Nước mắt người ở lại
Chúng tôi tới huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khi ráng chiều đã xuất hiện, ánh nắng cũng xuyên qua từng tán lá rừng phủ trên lớp đất nhầy nhụa sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 3/8. Và phía sau đó là cảnh hoang tàn, đổ nát để lại với những đoạn đường bị chia cắt do đất đá sạt lở, những cây cầu vào bản bị đứt gãy, những ngôi nhà tốc mái, bức tường đổ sụp và cả ngôi trường tiểu học không còn nguyên vẹn khi chỉ gần 1 tháng nữa các em học sinh sẽ bước vào năm học mới...
Và trên hết là những khóe mắt đỏ hoe trong cảnh vợ tìm chồng, bố tìm con, anh chị em chờ tin từ lực lượng cứu nạn cứu hộ đang tìm người thân của họ trong lớp đất đá, cây củi, tường ngói ngổn ngang kia. Họ hy vọng khi có tin báo đã tìm thấy người mất tích nhưng ánh mắt lại nhòe đi trong tiếng kêu khóc đau đớn khi người tìm thấy chỉ là một thi thể lạnh ngắt... Đó là những hiện thực chúng tôi được chứng kiến khi đặt chân tới đất Mù Cang Chải (Yên Bái) trong những ngày này.
Thấy chúng tôi đi ngang qua, ông Ngô Quang Tuấn – chú ruột chị Ngô Thị Hiền (SN 1984, ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của trận lũ ống xảy ra rạng sáng 3/8), dừng lại vài ba phút công việc mình đang lo toan.
Ông lo đám hiếu cho đứa cháu xấu số tên thường gọi là Bống (SN 2014), là con thứ hai của chị Hiền, mới được tìm thấy sáng 6/8 sau khi bị lũ cuốn. Đám hiếu được lo sơ sài trong căn nhà cũng đã không đủ sức chống chọi lại dòng nước xối xả đổ xuống làng quê nghèo của ông.
Trong tiếng thở dài, ông Tuấn tâm sự, gia đình hai vợ chồng hai đứa con cùng ngôi nhà đều trở thành "nạn nhân" khi thiên nhiên nổi giận. Ba mẹ con chị Hiền bị mất tích và mới tìm thấy thi thể người con thứ hai.
Chồng chị Hiền là anh Lê Doãn Dũng (SN 1985) bị thương nặng hiện đang được điều trị tại Hà Nội. Nhưng sang chấn tâm lý trước thông tin vợ con gặp nạn càng khiến người nhà lo lắng cho sức khỏe của anh.
"Thằng Dũng quê Thanh Hóa, gia cảnh nghèo khó nên lấy nhau xong cả nhà dắt díu nhau vào Đồng Nai làm công nhân. Sau thời gian dài bôn ba trong đó vẫn là hai bàn tay trắng. Rồi chúng nó lên đây sinh cơ lập nghiệp vào năm 2012. Trước khi chọn mua và xây nhà trên mảnh đất này, vợ chồng nó cũng tìm hiểu đó là khu vực chưa bao giờ chịu ảnh hưởng của lũ.
Vậy mà... Các cháu tôi cơ chưa vững, nghiệp chưa đặng thì tai họa bất ngờ ập tới, giờ hai mẹ con cái Hiền chưa biết sống chết thế nào. Đau lòng quá... Không biết bao giờ nơi đây mới khắc phục được hậu quả do lũ?", ông Tuấn chia sẻ khi trong nhà những tiếng khóc vẫn khẽ vang lên bên cỗ quan tài nhỏ.
Phút giây định mệnh
Vượt qua những đoạn đường đầy bùn đất của thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi tìm tới xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, nơi bắt nguồn của trận lũ quét ấy và cũng là nơi đang phải "gồng mình" khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử này.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mà nhiều "vết thương" chưa kịp lành sau trận lũ đi qua để lại, là nét mệt mỏi trên gương mặt anh Giàng A Mùa (sinh năm 1982) cùng người thân trong nhà sau chuỗi ngày mệt nhọc đi tìm 4 người thân bị lũ cuốn trôi. Trong đó có 2 người con trai của anh Mùa, 2 cháu trai là con em ruột và thêm 1 cháu bị thương cũng là con người em trai anh Mùa.
