sẽ đề xuất kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông McCarthy trong tuần này.
Nhưng ông McCarthy vẫn không chùn bước. “Nếu ai đó muốn kiến nghị chống lại tôi, hãy đưa nó ra”, ông nói. “Tôi sẽ điều hành bằng những gì tốt nhất cho đất nước này”.
Phản hồi về khoản viện trợ Ukraine bị gạt đi, Tổng thống Biden hôm 1/10 nói: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn. Ông chủ Nhà Trắng cho biết rằng có “số lượng áp đảo các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện ủng hộ Ukraine”.
Tiếng chuông báo cháy trước “giờ G”
Cảnh sát Điện Capitol (USCP) xác nhận trong một tuyên bố vào cuối buổi chiều ngày 30/9 rằng “còi báo cháy đã được kích hoạt trên tầng 2 của Tòa nhà Văn phòng Cannon” lúc 12h05 trưa (giờ địa phương), và tòa nhà đã được sơ tán trong khi các sĩ quan đảm bảo rằng không có mối đe dọa nào. USCP cũng cho biết họ vẫn đang điều tra chuyện gì đã xảy ra.
Trước đó, ông Jamaal Bowman, Hạ nghị sĩ đại diện cho New York, bị cáo buộc cố tình kích hoạt chuông báo cháy trong tòa nhà văn phòng của Hạ viện Mỹ ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng để ngăn việc chính phủ đóng cửa.
Tiếng chuông báo cháy xuất hiện khi các đảng viên Đảng Dân chủ đang cố gắng trì hoãn cuộc bỏ phiếu sau khi Đảng Cộng hòa vội vã thông qua biện pháp tạm thời ngăn chính phủ đóng cửa.
Trong một tuyên bố đăng trên X/Twitter sau đó, ông Bryan Steil, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hạ viện, cho biết: “Ông Bowman đã kích hoạt chuông báo cháy ở Cannon sáng nay. Một cuộc điều tra về lý do tại sao tình huống này xảy ra đang được tiến hành”.
Phát biểu với các phóng viên sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu tạm thời vào chiều 30/9, ông McCarthy nói với các phóng viên rằng “điều này rất nghiêm trọng” và Ủy ban Đạo đức Hạ viện nên điều tra ông Bowman.
Ông McCarthy nói thêm rằng ông dự định gặp Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries để yêu cầu phản ứng, và nhấn mạnh rằng “việc này sẽ không cứ thế diễn ra mà không bị trừng phạt”. Ông McCarthy thậm chí còn đi xa hơn khi so sánh hành động của ông Bowman với những hành động trong cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021.
Tuy nhiên, ông Jeffries đã lên tiếng ủng hộ ông Bowman trong các bình luận với các phóng viên. Ông Jeffries nói: “Ông ấy (ông Bowman) hiểu rằng đó là một sự nhầm lẫn, và chỉ có vậy thôi”.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 30/9, ông Bowman đã đưa ra lời giải thích tường tận hơn về hành động mà ông gọi là “không chủ đích”, phủ nhận rằng việc kích hoạt báo cháy là một chiến thuật trì hoãn vòng bỏ phiếu quan trọng.
“Hôm nay đang vội đi bỏ phiếu thì đi đến một cánh cửa thường mở để lấy phiếu nhưng hôm nay lại không mở. Tôi xấu hổ thừa nhận mình đã kích hoạt chuông báo cháy vì tưởng lầm nó sẽ khiến cửa mở. Tôi rất tiếc về điều này và chân thành xin lỗi vì bất kỳ sự nhầm lẫn nào mà điều này đã gây ra”, tuyên bố của ông Bowman cho biết.
“Nhưng tôi muốn nói rõ ràng rằng, đây không phải là việc tôi cố gắng trì hoãn bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào. Hoàn toàn ngược lại - tôi đang cố gắng khẩn trương để có thể bỏ phiếu, điều mà cuối cùng tôi đã làm được và cùng với các đồng nghiệp của mình - trong nỗ lực lưỡng đảng - để giữ cho chính phủ của chúng ta luôn mở…”, tuyên bố cho biết thêm.
