Nộp tiền mua căn hộ dưới hình thức hợp đồng vay vốn ngay sau khi dự án được khởi công, nhưng gia đình ông Nguyễn Quang Tuấn, phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) vẫn không biết khi nào mới nhìn thấy căn nhà của mình, bởi dự án do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư hiện vẫn nằm trên giấy.
Không riêng gì trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn, hiện nay tại các dự án xây dựng khu dân cư đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh của Tập đoàn HUD, dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ và căn hộ TECCO Hà Tĩnh, Khu đô thị mới Hàm Nghi... đã có hàng chục trường hợp đến giao dịch, nộp tiền mua căn hộ dưới hình thức góp vốn đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Có nhiều tên gọi khác nhau trong các chiêu bài thu hút vốn của khách hàng, nhưng thực chất đây vẫn là một hình thức văn bản cam kết về việc góp vốn giữa khách hàng và chủ đầu tư.
Trong các hình thức huy động vốn của các nhà đầu tư bất động sản tại thành phố Hà Tĩnh hiện nay, có rất ít chủ đầu tư đồng ý thương lượng đàm phán các điều khoản trong hợp đồng này với khách hàng, mà chủ yếu là các hợp đồng mẫu do chủ đầu tư chuẩn bị và áp dụng hàng loạt cho cùng đối tượng khách hàng.
Bởi thế, khách hàng không có điều kiện để đảm bảo quyền lợi của mình khi góp vốn, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh. Mặt khác, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bất động sản dưới hình thức ký kết các hợp đồng này chưa được hoàn chỉnh khiến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các cá nhân có nhu cầu đầu tư hoặc mua nhà để ở.
Tại sàn giao dịch bất động sản của TECCO Hà Tĩnh, chúng tôi được nghe một nhân viên tên Triều hướng dẫn khá chi tiết về các hình thức đặt mua căn hộ chung cư, cũng như căn hộ liền kề của TECCO Hà Tĩnh. Ông Triều cho biết, hiện nay, dự án có 2 loại, căn hộ chung cư cao cấp và căn hộ liền kề.
Căn hộ chung cư được xây dựng từ 70 đến 90m2, giá 17 triệu đồng/m2, các căn hộ liền kề được xây dựng 2,5 tầng với 154m2, giá mỗi m2 là 17 triệu đồng. Trong số 17 căn hộ liền kề hiện đã bán gần hết, chỉ còn vài ba căn nữa. Khách hàng đến giao dịch mua nhà thành công sẽ phải đóng tiền trong 3 đợt, đợt 1 đóng 100 triệu đồng, đợt 2 đóng 80% tổng số tiền mua nhà, phần còn lại sẽ được đóng khi bàn giao nhà. Khi thấy khách hàng có ý băn khoăn về tiến độ cũng như ngày dự án hoàn thành thì nhân viên giao dịch này trả lời rất chung chung, rằng làm gì có chuyện chậm tiến độ, Công ty sẽ bàn giao nhà cho khách hàng đúng thời hạn như hợp đồng...
Không chỉ lách luật bán nhà trên giấy mà trong quá trình tiến hành đầu tư các dự án bất động sản trên còn cho thấy nhiều bất cập ngay trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Theo Luật đầu tư những dự án có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, thì cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn phải thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nếu không tỉnh táo, Hà Tĩnh sẽ có nhiều dự án "rải chiếu" như thế này
Quy định là vậy, song khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án bất động sản trên, các cơ quan quản lý Nhà nước đã bỏ qua khâu quan trọng này!? Bởi vậy, các chủ dự án bất động sản như HUD, TECCO... mới có cơ hội “tự tung tự tác”.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, không ít doanh nghiệp bất động sản khi vào Hà Tĩnh thực hiện dự án, nguồn vốn tự có chỉ từ 20 - 25% tổng giá trị đầu tư, phần vốn còn lại chủ yếu đi vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, cả 2 kênh huy động vốn trên ở thời điểm này đang bị tắc, khó có thể tiếp cận nên nhiều dự án chưa thể triển khai tiếp cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài việc chây ỳ trong quá trình thực thi dự án, vi phạm trắng trợn Luật đầu tư, những nhà đầu tư bất động sản này còn nợ luôn cả tiền sử dụng đất: Cụ thể, HUD nợ hơn 113 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà miền Trung nợ 387 tỷ đồng, còn TECCO thì mới nộp được vỏn vẹn 2,9 tỷ đồng/tổng gần 39 tỷ đồng phải nộp.
Bên cạnh sự “dễ dãi” cấp giấy chứng nhận cho những nhà đầu tư “rỗng ruột” thì việc quản lý quá trình triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chức năng cũng hết sức “thoáng”. Bởi vậy, mới có chuyện nhà đầu tư khởi công xong rồi bỏ đấy mà không bị nhắc nhở hay có biện pháp xử lý nào. Có thể khẳng định, những sai phạm của các nhà đầu tư bất động sản tại thành phố Hà Tĩnh thời gian qua đã rõ.
Đã đến lúc các cấp, ngành cần phải có giải pháp mạnh nhằm tránh tình trạng các dự án khởi công xong rồi “đắp chiếu” như thời gian qua, bên cạnh đó cũng cần có một quy định hình thức huy động vốn, đặc biệt là các điều khoản của hợp đồng góp vốn và hợp tác kinh doanh của một số nhà đầu tư bất động sản tại Hà Tĩnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hà Tĩnh đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nói chung và đầu tư bất động sản nói riêng. Vấn đề đặt ra là thu hút đầu tư thế nào cho hiệu quả, không thể vẫy gọi đầu tư bằng mọi giá theo kiểu lấy được. Đã đến lúc, phải chọn lọc kỹ càng hơn, tỉnh đang rải thảm đỏ, rộng vòng tay đón đầu tư, nhưng cũng kiên quyết lắc đầu với những dự án đầu tư theo kiểu “rải chiếu chiếm chỗ”.
Bởi, bài học nhãn tiền từ việc nóng vội trong thu hút đầu tư thời gian qua, một số địa phương như dự án Khách sạn BMC ở khu du lịch biển Thiên Cầm, dự án Nhà máy bia Toàn Cầu (TP Hà Tĩnh), dự án Nhà máy sản xuất giấy tại Khu công nghiệp Hạ Vàng (Can Lộc), dự án tổng hợp 24 giờ tại Khu kinh tế Vũng Áng... vẫn còn nguyên giá trị.
Xuân Hồng (tổng hợp)