Nhớ lại giây phút định mệnh ấy, dù đã cố lấy sự bình tĩnh nhưng rồi anh Mùa vẫn không thể ngăn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen của mình. Khẽ lấy vạt áo đã bám dính đầy bụi đất để lau nước mắt trên khuôn mặt hốc hác, anh Mùa kể: "Trước hôm xảy ra lũ ống, hai con tôi cùng 3 đứa cháu dắt bò lên đỉnh núi gần nhà chăn thả. Lúc đi, trời còn quang đãng không ai nghĩ sẽ có mưa to, bão lũ. Đến tối, trời trút mưa nhanh, đường rừng núi mù mịt khó đi, 5 anh em chúng nó ngủ lại lán qua đêm.
Sáng hôm sau, mưa to và thấy cảnh lũ quét, gia đình lên gọi các cháu về thì thấy toàn bộ lán, trâu bò và người không còn ở đó nữa. Mọi người tỏa đi tìm thì chỉ thấy cháu Giàng A Tào, là con của người em trai ngồi núp trong bụi cây, quần áo rách tả tơi, người đầy thương tích, run rẩy dưới những hạt mưa vẫn vội vã rơi xuống. Tào đang khóc nghẹn không thành tiếng, gương mặt sợ hãi. Khi chúng tôi gặng hỏi thì cháu nói toàn bộ 4 anh em ngủ cùng tối hôm đó đã bị nước cuốn trôi.
Do cháu Tào bị mắc vào một gốc cây nên may mắn thoát chết, còn 2 đứa con nhà tôi và 2 cháu mất tích. Gần một tuần trôi qua nhưng mọi thông tin về các con, các cháu vẫn biệt vô âm tín. Gia đình đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận những thông tin xấu nhất nhưng vẫn hy vọng phép màu sẽ đến...", nói tới đây, anh Mùa nghẹn lại, dường như nỗi đau đang quá sức đối với người đàn ông này.
Chia tay người dân xã Kim Nọi, chúng tôi trở về trên những cung đường đã bị tàn phá, thậm chí có những đoạn trơ ra nhiều hộc đá. Một người trong đoàn kể cho chúng tôi biết, vào thời điểm lũ ống bất ngờ xuất hiện, họ cũng thấy xuất hiện những tảng đá cỡ 5 - 10 tấn sạt xuống từ núi Kim Nọi. Chúng bị cuốn trôi theo cơn lũ di chuyển với tốc độ lớn trong khoảng cách 4km nhưng chỉ vài phút đã càn qua hàng chục nóc nhà.
Những ngôi nhà bê tông hai tầng cũng bị san phẳng và biến mất, chỉ còn lại nền nhà toàn đá lớn. Ngoài hơn 20 người bị thương vong, lũ cũng cuốn trôi, đánh sập 46 ngôi nhà. Tổng số công trình thủy lợi bị thiệt hại là 141 công trình, ước tính tổng thiệt hại do lũ quét lên đến khoảng 160 tỷ đồng.
Trung úy Giàng A Phóng (SN 1990, hiện đang công tác tại đội Hình sự - Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Mù Cang Chải) cũng đang cùng gia đình sống cảnh... ở nhờ khi ngôi nhà mới xây của anh bị mưa lũ cuốn đi. Giàng A Phóng chia sẻ rằng, khi anh từ đội về nhà thì toàn bộ nhà cửa, tài sản đã không còn. May mắn khi người vợ cùng hai đứa con nhỏ đã kịp chạy thoát lên đồi sau đó được người dân và bà con đưa về công an huyện. Ngoài anh Phóng còn có 4 đồng chí Công an huyện Mù Cang Chải cũng có nhà bị hư hỏng nặng do mưa lũ càn quét.
"Hãy san sẻ với Tây Bắc!" Trong suốt hành trình hơn 300km đến với bà con vùng lũ, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đoàn xe gắn trên mình dòng chữ thân thương như: "Chia sẻ với đồng bào vùng lũ", "Hãy san sẻ với Tây Bắc", "Đoàn từ thiện đến với bà con vùng lũ quét"... đang hối hả về với bà con vùng chịu thiên tai. Những tấm lòng cứ thế nối dài như để rút ngắn lại nỗi đau mà bà con vùng cao đang phải gánh chịu. Chính trong vùng "rốn lũ" ấy chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh "lá rách ít đùm lá rách nhiều" của bà con vừa chịu ảnh hưởng của lũ, khi những nhà nào còn lành lặn cùng san sẻ chỗ ở cho những gia đình đã bị lũ đánh sập nhà, những bát cơm, chén nước cũng được họ cùng chia sẻ nhau. |
Nguyễn Huệ