Trong những năm tháng chiến tranh, huyện Cần Giờ đã gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam, nhiều khu rừng bị hoang hóa, nhiều loài động thực vật bị hủy diệt. Nhưng nhờ bàn tay chăm sóc cùng lòng quyết tâm của con người, hiện nay, Cần Giờ đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quý giá và là điểm du lịch đầy hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước. Nhắc đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Giờ như rừng ngập mặn Vàm Sát, bãi biển Cần Giờ thì không thể không nhắc đến Đảo khỉ, bởi nó có một quá trình hình thành và phát triển rất đặc biệt.
Bữa ăn chiều của những chú linh trưởng
Đảo khỉ trước kia thuộc sự quản lý của Lâm Viên Cần Giờ. Mục đích chính của Ban quản lý Lâm Viên Cần Giờ lúc đầu là đưa nhân viên kỹ thuật về trồng rừng và xây dựng cơ sở nuôi tôm. Ngày ấy, khi mới phát hiện và đưa về thì đàn khỉ chỉ có vài chục con nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của các thành viên trong Lâm Viên Cần Giờ, bầy khỉ ngày một phát triển, sinh sôi nảy nở và có số lượng đông đúc như bây giờ.
Anh Nguyễn Hữu Trước, Phó ban quản lý Đảo khỉ, người đã có hơn 12 năm gắn bó với nghề, cho biết: "Cứ đến mùa giao phối là khỉ trên đảo lại đánh nhau, nhiều con bị thương nặng, mỗi lần như thế chúng tôi phải vất vả lắm mới giữ được mạng sống của chúng. Anh Trước còn cho biết thêm: "Mùa khỉ thường bắt đầu giao phối là khoảng tháng 9 đến tháng 11. Tỉ lệ thì không chính xác lắm nhưng cũng vào khoảng 70-80%. Thời điểm đó chúng nó đánh nhau dữ lắm".
Hơn chục năm gắn bó với nghề chăm sóc khỉ, anh Trước đã chứng kiến biết bao cảnh tranh giành lãnh địa, tranh giành ngôi vương của các đàn khỉ và rồi nhiều con bị thương, chảy máu vì xô xát, không ít lần anh đã rơi nước mắt vì thương khỉ. Anh kể: "Cũng may mà loài khỉ có sức đề kháng cao nên ít bệnh, mỗi lần bị thương đa số chúng cũng tự lành bằng cách tìm ăn những thứ lá rừng ở nơi đây. Nhưng khi nhìn thấy chúng đánh nhau, thấy những con què chân, chảy máu là tôi thương lắm. Mỗi lần như thế, tôi phải nấu thêm nhiều thức ăn dinh dưỡng, mua thêm những loại hoa quả để bổ dưỡng cho tụi nó".
Hiện nay trên khu vực Đảo khỉ có hơn 1.200 con sinh sống được chia thành 6 đàn, ở mỗi đàn lại có một con làm thủ lĩnh. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là khỉ đuôi dài, ngoài ra còn có một số loài khác như khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ lông vàng. Chúng hoạt động theo địa bàn đã tự phân chia và không bao giờ vi phạm lãnh thổ của nhau.
Kẻ thù của loài khỉ ở trong khu vực này không nhiều, chủ yếu là cá sấu. Thế nhưng để bảo vệ cho sự an toàn của khỉ và để khỉ tự nguyện ở lại với đảo, với con người thì thật sự là một bài toán rất khó đối với Ban quản lý cũng như các nhân viên nơi đây. Anh Trước chia sẻ thêm: "Ban quản lý cũng như anh em trong đây đều cố gắng chăm sóc cho lũ khỉ, hết lòng thương yêu, bảo vệ chúng. Trước kia, nhiều lần chúng bỏ đi, anh em phải lặn lội tìm và dụ chúng về nhưng bây giờ thì chúng không đi nữa bởi chúng đi nhiều lần thì mình cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học như: Do đâu mà khỉ đi, rồi đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, quyết tâm mới để chăm sóc khỉ tốt hơn".
Cuộc sống của những nhân viên trên Đảo khỉ cũng mang nhiều nét đặc thù bởi đa số họ là những người sống vì thiên nhiên, họ làm việc với cả sức mạnh của trái tim, của cả lòng nhiệt huyết cháy trong lòng mình. Tiền lương ba cọc ba đồng chỉ đủ để trang trải cuộc sống nhưng họ luôn tươi cười và nguyện cống hiến hết sức mình để giữ gìn, bảo vệ và phát triển đàn khỉ trên đảo. Anh Ngô Văn Thắng, nhân viên lái ca nô trên đảo Khỉ cương quyết: "Giờ nói gì thì nói chứ làm gì cũng khổ, căn bản mình thấy thích, thấy yêu, thấy có niềm vui, có ý nghĩa thì mình làm thôi. Giả dụ giờ nơi khác trả cho tui lương gấp hai, ba lần nơi đây tôi cũng không đi đâu, vì tôi thích và yêu nơi đây".
Những đêm mưa gió, những đêm nghe có tin bão là các đồng chí trong khu quản lý Đảo khỉ lại bồn chồn lo lắng, chạy ngược chạy xuôi động viên khuyến khích anh em để họ có thêm niềm tin, có thêm tinh thần túc trực, canh gác. Ngoài ra, Ban quản lý Đảo khỉ còn phối hợp với các ban ngành, cơ quan chức năng địa phương như Hạt kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng Cần Giờ để đi tuần, kiểm tra, bảo vệ an ninh cho khu vực, không cho kẻ xấu có cơ hội ra tay.
Rời Đảo khỉ, chúng tôi không khỏi thán phục những con người nơi đây, họ chân thành, cởi mở, hiền hậu, chất phác. Họ không quản nắng mưa, không ngại gian khổ, quên cả đời mình để vun đắp, bảo vệ cho đàn khỉ. Không biết từ đâu họ có một tình yêu đặc biệt dành cho thiên nhiên, cho loài khỉ mãnh liệt đến thế?
Tiến Thoại