Xu hướng "ăn xổi, ở thì"
Xin ông cho biết quan điểm của mình về hệ thống các trường đại học ngoài công lập ở nước ta hiện nay?
Trước hết, phải khẳng định việc phát triển hệ thống các trường đại học ngoài công lập là một việc làm cần thiết, quan trọng, đúng đắn, cấp bách và rất phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và đặc điểm và điều kiện của Việt Nam hiện nay. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy là vì mấy yếu tố sau đây: (1) Trong điều kiện của xã hội tri thức và cạnh tranh toàn cầu, thì người lao động của xã hội hiện đại phải là người lao động “cổ trắng" chứ không phải người lao động "cổ xanh". (2) Khi nguồn lực của Nhà nước là có giới hạn, việc huy động các nguồn lực của toàn xã hội để đáp ứng những nhu cầu phát triển và đối mặt với các thách thức phát triển là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia hiện nay. (3) Trong điều kiện tỷ lệ số người trong độ tuổi học đại học được học đại học là rất thấp so với khu vực và thế giới (số người trong độ tuổi 18 - 24 tham gia học đại học và cao đẳng ở Việt Nam khoảng 13%, Thái Lan là trên 40%, Nhật Bản, Mỹ - trên 60%...) việc phát triển thêm các cơ hội học tập ở bậc đại học là cực kỳ cấp bách.
Thứ hai, hệ thống đại học ngoài công lập của chúng ta hiện nay còn quá nhiều bất cập cần phải được thay đổi để có thể xứng đáng với sứ mạng của nó và góp phần vào việc phát triển đất nước.
Những bất cập đó là gì và nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Rõ ràng là chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập còn rất thấp. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư thích đáng, đội ngũ giảng dạy và cán bộ quản lý mỏng và yếu, sinh viên tuyển đầu vào có chất lượng thấp hơn so với các trường công lập…
Những hiện tượng này, theo tôi, là do việc đầu tư phát triển các trường đại học ngoài công lập đã thiếu một tư duy và quan điểm phát triển đúng đắn và vì thế, khó có một chiến lược phát triển phù hợp.
Chính vì vậy, việc quản lý và vận hành nhà trường có xu hướng "ăn xổi, ở thì", ngắn hạn theo kiểu "tay không bắt giặc". Đội ngũ lãnh đạo và quản lý của nhà trường phần lớn là những người về hưu từ các trường công lập, chương trình đào tạo thì sao chép, copy từ các trường công lập, đội ngũ giảng viên chủ yếu là giảng viên "chạy sô", phòng học thì đi thuê…
Theo ông, làm thế nào để hệ thống đại học ngoài công lập có thể đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống đại học nói chung?
Trước hết, cần có quan điểm rõ ràng trong việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Quan điểm này cần phải xuất phát từ bản chất của hệ thống giáo dục đại học và xu hướng phát triển xã hội, khoa học, kinh tế, văn hóa… hiện nay đang diễn ra trên thế giới. Cần xóa bỏ tư duy phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập trong các chính sách đầu tư và phát triển của Nhà nước. Đặc biệt, các trường cần xác định rõ tầm nhìn, sứ mạng của mình từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để có thể đầu tư và sử dụng các nguồn lực hạn chế một cách hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú, đa dạng của người học trong một xã hội tri thức đòi hỏi việc học tập liên tục, không ngừng, và suốt đời.
Có một thực tế là không ít cựu quan chức trong ngành giáo dục sau khi về hưu, cùng các nhà đầu tư đứng ra lập trường. Lúc đó, rất có khả năng các trường đại học sẽ vận hành bằng các mối quan hệ, bằng các nhóm lợi ích. Ông có nghĩ, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của các trường ngoài công lập?
Việc sử dụng những người về hưu làm quản lý và giảng dạy ở các trường ngoài công lập theo tôi không có gì sai, thậm chí, có mặt tích cực của nó. Việc này cho phép tận dụng kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ của nguồn nhân lực chất lượng cao, còn sức lao động và muốn đóng góp cho sự phát triển. Tuy nhiên, cũng phải thấy những mặt yếu của nó. Đó là, phần đông những người về hưu làm quản lý khó có thể có tư duy dài hạn trong đầu tư phát triển nhà trường. Nhiều giáo sư, tiến sĩ đã làm quản lý lâu năm ở trường công được tốt nghiệp khá lâu (khoảng những năm 1980 về trước) và không tham gia giảng dạy và nghiên cứu khi làm quản lý nên không tránh khỏi sự lạc hậu về kiến thức. Ngoài ra, rõ ràng, sức khỏe, ý chí cũng giảm sút không còn máu lửa như khi họ ở tuổi 30 - 40.
Tinh thần đại học
Ông ủng hộ mô hình đại học vô vị lợi hay đại học vị lợi (mà sinh viên là khách hàng)?
Việc xây dựng và phát triển các trường đại học phải xuất phát từ sứ mạng của giáo dục đại học. Kinh nghiệm phát triển các đại học tư thục tại Mỹ là đáng quan tâm. Ngay tại Mỹ, một quốc gia có nền kinh tế thị trường mạnh nhất thế giới thì người ta cũng luôn khẳng định việc chống "thương mại hóa giáo dục" và chống việc coi giáo dục là "hàng hóa". Vì thế, theo tôi, các trường đại học ngoài công lập phải là các tổ chức bất vụ lợi (non-profit organizations).
