Cơn bão "thế kỷ" mang tên Yagi, nước ta gọi bão số 3, đã qua, nhưng hậu quả của nó để lại là cực kỳ lớn. Thì bao giờ cũng thế, hàng ngàn năm nay sống ở vùng bão, dân ta đã đúc kết, sau bão là mới bắt đầu thiệt hại lớn hơn trong bão, bởi những hoàn lưu sau bão mới nguy hiểm, những là nước dâng nước ngập, những là lũ lụt vân vân.
Và năm nay cũng y như thế.
Tin tức dồn dập đưa về những thiệt hại khủng khiếp cả người và tài sản. Người chết và mất tích, tài sản trôi theo lũ, theo nước, núi sập núi lở. Năm nay thì cả một cây cầu bị sập.
Và, cũng như mọi khi, những lúc khó khăn nhất, tình người cũng trỗi dậy cao nhất.
Dân ta là thế.
Đầu tiên là hình ảnh những chiếc ô tô qua cầu tự nguyện che chắn cho những người đi xe máy, và cả đi bộ qua cầu. Những chiếc ô tô chạy rất chậm dìu những chiếc xe máy liêu xiêu trong gió. Lúc gió lớn làm đổ cả xe lẫn người. Nhờ sự che chở ấy, những chiếc xe máy qua cầu an toàn.
Rất nhiều người rưng rưng khi xem những hình ảnh ấy. Nhất là cảnh những chiếc xe đã chạy qua rồi, lại lùi lại để giúp.
Rồi những người lao ra giữa dòng nước xiết cứu người bị rơi trong vụ cầu Phong Châu sập. Nên nhớ, tận tối ấy vì nước quá lớn nên lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp vẫn chưa triển khai cứu nạn được, nhưng chàng trai trẻ tên Ngô Văn Khanh đã dám lao con thuyền nhỏ nhoi ra giữa dòng nước cuồn cuộn ngay lúc ấy cứu được anh Phan Thanh Sơn, người đã tự xác định là... sẽ chết giữa dòng nước hung dữ...
Sáng ngày 10/9 tôi dậy sớm, và đọc tin trên mạng xã hội, nhất là facebook của bạn bè. Hàng ngàn lời kêu cứu được chuyển tiếp, được chia sẻ. Đấy là đêm mà rất nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc bị cúp điện, tất cả tối om om trong nước cuồn cuộn, nước dâng tận mái nhà.
Nhiều người leo lên nóc nhà chờ cứu. Nhưng không phải chỗ nào cũng vào được, vì tối, vì nước xiết, vì hiểm trở... Thừa nước nhưng không có nước uống, chia cắt không tiếp cận được, nhiều người phải ăn mì tôm sống và xong thì... không có nước uống...
Và, lại xuất hiện những tấm lòng.
Bà con vùng Hương Sơn lên tiếng ngay. Họ có thuyền phục vụ du lịch và những tay chèo chuyên nghiệp, sẵn sàng mang thuyền lên cứu người. Nhưng thuyền không thể tự lên. Lại xuất hiện những người có xe tải lên tiếng. Thế là hàng trăm chiếc thuyền hàng ngày chở khách du lịch được leo lên ô tô cùng chủ của nó lên vùng ngập lụt, nhiều nhất là Thái Nguyên.
Rồi một nhà báo thông báo cháu chị làm công an một huyện, rất cần áo phao, đèn pin..., còn kể áo phao của anh em làm nhiệm vụ cởi ra cho bà con mượn rồi... không biết ai mượn nữa, nên phải người không làm nhiệm vụ.
Sau thông báo của nhà báo này vài tiếng đồng hồ thì đã gom được 2000 đèn pin, 1000 áo phao, 200 thùng lươmg khô, 200 thùng nước kiềm, Dự kiến gom 100 sạc nhưng hiện mới gom được có 35 chiếc. Dự kiến tới lúc chuyển đi sẽ còn tăng nữa.
Có những cái thông báo khẩn cấp. Đa phần thông báo khẩn cấp là nhờ cứu, nhưng đây là để cứu người, đại loại: "KHẨN CẤP SOS BÀI NÀY CẦN LAN TỎA GẤP
Nhà em ở Khoái Châu - Hưng Yên có dòng xe tải thùng 2-3 chân. Nhận chở thuyền, tàu, cano từ các tỉnh phía bắc về Thái Nguyên cứu dân. Những lúc như này giúp được là giúp. CƯỚC XE 0 ĐỒNG Ạ.
Ae cần xin liên hệ sđt: 0972278886
Mong bà con lan tỏa tin để ai cần hỗ trợ thì liên hệ với đội nhà xe cùng nhau giúp đỡ đồng bào vùng lũ".
Tin này cũng rất hay và thiết thực: "SOS. Bên mình có đội bay UAV Enterprise (M300 + H20T, M350 + H30T, M30T, M3T) có loa đèn và máy bay nông nghiệp lớn di chuyển khu vực Thái Nguyên để hỗ trợ cứu hộ. Mong kết nối để anh em tập trung hỗ trợ hiệu quả".
Một phó giáo sư tiến sĩ cũng ở Thái Nguyên thức suốt đêm để chia sẻ những lời kêu cứu lên trang của mình để lan tỏa tiếp. Ông là thầy giáo nên đông học trò theo dõi, và đa phần những chia sẻ của ông đều có trả lời, đều có kết thúc đẹp.
Cũng qua đây mới thấy vai trò của mạng xã hội. Ví dụ cái thông báo này ngay lập tức được đáp ứng: "Mọi người ủng hộ có thể chuyển từ áo phao sang sạc dự phòng được không ạ? Hiện tại Công an tp Thái Nguyên đang tiếp nhận rất nhiều áo phao nhưng lực lượng trực tiếp tham gia cứu nạn cứu hộ bị mất liên lạc nhiều do không có điện để sạc điện thoại ạ".
Tức là bên cạnh lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, bên cạnh các cơ quan chức năng, đặc biệt là công an và quân đội, thì nhân dân ta, bằng tất cả tình cảm tích tụ từ truyền thống ngàn đời nay, được kích hoạt trong những trường hợp cụ thể, đã thổi bùng lên những hành động cụ thể, thiết thực và ấm áp.
Rất nhiều, nhiều lắm, không thể thống kê và cũng không cần thống kê, nhưng những ngày này, bên cạnh sự quặn thắt, lo lắng cho bà con vùng bão lũ đang trong cơn bão và lũ khủng khiếp, kỷ lục từ mấy chục năm qua, thì chúng ta ấm lòng, hết sức xúc động trước những tình cảm tự phát của bà con ta trong đúng nghĩa đồng bào.
Rồi bão sẽ tan, lũ cũng rút, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, kể cả những nỗi đau rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Nhưng tình người thì mãi lấp lánh, sẽ mãi ở lại, nó làm cho con người cứng cáp hơn, tự tin hơn, vững chãi hơn... trước cuộc đời.
Và chúng ta sẽ yêu đời hơn, vì thế.
Nó chính là đặc trưng, là truyền thống quý báu của dân Việt được truyền từ đời này sang đời khác.
Nhưng cũng không hẳn chỉ toàn việc tốt. Một lời kêu gọi của nhóm nhà báo trên facebook đã bị kẻ xấu chụp lại, sửa số tài khoản rồi đăng lên một nhóm khác.
Thì cuộc đời mà, có đen có trắng. Nhưng hy vọng lòng tốt, sự tử tế, nhân văn sẽ chiến thắng bóng tối, sẽ át được cái xấu, cái ác...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả