Trong vai một người có nhu cầu tìm đất để cải táng mộ do giải phóng mặt bằng, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã giáp mặt với một tay ‘cò’ đất mộ trong rừng đặc dụng có tiếng.
Lão tên đầy đủ là Võ Thành Tr., nhà ở thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế).
Qua câu chuyện tôi trao đổi, lão Tr. cho hay, lão có một khu vực đất nằm ở vị trí đồi Trục Voi, xã Thủy Bằng đáp ứng nhu cầu đất cải táng mộ cho 12 ngôi.
Leo dốc men theo lối mòn đất đỏ, chúng tôi hướng về một bãi đất trống bao quanh là những hàng thông đang lớn, thấp thoáng đâu đó là đôi ba ngôi mộ đất nằm cô quạnh… Tất cả lọt thỏm giữa khu rừng đặc dụng tươi tốt.
Khu đất này rộng khoảng gần 100 m2, được phát quang sạch sẽ. Lão ra giá 3 triệu một ngôi mộ cải xong đã lên hình hài và hoàn chỉnh.
Khi tôi thắc mắc về nguồn gốc khu đất này, lão gạt tay và tỏ ra tư tin tuyên bố, nếu sau này có xảy ra vấn đề về tranh chấp đất đai thì chính lão sẽ là người đứng ra làm việc và chịu trách nhiệm với “cấp trên”.
Tôi đồng ý và gửi lại lão 1 triệu đồng tiền đặt cọc, rồi chia tay lão và cho biết tháng sau sẽ quay trở lại…
Nghi ngờ về khoảnh đất lão Tr. bán có thể nằm trong khu vực rừng thông đặc dụng do Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện công ty này để làm rõ vấn đề.
Đi thực địa cùng PV, có ông Lê Quang Tuấn, phụ trách bảo vệ quản lý rừng của Trung tâm KH-KT Thuận An, Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong.
Khi đến tại khoảnh đất trên, ông Tuấn khẳng định, khu vực này thuộc đất rừng thông đặc dụng nằm ở khoảnh 1, tiểu khu 154 do công ty quản lý.
“Việc làm của ông Tr. là không thể chấp nhận được, đất này là đất rừng đặc dụng làm sao mà trao đổi, mua bán để lập mộ được”, ông Tuấn khẳng định.
Chia sẻ về sự tự tin, nói như “đinh đóng cột” của ông Tr. là không vấn đề gì khi lập mộ ở đây, ông Tuấn cho rằng, đó chính là thủ đoạn để người đàn ông này lừa những người có nhu cầu tìm đất mộ. Vì, để tạo sự tin tưởng từ khách hàng, lão Tr. thường vào rừng lập và tạo những mộ giả trong rừng rồi khi ai có nhu cầu, lão dẫn đến khu đất đó. Việc làm của lão là độc lập nếu có sự can thiệp của lực lượng chức năng khi đang cải táng thì lão thường bỏ của chạy lấy người. Một lúc sau khi lực lượng bảo vệ rừng rút là đội của lão trở lại làm tiếp, có khi còn chong đèn làm cả vào ban đêm.
Chỉ tay về những khu mộ đất còn mới, ông Tuấn cho hay, đó là những ngôi mộ gió, mộ giả các tay “cò” đất mộ lập nên để “xí” đất rồi có người hỏi sẽ bán lại.
Một bảo vệ rừng đi cùng tên Chính chia sẻ, việc xử lý những đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn bởi chúng thường bỏ chạy và không thừa nhận hành vi của mình. “Không chỉ có vậy, mỗi lần lực lượng bảo vệ đến xử lý một ngôi mộ mới lập là y như rằng tối đến khu vực rừng ấy cũng bị kẻ xấu phóng hỏa đốt. Anh em thường rất vất vả bởi chúng thường đốt vào thời gian từ 1-2 giờ sáng…”, ông Chính nói.
“Tình trạng mộ mới xuất hiện trong rừng đặc dụng thời gian gần đây là hầu như không còn. Những khu mộ cũ, nếu muốn xây dựng lại thì phải có sự xác nhận và đồng ý của phía công ty lâm nghiệp và UBND xã sở tại. Riêng khu vực ông Tr. phát quang này, chiều nay, tôi sẽ cho anh em lên trồng cây mới bao phủ”, ông Lê Quang Tuấn cho biết.
Lê Kông