Mấy ngày nay, sau khi một tờ báo điện tử đăng tải clip thầy giáo ở lớp học thêm dùng roi đánh học sinh, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối cách hành xử này. Tuy nhiên, khi PV Người đưa tin tiếp cận những “nhân vật chính” trong clip cũng như nhiều phụ huynh có con em đang theo học tại trung tâm này thì nhận được sự thực bất ngờ, khi họ sẵn sàng chấp nhận đòn roi để con em được tiến bộ. Những nỗi niềm của người thầy đang là tâm điểm của dư luận cũng khiến chúng ta không khỏi phải trăn trở …
Cả mẹ và nhân vật chính trong clip là cháu Lăng Thị Thúy Hiền (trái) đều không oán trách gì thầy giáo mà vẫn mong muốn được học tại đây
Quy định khác thường
Có một quy định bất thành văn mà phụ huynh và giáo viên đều thống nhất trước khi đăng ký cho con theo học ở Trung tâm này là: Trước mỗi buổi học, các em đều phải làm bài kiểm tra ngắn về kiến thức của buổi học trước. Em nào đạt từ 5 điểm trở lên sẽ được về theo giờ quy định. Em nào chưa đạt, sẽ ở lại để thầy cô giảng thêm đến khi hiểu và làm được bài thì thôi. Nếu hôm sau, học sinh ấy vẫn không chịu làm bài tập và bị điểm kém sẽ bị phạt đòn roi...
Được biết, Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II (TP.Thái Nguyên) - nơi thầy Phạm Minh Tuấn quản lý - đa số là học sinh bị “hổng” kiến thức nên được nhiều phụ huynh đưa đến trung tâm học thêm. Hiện, Trung tâm có 8 lớp, số lượng khoảng 300 - 400 học sinh, chủ yếu là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Ở đây, các em được học một tuần ba buổi. Nếu buối sáng các em học ở trường thì sẽ sắp xếp buổi chiều học ở trung tâm và ngược lại. Địa điểm học là 2 khu nhà cấp 4 với diện tích khoảng hơn 100 mét vuông gần nhà của thầy Tuấn. Trung tâm cũng không treo biển mà phần lớn do phụ huynh và học sinh tự tìm đến đăng ký. Theo phụ huynh phản ánh, khi họ gửi con em vào trung tâm sẽ thống nhất với giáo viên nếu con hư, lười học, bị điểm kém sẽ bị áp dụng bằng các biện pháp nghiêm khắc, với mục đích răn đe là đánh roi vào mông học sinh.
Đoạn clip được đăng tải vừa qua gây xôn xao dư luận diễn tả một buổi học của một nhóm học sinh trên lớp. Trong đó có hình ảnh thầy giáo dung roi đánh vào mông học sinh. Những học sinh bị “ăn roi” là các em đạt điểm dưới 5. Học sinh bị phạt sẽ nằm úp trên bàn và thầy giáo vụt roi vào mông. Những trường hợp bị đánh rất ít và hầu hết các phụ huynh đều được thầy giáo thông báo.
Khi PV Người đưa tin đến Trung tâm của thầy Phạm Minh Tuấn để tìm hiểu, có rất đông phụ huynh và các em học sinh có mặt tại đây. Đa phần họ bất bình khi dư luận lên tiếng chê trách trung tâm của thầy Tuấn quản lý. Nhiều phụ huynh và các em học sinh cũ cũng tìm đến đây để chia sẻ, động viên thầy Tuấn.
Bạn Nguyễn Duy Thành, vừa tốt nghiệp THPT trường chuyên Thái Nguyên và dự thi vào ĐH Thủy Lợi (Hà Nội) bày tỏ: “Trước đây, em đã theo học nhiều năm ở Trung tâm của thầy Tuấn. Tuy cách dạy của thầy Tuấn rất nghiêm khắc, thậm chí ban đầu chúng em rất sợ nhưng chính vì thế, em đã được nâng cao rất nhiều cả về kiến thức và ý thức học tập. Em cũng như bố mẹ em rất quý thầy và chưa bao giờ bức xúc trước phương pháp dạy của thầy. Em còn nhớ, trước đây em và nhiều bạn học kém, sau buổi học thầy Tuấn còn giữ lại nhà thầy ăn cơm để tối thầy tranh thủ kèm thêm. Sau quá trình rèn luyện, em đã khá lên rất nhiều và thi trúng tuyển trường THPT chuyên Thái Nguyên. Nay em cũng đaã̈ tốt nghiệp với điểm số cao, đó cũng là nhờ phần lớn công sức rèn luyện, giảng dạy của trung tâm”.
Chị Ngô Thị Tú Anh, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, phụ huynh của cháu Lê Thị Mỹ Hoa đang theo học ở Trung tâm thầy Tuấn chia sẻ: “Tôi biết Trung tâm dạy học của thầy Tuấn rất nghiêm khắc và có dùng roi mây đánh học sinh hư, lười học. Chính vì vậy, tôi không ngần ngại đăng ký cho cháu vào học thêm ở đây. Tôi và chồng tôi thật sự bất ngờ khi chỉ sau vài tháng cháu nhà đã tiến bộ lên rất nhiều. Tôi biết ban đầu cháu cũng bị thầy đánh một số lần và những lần ấy thầy Tuấn đều điện về cho gia đình thông báo. Đến nay, cháu Hoa đã học giỏi lên rất nhiều và biết tự giác trong học tập”.
