Từ đất Nhật xa xôi, tiếng thơ của Mộng Tuyết đã thắp sáng tình yêu thơ Việt trong lòng cô gái trẻ. Để rồi từ một người chưa rành tiếng Việt, cô quyết tâm học thơ, tập làm thi sĩ.
Tình thơ xuyên biên giới
Thế kỷ XX, cùng với Đông Hồ, nữ thi sĩ Mộng Tuyết vụt sáng trong thi đàn đất Việt như một cây bút chủ lực trong văn học Hà Tiên. Hơn thế, những áng thơ ấy vượt khỏi biên giới nước Việt, đi vào lòng đọc giả năm Châu. Thế nên, đến nay, trong kho tàng văn nhân giai thoại đất Việt, mối tình thơ của nữ sĩ Mộng Tuyết và cô học trò người Pháp vẫn khiến nhiều người bất ngờ, trân trọng.
Nữ sĩ Mộng Tuyết trong chuyến du lịch tại Pháp năm 1974 (Ảnh: Hà Nguyễn)
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (60 tuổi, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), người gọi nữ sĩ Mộng Tuyết bằng cô nhận định: "Trong đời thơ của bà, bà quen biết, kết giao, bầu bạn với rất nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Nhưng việc cô Jacquenline Foujita, một thiếu phụ người Pháp lấy chồng Nhật xin học làm thơ với bà được nhiều người tò mò, hiếu kỳ nhất". Trong hồi ký của mình, nữ sĩ Mộng Tuyết ghi nhận, Jacquenline Foujita là một cô gái Pháp yêu thơ Việt. Mặc dù, cô gái này chưa một lần học tiếng Việt, nhưng những vần thơ tứ tuyệt của Mộng Tuyết đã hấp dẫn cũng như khơi gợi xúc cảm của một tâm hồn trẻ trung, đầy lãng mạn.
Sau những lần tiếp cận thi ca Việt Nam thông qua học giả Nguyễn Khắc Kham, Jacquenline Foujita càng thêm quyến luyến, yêu thương thơ Việt. Sự quyến luyến, yêu thích thơ Việt bùng cháy trong cô, khiến cô gái chưa rành tiếng Việt ngỏ ý nhờ vị học giả nổi tiếng tìm người dạy thơ cho mình. Ông giới thiệu cô bạn người Pháp muốn học thơ Việt với Mộng Tuyết khi bà đã trở thành một nhà thơ danh tiếng.
Trong bức thư đầu "ra mắt thầy", cô học trò ngoại quốc cho biết mình là con gái Pháp sống tại Paris, thích môn văn chương nhưng buộc phải tốt nghiệp khoa luật theo ý muốn của gia đình. Cô cho biết chính các bài thơ: "Tình nhân loại", "Chinh chiến", "Nguyên đán băng trinh" của Đông Hồ (chồng Mộng Tuyết-PV) được học giả Nguyễn Khắc Kham dịch ra tiếng Pháp đã khiến tâm hồn cô được thanh thản "như nghe được tiếng chuông bác ái và hòa bình từ những đền thờ xa xôi vọng lại mỗi buổi hoàng hôn".
Từ lần gặp gỡ không hẹn trước trên, nhận thấy trái tim nhiệt huyết với thơ ca nước Việt của cô gái trẻ, Mộng Tuyết bắt đầu mối tình thơ với cô học trò ngoại quốc bằng những bài thơ tứ tuyệt. Bà Hoa cho biết: "Để cô học trò mình bước đầu làm quen với thơ Việt bà tự tay làm những bài thơ tứ tuyệt ngắn rồi dịch từng chữ ra tiếng Pháp cho cô học trò đọc. Sau đó, khi đã thấm, đã hiểu được ý bài thơ, cô Jacquenline Foujita sẽ dịch nguyên bài thơ sang tiếng Pháp. Cứ như thế, hai người thư từ qua lại bằng những bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích".
Cô học trò ngoại quốc ham mê thi văn Việt của nữ sĩ Mộng Tuyết (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Cô học trò chưa từng gặp mặt
Để hiểu và dịch sát nhất ý nghĩa thơ Mộng Tuyết, Jacquenline Foujita cất công đọc lại hàng giờ những bài thơ cô đã dịch và dưới sự hướng dẫn, chia sẻ trực tiếp từ thầy. Không trực tiếp gặp thầy, Jacquenline Foujita vẫn kiên trì thư từ qua lại với nữ sĩ mà mình mến mộ. Bà Hoa kể: "Để có thể đọc, hiểu thơ tứ tuyệt, bước đầu, Jacquenline Foujita được bà Mộng Tuyết tự tay dịch từng chữ trong thơ mình ra tiếng Pháp rồi gửi qua cho cô”.
