Đen: Nhìn thằng bé bồi bàn 4 tuổi ở Sài Gòn, tôi thấy cay trong mắt.
Đá: Ông muốn nói đến “nhân viên” phục vụ nhí tại quận 1, TP.HCM chứ gì?
Đen: Đúng vậy. Bằng tuổi ấy, nhiều đứa trẻ còn phải đút cho ăn, nhõng nhẽo, khóc nhè…
Đá: Cậu bé được ông bà nhờ hỗ trợ làm bồi bàn những lúc nghỉ học để quen với lao động vì hoàn cảnh éo le.
Đen: Nhưng nó còn quá nhỏ, thấy thương.
Đá: Phải biết hoàn cảnh nhà ấy, mới hiểu và trân trọng ông bà chủ quán bột chiên.
Đen: Nhìn nó lăng xăng bê ghế, phục vụ nhiệt tình, ai cũng bất ngờ, thương.
Đá: Khách cần gì nó lấy. Khách muốn gì nó đáp ứng. Ngoan và chăm lắm.
Đen: Ông chủ già nhân hậu kể, nó xin được bưng bê phụ giúp, chưa có ai phàn nàn gì, ngược lại nhận được nhiều lời khen.
Đá: Tôi lại nghĩ khác, sau này lớn lên, thằng bé sẽ thành người tốt, chăm chỉ.
Đen: Những lúc quán ế, cậu bé đi lượm ve chai quanh đó cho bà ngoại dồn lại bán.
Đá: Thương quá. Chắc nó cũng thích được đi chơi như những đứa trẻ khác.
Đen: Có lẽ vậy. Vì thương ông bà, biết thân phận, làm việc sẽ giúp nó tránh được các thói hư tật xấu. Nhưng chuyện về ông bà chủ già thế nào?
Đá: Mẹ thằng nhỏ bị bỏ rơi, ông bà nhặt về nuôi. Gần 20 năm sau, chuyện buồn lặp lại. Mẹ nó mang thai, sinh xong bỏ con biệt tích.
Đen: Khâm phục ông bà già, thương thằng bé.
Đá: Không máu mủ ruột rà, vất vả nuôi con, giờ đến cháu, quán bột chiên vỉa hè chứa chan tình người.
Đen: Ngoài kia bao chuyện cha mẹ ruồng rẫy con, con cái bất hiếu, huynh đệ tương tàn vì câu nói, vì tài sản.
Đá: Mới thấy trân trọng và biết ơn vợ chồng ông bà bán bột chiên.
Đen: Họ dạy chúng ta biết yêu thương đồng loại, dù nghèo, vất vả nhưng vẫn nhân hậu, bao dung biết bao.
Đá: Mong có thêm nhiều tấm lòng như thế, để cuộc sống này bớt đi những câu chuyện đau lòng.
Đ.Đ