Trong thời buổi công nghệ, các cặp đôi yêu nhau thường xuyên giao tiếp thông qua các thiết bị smartphone, thậm chí có thể trao đổi với nhau bằng kết nối internet. Thế nhưng, khi được nghe câu chuyện của cặp đôi Giàng A Quả, sinh sống tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, PV báo Người Đưa Tin cũng rất bất ngờ bởi cách trao đổi yêu thương của cặp vợ chồng này dành cho nhau.
Băng rừng, vượt núi đi “xin vợ”
Giàng A Quả (SN 1987) là người con của vùng núi cao Tây Bắc, không giống như những thanh niên trong bản lớn lên lấy vợ sớm, lên nương làm rẫy, anh lựa chọn xuống miền xuôi học tập. Cũng bởi thấy bà con thôn bản còn quá nghèo khổ, anh muốn đi học để trở về xây dựng quê hương.
Tốt nghiệp trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, trong thời gian chờ xin việc tại Hà Nội, anh đã từng làm thêm rất nhiều công việc khác nhau, nhưng vì không tìm được việc làm ưng ý nên trở về quê cùng vợ chăm sóc con nhỏ. Trong căn nhà đất đặc trưng của người Mông, không chỉ có mình anh Quả mà còn có người vợ hiền cùng hai người con. Kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình yêu của mình, người đàn ông này tỏ ra ngượng ngùng.
A Quả cho hay: “Gặp vợ trong một lần đi lễ hội trên bản, ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên nhưng tôi không dám ngỏ lời, vì sợ cô ấy còn quá nhỏ tuổi. Sau đó, tôi nhờ các bạn khác hỏi xem cô ấy có đồng ý làm bạn gái mình không, nhưng bị từ chối”.
Mặc dù bị từ chối thẳng thừng, nhưng A Quả không nản chí mà ngược lại anh còn quyết tâm hơn. Sau đó, anh chinh phục người con gái mình yêu bằng cách quan tâm từ những điều nhỏ nhất, nhưng cũng phải đến nửa năm sau người con gái ấy mới đồng ý làm bạn gái, làm vợ anh.
Nhớ về những ngày tháng “đi tìm vợ”, A Quả cho biết, đó là một hành trình gian nan: “Trước kia, bản tôi đi vào bản nơi cô ấy ở, xe đạp hay xe máy đều không đi được phải đi bộ băng qua đường rừng, có những hôm đi chơi về muộn, trời tối om chỉ sợ rắn rết bò ra đường. Nghĩ lại, tôi thấy hồi xưa mình cũng gan quá”.
A Quả cho hay, so với tình yêu của người miền xuôi, anh nhận thấy tình yêu của vợ chồng anh khá đặc biệt: “Tình yêu của người vùng cao cũng có chút khác biệt với người miền xuôi, thích là lấy nhau và về ở cùng nhau luôn, tôi cũng không ngoại lệ. Đã thích và yêu cô ấy rồi nên sau 3 tháng tìm hiểu tôi đã thưa chuyện với bố mẹ tôi để bố mẹ sang nhà nói với bố mẹ bên ấy đưa cô ấy về làm vợ”.
Người bạn gái của A Quả dù đã “ưng cái bụng” nhưng để tiến tới hôn nhân cô ấy còn lưỡng lự.
A Quả kể lại: “Sau khi bố mẹ hai bên thưa chuyện, nhưng bạn gái nhất quyết từ chối. Vì trên bản vẫn còn giữ tục lệ kéo vợ, nên 3h sáng tôi đã cùng một nhóm bạn đi bộ băng qua đường rừng 20km sang nhà cô dâu xin phép bố mẹ vợ được đưa cô ấy về nhà, thời điểm đó là khoảng cuối năm 2008”.
Căn nhà nhỏ luôn đầy ắp yêu thương
Từ năm 2008 cho đến nay, hai vợ chồng Giàng A Quả – Thào Thị Lan vẫn chung sống cùng nhau và chưa một lần xảy ra cãi vã. Hai người con, một gái đang học lớp 2, một trai được hơn 2 tuổi là kết quả của tình yêu mà hai vợ chồng ngày đêm vun đắp.
Vì bận rộn học hành dưới xuôi nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình A Quả giao phó hết cho vợ. Từ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái đến các “công tác” đối nội, đối ngoại.
Hai vợ chồng A Quả lựa chọn giáo dục con cái bằng cách để các con tự quan sát những người xung quanh. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên trao đổi, trò chuyện với các con để hiểu thêm về phong tục tập quán của nơi mình sinh sống.
Trước đây, do phải đi học xa nên ông bố A Quả không có nhiều thời gian bên vợ con, hiện tại, anh đã tạm rời Hà Nội, về hỗ trợ việc chăm sóc gia đình. Vợ anh vì thế cũng có thời gian lên thị trấn Sa Pa để học thêm tiếng Anh sau này làm hướng dẫn viên du lịch. Có trông con anh mới thấu hiểu được nỗi khổ, nỗi vất vả của vợ.
A Quả cho hay: “Nghĩ đến tương lai của các con, không muốn các con khổ như mình nên tôi cố gắng chăm con cho vợ yên tâm học hành”.
Vì vợ chồng anh chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại dùng chung nên việc liên lạc, trao đổi với nhau rất khó khăn. Bởi vậy, những ngày vợ đi học xa nhà, anh đã nghĩ ra cách viết thư tay gửi vợ: “Nhiều người nói, thời buổi công nghệ mà còn viết thư tay, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi không mấy khá giả nên đành chấp nhận, tôi thấy việc viết thư tay cũng khá thú vị”.
Nhận được sự quan tâm, dòng nhắn nhủ ân cần của chồng, chị Lan cũng rất xúc động. Dù không có nhiều món quà sang trọng đắt tiền dành cho nhau trong những dịp kỷ niệm, thế nhưng cả hai đều không cảm thấy phiền lòng mà ngược lại còn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện với những gì mình đang có.
Hiện nay vì cuộc sống mưu sinh, khó khăn, thi thoảng vợ chồng con cái chị mới được ở bên nhau, nhưng trong căn nhà nhỏ nơi vùng cao ấy luôn rộn rã tiếng cười và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau.
Xem thêm:
Nam sinh điển trai có thành tích học tập khiến dân mạng trầm trồ
Nhà báo Trần Mai Hạnh ra mắt tiểu thuyết tư liệu lịch sử
Thanh Lam