Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ khiến dư luận bàng hoàng khi người trẻ tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề, để kết thúc cuộc đời. Còn nhớ cách đây không lâu một bé gái 13 tuổi ở TP.HCM đã nhảy từ tầng 8 xuống đất. Thật may mắn em chỉ bị giập gan và hồi phục tích cực.
Một thời gian sau đó, bé gái 11 tuổi đã nhảy từ tầng 39 xuống và không thể qua khỏi. Hay mới đây nhất chính là câu chuyện đau lòng khi hai chị em sinh đôi nhảy lầu tự tử xảy ra trong kỳ nghỉ của trường quốc tế tại TP.HCM.
Từ những câu chuyện đau lòng này, PV đã có cuộc nói chuyện với TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp giúp cha mẹ hiểu hơn về con mình.
Nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc người trẻ lại muốn “sang ngang” thế giới sớm như vậy thưa TS.?
Đúng là thời gian qua có rất nhiều câu chuyện khiến chúng ta phải nhìn lại dưới nhiều góc độ. Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc từ người trẻ đến từ yếu tố khách quan và chủ quan.
Nói về nguyên nhân khách quan thì đó chính là mặt tâm lý. Do những người trẻ này thất thường về mặt cảm xúc nên mới nghĩ tự tử để giải quyết vấn đề và “chết là hết”. Họ cho rằng, chết là giải pháp làm cho họ những người xung quanh họ thỏai mái nhất. Đây là nhận thức sai về vấn đề.
Thứ 2, khi gặp một vấn đề nào đó họ không giải tỏa được cảm xúc, khi khó giải tỏa thì cảm xúc ngày một chồng chất từ các vấn đề trong cuộc sống, tình yêu, học tập hay những mối quan hệ gia đình như vậy sẽ dẫn đến hành vi sai lệch. Hoặc những người từ nhỏ đã bị khủng hoảng tinh thần, lớn lên tổn thương quay lại họ không khống chế được nên sẽ tử tự. Xét về góc độ tâm lý, những người trẻ khi có ý định tự tử là những người khả năng vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề, nghị lực không thật sự tốt.
Còn về yếu tố khách quan là do gia đình, các thành viên trong gia đình thiếu tình yêu thương, sự quan tâm và có những định hướng đúng đắn để người trẻ vượt qua khó khăn một cách tốt nhất. Mặt khác, tính thờ ơ, vô cảm từ xã hội cũng đang báo động, nhiều trẻ em không bám víu được, chưa giải tỏa được tâm sinh lý, khi bế tắc không biết tìm đến ai nên họ đã tìm đến cái chết.
Nói như TS. thì bố mẹ có phải là một nguyên nhân dẫn đến việc một số người trẻ xuất hiện ý định tự tử?
Trong gia đình, khi không có sự gắn kết thì việc phát hiện, phòng ngừa ngăn ngừa là rất khó. Giống như một bộ phận cha mẹ đi làm suốt ngày, thời gian gần gũi, quan tâm đến con là không có. Vì thế, làm sao hiểu được con đang muốn gì, con cần gì, thậm chí con đã bị ảnh hưởng tâm lý như thế nào bố mẹ cũng không hay biết. Khi sự việc đau lòng ập đến, con cái làm những điều bố mẹ chưa bao giờ nghĩ đến, lúc ấy còn cứu vãn được không? Vì thế, không nên để con cái thiếu hụt tình yêu từ bố mẹ.
Còn có những đứa trẻ khi được bố mẹ yêu quá mức lại thành áp lực cho con. Rồi mâu thuẫn từ bố mẹ cũng dẫn đến việc con cái không biết nên giải quyết như thế nào nên tự tử để bố mẹ nhận ra cái sai của chính mình. Một cách giải quyết mâu thuẫn?
Làm thế nào để nhận diện những người trẻ đang có ý định muốn tự tử?
Hiện nay mối quan hệ của người trẻ rất lỏng lẻo. Có nhóm kết bạn rất dễ nhưng tan vỡ rất nhanh vì niềm tin của họ đối với bạn bè thấp, tính yêu thương cộng đồng thấp, không biết hy sinh, thương bạn, lo lắng cho bạn, sự phòng vệ quá lớn. Nên khi xảy ra chuyện gì hay có dấu hiệu tâm lý không tốt thì bạn bè, bố mẹ cũng khó nhận ra.
Vì thế, đối với vấn đề này để hạn chế cần có chương trình tập huấn, phòng ngừa và nhận diện cho mọi người, mọi lứa tuổi. Bạn bè, gia đình, xã hội nhận diện người muốn tự tử như thế nào? Ví dụ: Ngôn ngữ có tính bất mãn, không giao tiếp với mọi người, có hành động bất chấp tất cả…
Sự gắn kết, cách thức giao tiếp hàng ngày sẽ giúp bạn bè, gia đình biết rằng người trẻ đang có dấu hiệu muốn tự tử hay không?
Vậy, giải pháp căn cơ để ngăn ngừa tình trạng này thưa TS.?
Trước hết, phải tôn vinh giá trị cuộc sống, khi người trẻ thấm nhuần được thì họ sẽ yêu cuộc sống hơn.
Cần có các chương trình hỗ trợ cách thức để giải quyết vấn đề, các trung tâm tư vấn, tham vấn tâm lý. Nhưng, những người tư vấn phải am hiểu, có trình độ chuyên môn từ lý luận đến thực tiễn. Như tôi biết, một số trường ở Hàn Quốc, Nhật Bản họ có nhiều chương trình phòng ngừa tự tử, có các lớp thực nghiệm chết, những người sau khi thực nghiệm xong họ yêu quý sự sống vô cùng.
Sau đó, cần xây dựng gia đình văn hóa yêu thương nhau, coi nhau là gia đình thực sự. Khi con vấp ngã vẫn nghĩ còn gia đình để quay trở về chứ không phải gia đình là nơi đe dọa, hăm dọa.
Cảm ơn TS. về cuộc trò chuyện!
Mai Thu