Từ những từ ngữ trong bài thơ đã được nữ sĩ dịch ra Pháp Văn, cô Jacquenline Foujita phải đọc để hiểu, nắm thần thái, ý nghĩa, nội dung của bài thơ rồi tự mình dịch toàn bài ra tiếng Pháp sao cho có thể diễn đạt được nguyên vẹn nội dung, ý nghĩa toàn bài thơ của thầy. Để có thể hiểu hơn và lĩnh hội tốt hơn văn học, thi ca Việt Nam cũng như những bài thơ của thầy, Jacquenline Foujita cũng bắt đầu tự học tiếng Việt. Cô luôn ý thức được việc học tiếng Việt sẽ giúp cô đến gần hơn thi ca Việt, đặc biệt có thể hiểu hơn tâm sự, hoài bão của người thầy Mộng Tuyết".
Về sau này, mỗi khi viết thơ gửi cho cô học trò nơi đất nước mặt trời mọc, Mộng Tuyết không cần phải dịch từng chữ ra Pháp văn nữa mà chỉ gửi bản viết tay bằng tiếng Việt. Từ những bài thơ này, Jacquenline Foujita phần lớn đều có thể tự đọc, tự dịch. Tuy nhiên, Jacquenline Foujita ít nhiều vẫn phải lệ thuộc vào từ điển. Dù vậy, tình thầy trò giữa hai con người chỉ lấy thơ làm mối dây liên hệ, gắn bó đã khắng khít tự bao giờ.
Bà viết: "Mùa thu năm 1974, sang Âu Châu, tôi cũng có thư cho Jacquenline hay và đồng thời gửi tặng cô học trò tập thơ "Gầy hoa cúc" in lần đầu tiên tại Paris, do một bạn thân in tặng. Jacquenline được tin tôi từ Âu Châu mà lại có quà là "Tập thơ quý giá mà trong đời cô chưa từng có được bao giờ". Jacquenline cảm động viết: "Belle dame comme "Bà tiên de la po é side, une grand soeur dans mon petit reve" (Một bà chị như bà tiên thơ mộng của tôi) ... Cô học trò đã dùng vài tiếng Việt mà cô đã học được để chen vào lời thư bằng ngôn ngữ của cô một cách ngộ nghĩnh".
Những bức thư trao đổi giữa hai người dưới dạng những bài thơ tứ tuyệt đã làm khăng khít thêm tình cảm thầy trò giữa hai con người ở hai đất nước, văn hóa khác nhau. Từ sự động viên chân thành cùng niềm đam mê thi ca Việt Nam, Jacquenline nhanh chóng thấm nhuần văn phong thơ mới Việt, đặc biệt là thơ của Đông Hồ - Mộng Tuyết. Thế nhưng, trở về từ chuyến đi dài ngày sang châu Âu, như lời bà nói "lòng người Việt Nam đã có nỗi đợi chờ, bận rộn riêng", nên bà không còn tiếp tục gửi thư, viết thơ cho cô học trò nữa.
Tuy nhiên, Jacquenline vẫn đều đặn gửi thư cho thầy hàng tháng như một cách tri ân người đã đưa mình đến gần hơn tâm hồn, hơi thở thi ca Việt. Thậm chí những bài thơ chính tay cô viết mang hơi thở phong cách Đông Hồ - Mộng Tuyết. Cuối cùng, những bộn bề, lo toan trong những ngày đầu đất nước độc lập, nữ sĩ Mộng Tuyết không còn thời gian đưa cô học trò ngoại quốc của mình đi xa thêm trong bầu trời thi văn đất Việt. Sau cùng, bà đành thở dài, nuối tiếc mối tình thơ, tình thầy trò sau chuyến đi Nhật bất thành của mình vào những năm 1974.
Biết đến thi ca Việt Nam nhờ thơ của Đông Hồ Thư gửi nữ sĩ Mộng Tuyết, Jacquenline Foujita viết: "Tôi biết đến thi ca Việt qua các bài thơ của nhà thơ Đông Hồ từ những bản dịch của giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Sau này, khi có cơ hội tôi đến gặp giáo sư để tỏ lòng mến mộ thi sĩ Đông Hồ, tác giả của những bài thơ tôi yêu thích tôi lại hân hạnh được biết thêm về bà sương phụ Đông Hồ, cũng là một nhà văn, nhà thơ hãy còn lo tiếp tục công việc của ông chồng quá cố. Tôi vui mừng vô hạn và mạo muội xin địa chỉ bà thi sĩ Mộng Tuyết Thất tiểu muội để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nhà thơ đã làm cho tâm hồn tôi được thanh thản". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài