"Qua mặt" 10 lớp an ninh
Kể từ đầu thế kỷ XVI, thành phố Antwerp (Bỉ) dần trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến kim cương; cùng với Dubai (thuộc các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) là hai trung tâm kim cương lớn nhất thế giới. 80% số kim cương thô trên toàn cầu đều phải đi qua Antwerp với tổng giá trị trao đổi, buôn bán lên tới 23 tỷ USD mỗi năm. Kim cương thô từ các nơi đổ về đây sau khi thỏa thuận giá cả được lưu giữ trong 160 hầm ngầm dưới đất.
Ngoài nguồn kim cương từ khai thác các mỏ ở Nam Phi, Úc, Nga... còn có cả nguồn "kim cương máu" từ các cuộc tranh giành trong nội chiến ở Sierra Leone và CHDC Congo. Từ xưa việc mua bán kim cương ở khu vực này chủ yếu dựa vào lòng tin đối với những khách hàng quen biết.
Thông thường với những lô kim cương giá trị lớn việc trao đổi mua bán cũng không cần giấy tờ mà chỉ "trả tiền nhận hàng" rồi cuối cùng kết thúc việc giao dịch bằng một cái bắt tay. Có thể nói đây là nơi tập trung nhiều nhất sự giàu có của thế giới và cũng là thiên đường của những tên trộm.
Leonardo Notarbartolo - "Vua trộm" bị cáo buộc là kẻ dàn xếp vụ trộm ở trung tâm kim cương thế kỷ.
Ý thức được điều này các cơ quan chức năng của Antwerp đã rất chú trọng đến công tác an ninh. Toàn bộ quá trình giao dịch đều diễn ra dưới sự giám sát bí mật của các camera đặt ở nhiều góc độ khác nhau, chưa kể tới những nhân viên an ninh mặc thường phục lặng lẽ làm nhiệm vụ. Số kim cương, đá quý đang trong thời gian ký gửi, giao dịch, mua bán sẽ được cất giữ ở một căn hầm nằm sâu dưới mặt đất với hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt.
Căn hầm này được coi là một kho hàng không thể xuyên thủng. Nó được bảo vệ bởi 10 lớp an ninh bao gồm tia hồng ngoại, sóng radar, một từ trường, một cảm biến địa chấn và một chiếc khóa vô cùng an toàn. Ngoài ra, ngay trước hầm còn có một cánh cửa thép nặng 3 tấn mà nếu không có chìa khóa sẽ không thể vào bên trong bằng bất cứ cách nào.
> Những cú lừa ngoạn mục và sửng sốt nhất năm 2012
Tuy nhiên, căn hầm kiên cố tưởng chừng như không thể xuyên thủng ấy đã bị bọn trộm đột nhập một cách gọn nhẹ trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Đó là vào đêm 15 rạng sáng 16/02/2003, đêm cuối tuần khi toàn bộ cư dân thành phố Antwerp bị cuốn hút vào vòng chung kết tennis cúp Diamond Games. Nhóm trộm tinh vi đã qua mắt lực lượng giám sát an ninh, vô hiệu hóa 10 lớp bảo vệ và cuỗm đi gần hết số kim cương, đá quý, đồ trang sức trong hầm chứa. Tổng số 160 hộp ký gửi trong hầm hôm đó bọn trộm đã lấy đi 123 hộp, chỉ còn lại 37 hộp.
Điều ngạc nhiên là vụ trộm diễn ra vào đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật nhưng lực lượng an ninh không hề phát hiện gì cho đến tận thứ hai, khi nhân viên trung tâm vào hầm và tá hỏa khi thấy các túi đựng hàng vứt lung tung còn những viên kim cương nằm vương vãi trên mặt đất.
Kế hoạch hoàn hảo của "vua trộm"
Dựa trên kế hoạch tinh vi và mức độ táo tợn của vụ trộm, cảnh sát giả định có ít nhất 4 tên tham gia vào vụ này. Hiện trường vụ án được giả định như sau: 19h thứ bảy 15/2/2003, Trung tâm buôn bán đá quý Antwerp đóng cửa. Đêm 16/2/2003, có ít nhất 3 tên trộm đi cầu thang máy tới kho để các két sắt đựng kim cương đá quý, đầu tiên chúng phá hoại các thiết bị giám sát. Chúng đã sử dụng nhựa dẻo để vô hiệu hóa các đầu cảm ứng, dùng cao su bịt các đầu ống kính camera sau đó phá cửa vào một kho để hàng ở tầng hầm.