Ở đây, cũng cần nói rõ hơn, việc sử dụng những thành tựu của khoa học quản lý, các phương tiện, công cụ quản lý của doanh nghiệp vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý và giáo dục trong nhà trường (cả công lẫn tư) là một xu hướng tất yếu. Sinh viên cần được tôn trọng và được chăm sóc chu đáo. Việc coi sinh viên là "khách hàng", theo tôi, là cần thiết.
Cần phải hiểu chữ "khách hàng" ở đây là đối tượng được chăm sóc, được phục vụ chứ không chỉ đơn thuần là người trả tiền nên phải o bế họ. Nhà trường được lập ra vì sự phát triển và tiến bộ người học qua đó để xây dựng và phát triển một xã hội văn minh nên từ xưa tới nay trong nhà trường chúng ta đã có khẩu hiệu: "Tất cả vì học sinh thân yêu".
Các trường đại học ở các nước trên thế giới cũng vậy, họ luôn tôn trọng người học, làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho người học và thực sự vì quyền lợi của người học đó là việc phát triển nhân cách, tri thức, kỹ năng cho người học để người học có thể phát triển tốt trong xã hội.
Ở những nước có nền đại học phát triển, nền đại học đang thay đổi như thế nào thưa ông? Điều gì hay mà ta có thể học?
Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng hiện nay của xã hội, kinh tế, khoa học, hệ thống giáo dục của tất cả các quốc gia đều rơi vào khủng hoảng. Tại Hoa Kỳ đã có nhiều tranh luận và trao đổi để đổi mới hệ thống giáo dục đại học nhằm thích ứng tốt hơn với sự phát triển hiện đại. Khởi xướng "Những mong đợi lớn hơn" của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ đã đề xuất việc xây dựng một hệ thống giáo dục đại học với tầm nhìn 2030 là cần được nghiên cứu và học tập.
Khởi xướng này đề xuất xây dựng một hệ thống giáo dục mà: (1) Phối hợp những mong đợi cho việc học tập theo chiều dọc thông qua các năm học và theo chiều ngang giữa các môn học và các trường. (2) Phát triển từng bước các năng lực trí tuệ, kiến thức trong những lĩnh vực cốt yếu và nghĩa vụ công dân. (3) Phục vụ sự đa dạng của các phong cách học tập, các kinh nghiệm sống và các dạng nhập học khác nhau. (4) Đáp ứng sinh viên tại mức độ năng lực của họ và chuyển họ tới những thành tựu lớn hơn. (5) Truyền đạt rõ ràng các mục tiêu và các thành tựu với cộng đồng. (6) Nhận ra nhu cầu của xã hội đối với người tốt nghiệp có kiến thức và có kỹ năng cao được chuẩn bị cho công việc, vai trò công dân và một cuộc sống thành công trong thế kỷ 21.
Theo ông, tinh thần đại học phải là như thế nào trong hoạt động của các đại học ở Việt Nam hiện nay?
Cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học để bảo đảm nguyên tắc "tự do học thuật" và "tự do sáng tạo", trên cơ sở đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu phát triển của đất nước, của các tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân. Việc phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm này được thể hiện thông qua phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào hệ thống giáo dục, đặc biệt là hội đồng trường. Chúng ta vẫn còn bùng nhùng trong việc tổ chức và hoạt động của hội đồng trường và vì thế chưa phát huy được tính tự chịu trách nhiệm của nhà trường, chưa xử lý thỏa đáng những mối quan hệ lợi ích trong hệ thống.
Khởi xướng "Những mong đợi lớn hơn" cũng đề xuất rằng các trường đại học phải chú trọng vào việc coi trọng mình như những cộng đồng học tập mà sứ mạng của nó là để nâng cao thành tựu của sinh viên; đáp ứng nhu cầu và đặc điểm của những sinh viên mà nó phục vụ: Sự đa dạng của họ, các dạng nhập học khác nhau, sự chuẩn bị và những khát vọng khác nhau; phân bổ các nguồn lực để hỗ trợ sự chú ý ngày càng tăng của giảng viên với việc học tập của sinh viên; chấp nhận nghĩa vụ cho việc nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên; thúc đẩy và cổ vũ lãnh đạo hợp tác giữa giảng viên, các nhà quản lý và những nhân vật hữu quan chủ chốt; cùng với Chính phủ và các nhà lãnh đạo kinh doanh để bố trí sắp xếp trường đáp ứng các nhu cầu xã hội; như là một nhóm, cung cấp các mô hình giáo dục đa dạng, khác nhau.
Theo ông, để làm được những điều đó thì các trường đại học ở ta nên tập trung vào những vấn đề gì?
Để làm được những điều trên đòi hỏi những nỗ lực to lớn của toàn xã hội và rất nhiều điều cần thực hiện. Tuy nhiên, theo tôi, ba chủ đề cốt lõi cho việc phát triển các trường đại học ở nước ta hiện nay là: Đổi mới các chương trình giáo dục cho phù hợp với những nhu cầu phát triển của đất nước và những phát triển hiện nay đang diễn ra trên thế giới; phát triển năng lực của đội ngũ quản lý và hệ thống quản lý giáo dục và phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên.
Ba chủ đề này có quan hệ biện chứng với nhau rất chặt chẽ trong việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong ba chủ đề này thì cốt lõi là phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên vì giảng viên giỏi sẽ có khả năng xây dựng và hoàn thiện các chương trình giáo dục, đồng thời, các nhà quản lý giáo dục hầu hết cũng được phát triển từ các giảng viên. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến phải được đặt lên hàng đầu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Sinh viên Việt Nam