Cuối cùng, cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu muộn hơn 2 tiếng rưỡi so với dự kiến ban đầu. Và Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật với tỉ lệ áp đảo, giúp nó dễ dàng đến Thượng viện và cuối cùng là được Tổng thống Biden ký ban hành.
Sự ủng hộ “vẫn nguyên vẹn”
Về phía các quan chức của chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bất chấp những lo ngại về việc dự luật chi tiêu mới của Mỹ đã loại trừ khoảng 20 tỷ USD tài trợ cho Kiev, họ vẫn tin tưởng rằng dòng chảy viện trợ cho đất nước của họ không gặp nguy hiểm.
“Chính phủ sẽ làm việc để không có mối đe dọa nào đối với việc cung cấp vũ khí và thiết bị đã được phê duyệt trước đó”, Đại sứ Ukraine tại Mỹ, Oksana Markarova, cho biết trên Facebook sau cuộc bỏ phiếu hôm 30/9 tại Quốc hội Mỹ.
“Có thời gian, có nguồn lực và quan trọng nhất là có sự hỗ trợ của lưỡng đảng và lưỡng viện dành cho Ukraine”, bà Markarova bổ sung.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng cho biết hôm 1/10 rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine “vẫn nguyên vẹn” trong chính quyền và cả 2 viện Quốc hội Mỹ.
“Chính quyền Ukraine hiện đang tích cực làm việc với các đối tác Mỹ để đảm bảo rằng quyết định ngân sách mới của Mỹ, sẽ được thực hiện trong 45 ngày tới, sẽ bao gồm các khoản tiền tài trợ để giúp đỡ Ukraine”, ông Nikolenko nói.
Các quan chức Ukraine cho biết họ cảm thấy yên tâm trước sự ủng hộ công khai từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các đồng minh khác trong Quốc hội Mỹ, đồng thời họ hiểu rằng nước Mỹ đang bước vào một năm bầu cử.
“Tại Ukraine, chúng tôi hiểu rất rõ rằng quá trình bầu cử ở Mỹ đã bắt đầu”, ông Roman Lozinsky, một nhà lập pháp Ukraine, cho biết. “Và do đó, các quyết định khác nhau về sự hỗ trợ của các đối tác có thể được đưa ra, đặc biệt là đối với Ukraine”.
“Nhưng chúng tôi tin rằng Mỹ, với tư cách là nước đi đầu thực sự trong việc truyền bá các nguyên tắc dân chủ trên thế giới, sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine”, ông Lozinsky nói.
Ông Nikolenko, trong tuyên bố của mình trên Facebook, cũng nhấn mạnh rằng việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ có hại hơn cho Ukraine vì nó có nguy cơ làm gián đoạn các chương trình hỗ trợ khác, chẳng hạn như các chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ giám sát.
Như thể “xát muối vào vết thương”, quyết định loại trừ khoản viện trợ cho Ukraine khỏi dự luật được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Zelensky tới Washington DC để tìm kiếm sự thêm hỗ trợ từ “xứ cờ hoa”.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy đã từ chối yêu cầu của ông Zelensky về việc phát biểu tại một cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc hội, và hai nhà lãnh đạo cuối cùng đã có một cuộc gặp riêng.
“Chuyến thăm Mỹ gần đây của ông Zelensky dường như chưa đủ thành công”, ông Artem Bronzhukov, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Kiev, cho biết.
Tổng thống Zelensky gần đây bày tỏ lo ngại rằng viện trợ nước ngoài cho Ukraine có thể giảm mạnh khi cuộc chiến kéo dài.
Trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình Ukraine hồi tháng 8, ông nói: “Ukraine cần phải trưởng thành và hiểu rằng không lúc này thì lúc khác, chúng tôi có thể thấy mình đơn độc, bởi vì đối tác này hoặc đối tác khác có thể rời đi do các quy trình nội bộ, hoặc thậm chí do tới các cuộc bầu cử ở đất nước của họ”.
“Có nguy cơ lớn là chúng tôi sẽ bị bỏ lại một mình”, ông Zelensky bổ sung.
Minh Đức (Theo Washington Post, NY Magazine, GZero Media)