Người làm việc trong căn phòng tối
Tôi vẫn nhớ cảm giác thất vọng khi đứng trước căn phòng làm việc của anh, điện tối om và đóng chặt cửa. Khi tôi trở ra, người thư ký quả quyết anh vẫn đang làm việc trong đó. Chỉ một thoáng, mắt tôi bỗng nhòe đi, tim thắt lại, một cảm giác cay cay xốc lên mũi khiên tôi nghẹt thở. Tôi vẫn quen thói quen hành chính, cứ đến cơ quan là bật điện lên. Hôm nay tôi chợt hiểu, có những người cả đời họ chẳng bao giờ cần bật điện.
Hội người mù quận Thanh Xuân chỉ có hai gian buồng tách biệt được bố trí trong phòng giáo dục và đào tạo của quận. Hội có tới hơn 300 hội viên nhưng đội ngũ lãnh đạo chỉ có 7, ở chung trong hai căn phòng nhỏ. Chỗ anh Quân làm việc là căn phòng cuối hành lang.
Khi tôi bước vào, người thanh niên khiếm thị ấy đang dở tay soạn thảo báo cáo cuối năm. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được thấy một người mù sử dụng điện thoại di động và máy vi tính. Thật kỳ lạ, mọi thứ đã vượt xa tưởng tượng của chúng tôi về cuộc sống “toàn một màu đen”.
Trần Minh Quân (sinh năm 1980), hiện đang là phó chủ tịch hội người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, chàng trai nghị lực Trần Minh Quân thật vui vẻ, hòa đồng. “Trong hội, có thật nhiều trường hợp đặc biệt. Họ mới là những tấm gương thực sự, còn tôi chỉ là một hội viên may mắn”. Nói thế nhưng anh vẫn cởi mở trải lòng về cuộc đời gian truân và cuộc tình đẹp như cổ tích với một cô gái Hà thành xinh đẹp.
Cặp vợ chồng Mình Quân - Thùy Linh (Ảnh CAND)
Ba người mù trong một gia đình
“Bố mẹ tôi đều hỏng mắt, từ bé đã buộc phải chấp nhận sống chung với bóng đêm. Ba con người khiếm thị nương tựa vào nhau để không gục ngã. Ai cũng phải sống, phải sinh tồn. Đành rằng đôi mắt đem đến 80% sự tiếp nhận nhưng tôi còn đôi tay và đôi tai nữa chứ. Ông trời không lấy hết của ai”, Quân tâm sự.
Bố mẹ Quân quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Một biến cố trong đời khi vụ tai nạn ập đến cướp đi của ông đôi mắt. Ông phiêu dạt ra Hà Nội, gặp được người con gái cùng cảnh ngộ và họ nên vợ nên chồng. Mẹ anh là cô gái Hà thành chính gốc. Rồi anh ra đời, cũng không may chịu cảnh mù lòa như bố mẹ. Gia cảnh xơ xác, ba người mù ấy cứ dắt nhau đi bán từng gói tăm, từng chiếc chổi chít trên đường để cậu con trai được học hành. Anh Quân đến học tại trường trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Trời đã bù lại cho cậu bé thiệt thòi ấy sự thông minh và một tâm hồn nhạy cảm cùng năng khiếu âm nhạc bẩm sinh.
Điều anh nhớ nhất là được bố mẹ cho theo đến hội người mù quận Thanh Xuân. Ở đó, âm nhạc chảy vào hồn anh một cách tự nhiên và sâu sắc. Anh học đàn nguyệt từ nhỏ nhưng lại thích chơi organ. Anh rong ruổi đi diễn ở các trường học, các cơ quan, các bar… Anh làm việc quên mệt mỏi để nuôi cha mẹ, nuôi em gái may mắn không bị hỏng mắt đang học ĐH Thương Mại.
“Những người khiếm thị trẻ tuổi như tôi đang phải nỗ lực hết sức để được xã hội công nhận, để được mọi người nắm tay chia sẻ. Hơn nữa, tôi muốn chứng minh một điều đơn giản, người mù cũng đang đóng góp và cống hiến hết mình cho xã hội”, anh chia sẻ.
Yêu bằng cả con tim
Tốt nghiệp đại học Lao động – xã hội, cô gái trẻ Tạ Thùy Linh về nhận công tác tại hội người mù Việt Nam. Cô gái Hà thành có đôi mắt tròn to, khuôn mặt bầu bĩnh, nhân hậu. Gặp quân lần đầu, hai người thật khác biệt. Thế nhưng tình cảm lại nảy nở khi anh chị chuyện trò, đàn hát cùng nhau và cả những lần chị tự nguyện chở anh về. Khoảng cách ấy bị bố mẹ chị Linh phản đối dữ dội, thậm chí còn làm giấy từ con. Bây giờ khi đến được với nhau nhưng hai anh chị vẫn chưa được sự đồng ý của bên ngoại.
“Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, bố mẹ không bao giờ bỏ con cái, tôi nghĩ thế. Sẽ có ngày bố mẹ hiểu và nghĩ lại…”, anh Quân chia sẻ. Bị phản đối, anh vẫn đến nhà chị Linh, vẫn ngồi hứng chịu đủ những ghẻ lạnh của mọi người trong gia đình chị.
Ngày cưới, bên ngoại không ai đến. Nhà Quân dồn tất cả tình yêu thương cho chị. Đó là một đám cưới đặc biệt, tổ chức tại trường Nguyễn Đình Chiểu với hơn 200 người khiếm thị đến chia sẻ.
Sau đám cưới, hai vợ chồng anh trở về ngôi nhà hơn 10m2 ở ngõ chợ Khâm Thiên với ba người mù trong một gia đình. Cô dâu trẻ vội vã lao vào cuộc mưu sinh. Bố mẹ chồng chị ngày ngày vẫn bước trên hè phố bán tăm trẻ, còn chị làm ở một công ty tư nhân và ngày ngày kiêm chân “xe ôm” đưa chồng đi diễn.
“Đã trưởng thành rồi, tất cả là do mình quyết định. Đó là sự lựa chọn của mình, lúc đó tôi cũng không thể lý giải được”, chị Linh nói. Nhà chị ở cách nơi làm việc không xa, từ nhỏ chị đã được gia đình yêu chiều. Từ khi quen biết và sống chung với Quân, chị quên hẳn anh là một người mù. Chị chỉ biết tiếng đàn của anh khiến chị xao xuyến, giọng nói của anh khiến chị bồi hooig, đặc biệt đôi bàn tay cho chị niềm tin yêu và sức mạnh cuộc sống.
Trước anh Quân, chị Linh từng yêu một chàng sinh viên Nghệ An cao to, khỏe mạnh. Mối tình đầu kéo dài đến lúc ra trường, khi mỗi người một nẻo thì phai nhạt dần.
“Tình yêu của tôi bắt đầu từ chữ “thương”. Tôi thương anh, đồng cảm với anh và muốn bên cạnh anh, vượt qua khó khăn phía trước”, chị nói.
Người mắt sáng có thể yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng tình yêu của người khiếm thị thì không. “Người khiếm thị như anh yêu bằng trái tim, bằng tâm hồn”.
Cuộc sống gia đình nhỏ bé của anh chị không có gì quá khác biệt với những tổ ấm khác. Anh Quân có thể làm mọi việc như lau nhà, nấu nướng, giặt giũ… Anh cũng đọc báo, sử dụng máy vi tính như bao người chồng bình thường khác. Bởi với anh, còn đôi tay, còn đôi tai là còn tất cả.
Dã Liên