Tại đây, chúng phải vượt qua một "chướng ngại vật" lớn đó là thiết bị cảnh báo từ được gắn ở then của cửa kho. Mở xong cửa kho, do có sự chỉ điểm trước nên chúng nhanh chóng tìm được nơi để các két sắt đựng đá quý. Tuy nhiên, đến nay cảnh sát vẫn chưa rõ bằng cách nào bọn trộm có thể vượt qua được cửa kho và phá được mật mã các két sắt. Trong 123 chiếc két bị đột nhập có 72 két được mở bằng chìa, số còn lại bị bọn trộm dùng các dụng cụ thô sơ để cạy phá.
Hiện trường còn lại sau khi bọn trộm rời đi với những túi đựng đồ vứt lung tung và những viên kim cương vương vãi trên sàn nhà.
Sau khi tẩu thoát thành công, bọn trộm vào một khu rừng cách địa điểm gây án khoảng 150km để chia chác "thành quả". Chủ khu rừng này đã vô tình phát hiện ra một số vật chứng quan trọng do chúng để lại như găng tay, túi nhựa đựng tài liệu, một ít tiền lẻ và cả những chiếc túi vải đựng kim cương của trung tâm Đá quý Antwerp.
Khi chủ rừng thông báo, đội điều tra ngay lập tức đến hiện trường và thu thập được khá nhiều chi tiết quan trọng của vụ án, trong đó đáng kể nhất là một số mảnh vụn của phiếu giao dịch đá quý của trung tâm Buôn bán và Chế tác đá quý Antwerp. Chắp nối lại các mảnh giấy vụn này, cảnh sát phát hiện ra tờ phiếu giao dịch có liên quan đến cái tên Leonardo Notarbartolo.
Trong chiếc túi này, cảnh sát còn tìm thấy một vé thu phí giao thông tuyến đường cao tốc từ Ý đến Antwerp qua dãy núi Alpes, ngày giờ ghi trên hóa đơn cách thời điểm vụ mất trộm kim cương ở Antwerp không lâu. Ngoài ra, trong túi còn có một hóa đơn của một cửa hiệu kim hoàn ở Ý, trên đó có thống kê tên các loại đá quý đã bị mất trong vụ trộm.
Với những chứng cứ trên, cảnh sát đã mở cuộc điều tra mở rộng và cuối cùng dẫn tới Italy. Nhóm trộm được xác định là các tay anh chị kỳ cựu thuộc phái trường học Turin (Ý), trong đó có tên Leonardo Notarbartolo (cái tên có liên quan đến tờ phiếu giao dịch được phát hiện trong khu rừng) được mệnh danh là "Vua trộm". Đây là một nhóm trộm "cực kỳ thông minh" và không bao giờ dùng vũ lực.
Ngoài "Vua trộm" Notarbartolo còn có một tên khác với biệt danh "Nhà ảo thuật chìa khóa". Tên này có lẽ chính là tên đã phá được mật mã các két sắt. Ngay sau khi xác định đầy đủ các bằng chứng Notarbartolo đã bị bắt giữ. Trong ngày Notarbartolo bị bắt, cảnh sát Ý đã phá vỡ hệ thống an toàn tại nhà hắn ở Turin và tìm thấy 17 viên kim cương đánh bóng kèm giấy chứng nhận xuất xứ từ Bỉ. Họ cũng tìm thấy các viên đá quý dưới tấm thảm trong căn hộ của hắn ở Antwerp.
Tuy không có bằng chứng buộc tội Notarbartolo tham gia trực tiếp vào vụ trộm nhưng những bằng chứng gián tiếp cho thấy hắn chính là người vạch ra kế hoạch của vụ trộm hoàn hảo kia. Năm 2005, tòa án Bỉ tuyên án Notarbartolo 10 năm tù và phạt tiền 1,3 triệu USD.
Cho đến nay tuy Notarbartolo - kẻ vạch ra kế hoạch trộm trung tâm kim cương đã gần hết thời gian thụ án nhưng số kim cương, đá quý trị giá hơn 100 triệu USD vẫn không thể tìm ra được. Trước đó cảnh sát Italy cũng có tìm thấy một số kim cương bị đánh cắp trong một căn hầm ở nước này và đã chụp ảnh lại để xác nhận. Nhưng khi cảnh sát Antwerp tới để thu hồi số kim cương đó thì chúng đã "không cánh mà bay".
Các nhà buôn kim cương cho rằng việc thu hồi được số kim cương bị đánh cắp là rất khó khả thi vì tất cả số kim cương thô có lẽ đã được chế tác và đưa ra thị trường tiêu thụ hết.
Gia Hân
(Còn nữa)