Tỉnh ủy Hà Tĩnh chấp nhận
Trả lời trên báo Tầm nhìn, bà Dương Thị Hằng, phó chủ tịch phụ trách công tác xã hội Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay đời sống của công nhân viên chức, nhất là công nhân lao động trên địa bàn Hà Tĩnh đang còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt về nhà ở.
"Từ đó LĐLĐ đã vận động từ thiện đúng nghĩa đối với người lao động tham gia quỹ này để chung tay giải quyết giúp đỡ những trường hợp đặc biệt khó khăn về nhà ở, những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo hoặc gặp thiên tai".
Các loại quỹ: cần công khai, minh bạch và "tự nguyện" !
Bà Hằng nói quỹ này hoàn toàn là vận động chứ không phải là bắt buộc. Và khi có công văn của quỹ này gửi xuống các cấp công đoàn trực thuộc, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thông qua Tỉnh ủy và đã được chấp thuận.
Cấp dưới cứng nhắc, không minh bạch
"Còn việc thu quỹ dẫn đến người lao động khi nộp quỹ "Mái ấm công đoàn" bức xúc là do chính công đoàn cơ sở thực hiện một cách cứng nhắc, mệnh lệnh áp đắt mà không giải thích vận động. Rồi sau khi sử dụng quỹ lại không báo cáo lại cụ thể các hoạt động đã làm được cho người nộp quỹ nên dẫn đến việc người lao động thắc mắc là không biết số tiền mình tham gia vào quỹ có được sử dụng đúng mục đích hay không.
“Lực lượng trong ngành giáo dục là đội ngũ tham gia nhiều nhất với loại quỹ này. Nhưng cách làm ở công đoàn cơ sở thuộc giáo dục lại chưa được linh hoạt. Ví như chưa tuyên truyền giải thích đã thu quỹ. Rồi kết quả hoạt động từ quỹ lại không được báo cáo lại cho các đoàn viên dẫn đến nghi ngờ về tính chất hoạt động. Hiện tại việc báo cáo công khai kết quả sử dụng quỹ "Mái ấm công đoàn" ở trong ngành giáo dục mới chỉ có hai đơn vị thực hiện đó là Phòng giáo dục huyện Thạch Hà và huyện Đức Thọ”, bà Hằng nói trên báo Tầm nhìn.
Từ "tự nguyện" thành "ép buộc"
Theo báo cáo từ LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, kể từ khi thực hiện vận động quỹ "Mái ấm công đoàn" năm 2008 đến nay, số tiền thu được từ quỹ này là 3.421.000.000 đồng. Trong đó mỗi năm công nhân viên chức đóng góp 1 ngày lương, công nhân lao động đóng 30.000 đồng. Riêng phần quỹ này được trích về cho LĐLĐ tỉnh là 987.374.000 đồng (chiếm 30%) , số còn lại do liên đoàn các huyện giữ lại để hoạt động.
Theo một quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, "từ nay, các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện".
Trên Nguoiduatin.vn, độc giả Nguyễn Hương phản hồi: Các loại quỹ ủng hộ như: mái ấm công đoàn, người nghèo(huyện, tỉnh,xã), đền ơn đáp nghĩa, các nước gặp thiên tai... Tất cả giáo viên chúng tôi đều phải đóng góp một cách "tự nguyện" .
"Với hình thức bắt buộc này hầu như bị trừ thẳng vào lương vì bị cấp trên giao chỉ tiêu cho nên chúng tôi khong biết kêu ai. May quá vì có bài này chúng tôi muốn giải bày cùng quí báo và mong sớm vào cuộc điều tra đêw giáo viên chúng tôi yên tâm công tác không phải lo lắng cho mỗi kì lĩnh lương mình bị trừ mất bao nhiêu. Đã là tự nguyện thì đóng góp bao nhiêu thì tùy vào mỗi người thì chúng tôi rất sẵn lòng nhưng thú thực chúng tôi không biết các loại quĩ trên sẽ đi về đâu", chị Hương nói.
Trên thực tế, "mệnh lệnh" của LĐLĐ Hà Tĩnh đã biến "tự nguyện" thành "bắt buộc" đối với công chức, nhất là công chức ngành giáo dục.
Thụy Nguyên