Trao đổi với PV, thầy Phạm Minh Tuấn cho biết: “Nhiều học sinh được phụ huynh gửi vào Trung tâm là những em lười học và “hổng” kiến thức. Chính vì vậy, trong các buổi học, tôi và các thầy giáo trợ giảng sẽ ra bài tập và ra mức điểm sàn để học sinh tự cố gắng vượt qua. Theo đó, nếu đạt điểm sàn từ 5 điểm trở lên thì học sinh sẽ được ra về. Nếu học sinh mà không vượt qua điểm sàn đó thì cả thầy và trò đều phải ở lại mà làm lại bài tập đến khi vượt qua “mức điểm sàn” thì thôi. Học sinh bị điểm kém hay giỏi, tôi đều gọi điện về thông báo cho phụ huynh biết. Kể cả những hôm các em bị phạt bằng đòn roi”.
Cảm ơn vì… bị đánh đòn
Để tìm hiểu rõ bản chất sự việc, chúng tôi tìm về nhà cháu Lăng Thị Thu Hiền, nhân vật học sinh nữ bị đánh trong clip vừa qua. Trái ngược với thông tin bức xúc từ dư luận, mẹ cháu là chị Nguyễn Thị Thúy Hoàn (trú tổ 5, phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên) không tỏ ra bất ngờ trước vấn đề dư luận phản ánh.
Chị cho biết: “Cháu Hiền năm nay lên lớp 8. Chẳng giấu gì mọi người, cháu Hiện bị “hổng” nhiều kiến thức, nhất là môn Toán. Tôi nghe nhiều người nói về Trung tâm dạy học của thầy Tuấn hiệu quả nên đăng ký xin cho cháu học. Sự việc cháu bị đánh mà người ta quay clip xảy ra cách đây hơn một tháng, gia đình tôi cũng biết vì thầy Tuấn đã thông báo trước với gia đình. Chính ban đầu, gia đình tôi cũng đã thống nhất nhờ các giáo viên dùng các biện pháp nghiêm khác nếu cháu lười học, bị điểm kém. Sau vài tháng theo học ở Trung tâm, kết hợp với đào tạo ở nhà trường, chúng tôi thấy cháu Liên đã tiến bộ lên rất nhiều. Cháu biết tự ý thức việc học và làm bài tập ở nhà, không lười biếng, ỷ lại như trước. Mục đích quan trọng nhất khi chúng tôi đăng ký cho con học ở đây là để biết thực lực của con và rèn tính thành thật cho con cái”.
Ngồi kế bên mẹ, Hiền rụt rè kể: “Hôm ấy, cháu bị điểm 1 môn Toán. Cuối buổi học, thầy bắt cháu ở lại và đánh hai roi mây vào mông vì không chịu học bài hôm trước. Tối về, cháu cũng bảo bố mẹ. Vì chỉ bị đánh hai roi nên cũng không đau lắm. Nhưng từ đấy, cứ ăn tối xong là cháu lại chăm chỉ học bài để mai nhờ thầy sửa. Vì thế, từ hôm ấy đến giờ, cháu không bị thầy đánh nữa. Giờ cháu đã đạt được điểm khá môn Toán rồi, chú ạ”. Khi chúng tôi hỏi về việc nhiều ý kiến bức xúc trước clip trên, cháu Hiền thật thà kể: “Cháu không hiểu sao mọi người cứ làm ầm lên. Cháu thấy có như vậy cháu mới học được. Xung quanh cháu, mọi người cũng không bàn tán gì về việc đó cả!”.
Không chỉ riêng chị Hoàn, nhiều phụ huynh khác cũng ủng hộ cách dạy tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II. Một phụ huynh cho biết: “Ở đây, cái chính là thầy rèn ý thức. Trước, con tôi hư lắm, mẹ nói câu nào là cãi lại, nhưng từ hồi học thầy, mẹ mắng gì cũng im lặng nghe lời, không cãi lại. Có phải học sinh nào thầy cũng đánh đâu, như tôi đề nghị 3, 4 lần thầy mới đánh con tôi đấy. Nhưng sau những lần bị phạt đó thì con tôi tiến bộ lên rất nhiều. Hồi cấp 1, năm nào cháu cũng là học sinh trung bình. Từ hồi lên lớp 6, tôi cho cháu học ở đây thì hai năm liền sau đó đều đạt học sinh giỏi”.
Anh Ngô Xuân Trường, một phụ huynh khác có con bị đánh chia sẻ: “Con trai tôi vốn là đứa ham chơi, học hành chểnh mảng, dù tôi có mời gia sư về dạy thì kết quả học tập của cháu vẫn không tiến triển. Sau đó, tôi quyết định cho con đi học tại nhà thầy Tuấn. Những buổi đầu thật khó khăn, con trai tôi liên tục phải ở lại trả bài. Những tháng sau đó, con trai tôi chăm chỉ hẳn lên và sau hai năm học tại nhà thầy cháu rèn được cho mình tính tự giác, có ý thức trong học tập. Tôi biết có hôm cháu bỏ học đi chơi, không làm bài tập nên bị thầy phạt đánh. Và mỗi lần như thế, thầy giáo đều thông báo về cho gia đình”.
“Thực ra, tôi chỉ nghĩ đơn giản, ở lứa tuổi các cháu học cấp hai, cần phải nghiêm khắc thì các cháu mới học được. Vì thế, xuất phát từ trái tim của người thầy, chúng tôi mới dùng hình thức đó. Tuy nhiên, tôi cũng đã nhận ra những thiếu sót của mình trong việc áp dụng hình phạt “đòn roi” cho các em. Dù rằng đã được phụ huynh chấp nhận cho hình phạt mang tính răn đe ấy nhưng tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi đến các em học sinh, các bậc phụ huynh. Trung tâm cũng đã xử lý nghiêm các giáo viên và quản sinh mắc sai phạm, bằng hình thức kiểm điểm, cho nghỉ việc…”, thầy Phạm Minh Tuấn chia sẻ với Người đưa tin. |
Khánh Nguyên - Cao Tuân