2h sáng! Tiếng còi tàu SE2 rền vang xé toang màn đêm nơi sân ga Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận.
"Đoàn tàu SE2 đang tiến vào sân ga Bình Thuận trên ray số 2! Quý khách nào có vé đi tàu xin tiến vào cửa số 1 ra khu vực đợi tàu...". Tiếng cô phát thanh viên xen lẫn tiếng tàu rầm rập náo động cả một vùng!
Tàu đến! Những ánh mắt hành khách sáng bừng, tươi vui. Những ngày cuối năm sân ga chật kín người. Họ chầm chậm bước lên tàu và cánh cửa sắt nặng trịch của từng boong tàu đóng lại.
Khi tín hiệu giao thông an toàn nháy sáng, con tàu sắt khổng lồ 500 tấn lại kéo bánh bước đi. Chuyến tàu đêm SE2 hôm nay ra Hà Nội, đưa những người xa xứ về quê cha đất tổ đón Tết cổ truyền.
Ngả lưng xuống giường nằm, tôi miên man những suy nghĩ mông lung. Qua từng ô cửa gương lớn của khoang tàu, lác đác có ánh đèn đường chói qua tỏ mặt người.
Trong khoang nằm này có 6 giường đối diện nhau. Tất cả đều đang say giấc. Thi thoảng giường dưới cùng có tiếng khóc trọ trẹ của một đứa trẻ....
Tàu vẫn đi!
Bình minh ló dạng là lúc con tàu lớn ghé sân ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Cỗ máy sắt khổng lồ trở mình đón nắng cũng là lúc hàng trăm khách thức giấc.
Con tàu trở nên náo nhiệt lạ thường. Tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... mọi hỉ, nộ, ái, ố của thế giới thu nhỏ xuất hiện đủ cả trên chuyến tàu dọc theo dải đất xinh đẹp chữ S.
Khác với hình dung về những toa hành khách chật chội, nóng nảy, những hẻm đi chất đầy hàng hóa, những phòng vệ sinh tồi tàn mà người ta vẫn hay kể cho nhau nghe về tàu hỏa; thì những gì trên SE2 quá đỗi khác biệt.
Đầu tàu là toa căn tin phục vụ đầy đủ thức ăn, nước uống cả bàn ghế cho khách ngồi. Rồi, toa 1, 2, 3 là toa dành cho ghế ngồi tựa được sắp xếp gọn gàng. Chẳng có chuyện người nằm kẻ ngồi, chẳng có chen chúc la liệt như nhiều người vẫn "ám thị" về tàu hỏa.
Sang trọng hơn là các toa nằm được bố trí giường nệm sạch sẽ ngăn nắp. Những lối đi thông thoáng. Ở mỗi đoạn nối toa có đầy đủ nhà vệ sinh, buồng rửa mặt, và cả nước nóng lạnh...
"Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Chẳng phải chen chúc gì cả. Cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống...", một hành khách tâm sự.
12h trưa! Tàu rẽ vào ga Quảng Ngãi. Tôi tiến dần đến toa căn tin.
Tình cờ, cũng là lúc các cán bộ, nhân viên "hỏa hành đoàn" SE2 đang dùng bữa trưa. Bữa cơm mà nói như Trưởng tàu Hà Văn Tĩnh: "Cây nhà lá vườn, có sao dùng vậy với anh em nhé!".
Đó là cơm, canh rau không, một ít chả cá, thịt kho với tôm và nhiều nhất là rau luộc được bày biện gọn gàng trên bàn căn tin. Người ta gọi bữa cơm trên tàu là bữa cơm vội!
Lắc lư theo nhịp ray sắt. Các anh chia phiên nhau, người này trực thì người kia ăn và ngược lại. Đạm bạc mà ấm áp tình người, tình đồng nghiệp!
"Anh cả" SE2 Hà Văn Tĩnh tâm sự rằng, đang mùa hè cao điểm Tết lại nắng nóng nên các anh vất vả hơn nhiều. Khách lên tàu đông hơn đòi hỏi các anh phải nỗ lực hơn trong phục vụ.
Cứ sau mỗi chuyến tàu Bắc - Nam, các anh được nghỉ khoảng chưa đến 1 ngày là khởi hành chuyến tiếp. Với những "chiến binh" kỳ cựu như anh Tĩnh thì không sao, nhưng nhiều anh em trẻ mới vào nghề chưa quen nên nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ người yêu.
Ngang qua mọi nẻo đất nước trên con tàu xuyên Bắc - Nam cũng lắm cái vui. Cả trăm con người chung một con tàu suốt 2 ngày liền là lúc cái tình lớn lao hơn bao giờ hết. Những hành khách đỡ đần nhau, cán bộ nhân viên tàu hỗ trợ khách.
Hình ảnh những chàng nhân viên SE trẻ cõng cụ già, thồ những bao hành lý giúp người dân, dường như đã quá quen thuộc trong mắt cán bộ sân ga mỗi chuyến tàu về.
Hay nữa, các nhân viên tàu kể với tôi rằng, đã có những duyên nợ vô tình do con tàu hóa ông tơ bà mối mà se duyên thành. Nhiều hàng khách vô tình chung toa, sát ghế đã mến nhau, hòa hợp mà kết đôi.
Nhưng thi vị hơn nữa là không ít cô gái đôi mươi đã phải lòng những chàng trai đội mũ pi kê sọc, áo xanh dương đóng thùng, cà vạt, áo gi lê lịch lãm chẳng khác nào tiếp viên hàng không cao cấp.
Hay nữa, là những khách nam mê tít nụ cười cô tiếp viên đường sắt xinh đẹp, mạnh mẽ... Để rồi khi thành đôi thành lứa, họ chọn cho mình những bộ ảnh cưới trên những sân ga, đợi tàu... Những kỷ niệm ùa về!