Tính pháp lý khi kê biên nhà ‘người tình’ của Dương Chí Dũng

Tính pháp lý khi kê biên nhà ‘người tình’ của Dương Chí Dũng

Thứ 3, 15/10/2013 11:45

Mặc dù hai căn nhà Dương Chí Dũng mua cho “bố nhí” đã đứng tên quyền sở hữu của bà Th. Thế nhưng cơ quan điều tra vẫn xác định đây là tài sản cần phải kê biên để phục vụ quá trình điều tra, xét xử và thi hành án.

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa công bố kết quả điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trong số các bị can liên quan đến vụ tham ô tại Vinalines, cựu chủ tịch Dương Chí Dũng đã bị kê biên 3 ngôi nhà gồm căn nhà tại đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội; căn hộ 2901, tháp B, toàn nhà SkyCity, 88 Láng Hạ, Hà Nội và căn hộ số 10, tầng 8, toà nhà Pacific, 83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Hai căn hộ chung cư cao cấp ở SkyCity và Pacific được Dương Chí Dũng chi tiền mua cho bà P.T.Th là người có con riêng với ông. Được biết, hai căn hộ cao cấp nói trên đều đứng tên bà Th.

Luật sư - Tính pháp lý khi kê biên nhà ‘người tình’ của Dương Chí Dũng

Bên trên cao ốc Skycity, nơi Dương Chí Dũng bỏ tiền mua nhà cho "bồ".

Nhiều người sau khi đọc thông tin đã không khỏi bất ngờ và tỏ ra băn khoăn trước quyết định kê biên tài sản đã đứng tên sở hữu người khác của cơ quan điều tra.

Chia sẻ vấn đề này với báo Nguoiduatin.vn, luật gia Giang Văn Quyết, chi hội luật gia Đông Đô cho biết:

“Trường hợp cơ quan điều tra xác định hai căn hộ trên có nguồn gốc tiền mua từ hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thì việc kê biên tài sản để phục vụ điều tra hoặc phụ vụ công tác xét xử, thi hành án cũng như khắc phục hậu quả là biện pháp cần thiết. Đây được coi là một biện pháp tố tụng.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý về thông tin bà Th có 600 triệu đồng khi mua căn hộ. Giờ căn hộ đã bị kê biên. Vì đây là tài sản không thể phân chia, do đó cơ quan có thẩm quyền có quyền kê biên toàn bộ tài sản và giải thích cho bà Th hiểu về quyền ưu tiên mua lại tài sản. Nếu bà Th không mua thì sau khi bán, tài sản sẽ thanh toán lại cho bà Th theo đúng giá trị mà bà Th đã bỏ ra sau khi trừ chi phí thi hành án".

Kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng, tham ô 1,66 triệu USD. Một sai phạm rất lớn có thể kể ra là vụ mua sắm ụ nổi 83M gây ra thiệt hại khoảng 335,5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cho biết khi tổ chức khảo sát ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, các bị can biết ụ nổi này đã quá tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn hợp thức thủ tục ký mua. Đặc biệt, Công ty Nakhodka chỉ bán ụ nổi dưới 5 triệu USD nhưng các bị can đã quyết định mua ụ nổi thông qua Công ty AP (có trụ sở tại Singapore), chỉ là nhà môi giới, với giá 9 triệu USD. Công ty AP sau đó đã “lại quả” cho các bị can thông qua tài khoản của Trần Thị Hải Hà (em gái của Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) số tiền 1,666 triệu USD.

Số tiền 1,666 triệu USD sau đó được Công ty AP chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà, Hải Phòng do bà Trần Thị Hải Hà làm giám đốc. Sau khi nhận được số tiền này, Trần Hải Sơn chi cho Dương Chí Dũng 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn gần 6 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng và Trần Thị Hải Hà 2 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định bà Trần Thị Hải Hà được anh trai mượn tài khoản để nhận tiền, không biết số tiền này là tham ô từ việc mua ụ nổi 83M. Khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án, bà Hà đã chủ động nộp lại cho cơ quan điều tra, bà Hà không đồng phạm về hành vi tham ô nên không xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 10 bị can về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải), Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines), Bùi Thị Bích Loan (nguyên trưởng ban tài chính kế toán Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm VN), Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên phó chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa). Trong số này, các bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều còn bị đề nghị truy tố về hành vi “tham ô tài sản”.

Tạ Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.