2 nạn nhân được cấp chứng chỉ về ATLĐ
Mới đây, PV trở lại Nhà máy tinh luyện dầu cá thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa Quốc gia – IDI để tìm hiểu thêm về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 6 cán bộ, nhân viên nhà máy vào ngày 4/9 vừa qua.
Ông Hồ Mạnh Dũng - giám đốc Ban điều hành dự án Nhà máy tinh luyện dầu cá - cho biết, đây là một dự án rất tâm huyết của toàn thể cán bộ, nhân viên IDI. Nhà máy sở hữu công nghệ hiện đại của Bỉ, có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, dự kiến tháng 12 tới sẽ chính thức đi vào hoạt đồng, góp phần làm tăng chuỗi giá trị cho con cá tra của Việt Nam.
Ông Dũng chia sẻ với phóng viên
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 6 cán bộ, nhân viên nhà máy, ông Dũng cho biết: Sáng ngày 4/9, anh Trần Tấn Lợi, Lâm Thanh Phong, Triệu Bá Trà được cử đi xuống bồn dầu số 5, cao 6m, để lấy mẫu. Lúc này, lượng dầu cá trong bồn chỉ cao đến khoảng 2m nên dụng cụ lấy mẫu không với tới được. Thay vì tìm một sợi dây khác nối vào, anh Lâm Thanh Phong lại trực tiếp leo xuống bồn bằng cầu thang và bị ngạt thở, trượt tay rớt xuống bồn. Rồi các nhân viên khác vào cứu và tử nạn như đã đưa tin.
Đặt vấn đề về nội quy công ty cũng như đào tạo vận hành máy, huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho cán bộ, nhân viên, ông Dũng cho biết, các nhân viên nhà máy (53 người, trong đó có 12 người trực tiếp vận hành nhà máy) đều đã qua các lớp về vận hành máy; vệ sinh, chất lượng sản phẩm; an toàn trong lao động,… Tuy nhiên, trong số 6 nạn nhân tử nạn chỉ có Giám đốc nhà máy Mai Hữu Tôn và anh Lê Xuân Thuận - nhân viên là có chứng chỉ về ATLĐ.
Bồn chứa số 5, nơi xảy ra tai nạn đau lòng
Các bồn chứa đều có van xả lấy mẫu
Về “kết luận tạm” là 6 lao động chết ngạt do thiếu oxy, ông Dũng cho biết cũng chỉ dựa vào lời khai của những người tham gia ứng cứu chứ ông không trực tiếp có mặt ở hiện trường.
Chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao công việc lấy mẫu đơn giản nhưng phải đi đến 3 người? Ông Dũng cho biết đây là quy định của nhà máy để đảm bảo an toàn cho các nhân viên khi làm việc (?). Như thế có thể thấy đây là một công việc nguy hiểm, nhưng các nạn nhân khi chết trên người hoàn toàn không có một dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động nào.
Trong bảng nội quy về quy trình, thao tác lấy mẫu dầu ở các bồn là thông qua các van xả ở đáy bồn. Vậy tại sao anh Phong lại ròng dây lấy mẫu từ miệng bồn?
Điểm đáng chú ý nhất là, theo tài liệu mà PV có được về quy trình thao tác xuất, nhập và lấy mẫu dầu trong các bồn chứa, do ông Lê Văn Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty IDI - ký ngày 6/7/2013, quy định rất rõ việc lấy mẫu dầu ở các bồn: Việc lấy mẫu dầu phải chú ý đến các van vận hành; Chú ý độ kín các van. Riêng các bồn chứa có dầu đặc phải gia nhiệt vừa đủ để xả van đáy lấy mẫu.
Bản nội quy này cũng nêu rõ việc theo dõi các phao báo dầu đầy và cạn. Theo dõi thường xuyên tình trạng cân bằng áp xuất của bồn; kiểm tra đóng mở các van khi nhập và xuất dầu,…
Như vậy, một thắc mắc khác được đặt ra là, các nạn nhân đã vi phạm nội quy công ty hay không hề biết đến nội quy này? Hay các công nhân bị “ép” thực hiện một quy trình lấy mẫu khác với nội dung nội quy?
Những người biết rõ sự việc đã yên nghỉ. Một người may mắn sống sót từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Các công nhân tham gia ứng cứu thì công ty chưa cho gặp mặt vì "tinh thần họ đang bấn loạn" (?). Và nguyên nhân vụ tai nạn lao động này vẫn chỉ là những phán đoán.
Khi sự cố xảy ra, ông Dũng chỉ đạo phá nắp van dưới để đưa các nạn nhân ra khỏi bồn.
Theo nguồn tin của Dân trí, bồn xảy ra sự việc là bồn dầu đặc.
Nổi đau tột cùng của người vợ trẻ và người cha chạy xe ôm nuôi anh Tôn ăn học.
Tiếp xúc với PV , chị Mai Lương Bích Ngọc - vợ anh Lâm Thanh Phong ngậm ngùi nước mắt, cho biết: “Ngày đầu tiên đọc thông tin ai đó cho rằng từ sự bất cẩn của anh Phong rồi dẫn đến cái chết của các nhân viên khác,… Lúc đó tôi không đứng nổi vì cảm thấy bao nhiêu tội lỗi đều đổ lên chồng tôi. Bây giờ, tôi không dám xem truyền hình và báo chí gì hết, chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề vì với bản tính của anh Phong, ảnh là người rất cẩn thận”. |
Theo Dân trí