Ký ức thời nô lệ của "nàng tiên nâu"
Đó là câu chuyện về cuộc đời chị Nguyễn Ngọc Huyền (31 tuổi, ngụ ấp Thuận Hòa, xã Sông Thảo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) và anh Phạm Ngọc Kỷ (37 tuổi, quê TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Sau những tháng ngày vật vã với "cái chết trắng", họ đã đoạn tuyệt với ma túy và tìm thấy nhau trong một trung tâm cai nghiện nức tiếng ở vùng biên Quảng Ninh và trở thành cặp đôi hạnh phúc, là tấm gương cho những người đồng cảnh ngộ phấn đấu.
Chúng tôi gặp vợ chồng Huyền trong một buổi trưa oi bức tại tư gia. Huyền không đẹp đến mức khiến người ta trầm trồ, nhưng cô có nét duyên thầm và một cá tính mạnh mẽ, lại vui vẻ, nhiệt tình. Huyền cho biết, mình vốn là người chị cả trong một gia đình có nền tảng gia giáo nhiều đời trên đất Tràng An (Hà Nội) thanh lịch. Cha mẹ Huyền đều là những người có địa vị trong xã hội. Huyền thông minh, học giỏi thêm cá tính nên tư nhỏ chị luôn là thủ lĩnh trong mọi trò chơi cũng như trong nhóm bạn, ước mơ của cô sau này là nhà báo có tiếng như người cha thân yêu của mình.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi cuộc đời chị dính vào ma túy. "Đó là năm cuối cấp THPT tại Hà Nội, tôi thấy lũ bạn thân đàn đúm chơi "hàng trắng" mà không sao khuyên ngăn được. Quá đỗi thất vọng, cộng thêm sự thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ, tôi thách thức chính bản thân mình trước bạn bè rằng tôi sẽ "chơi" ma túy và sẽ bỏ được bất cứ lúc nào cho các bạn thấy. Tôi nói và làm ngay khi đứa bạn đưa cho một tép. Nhưng hít xong một hơi, tôi thấy mặt mày xây xẩm, toàn thân run lẩy bẩy, cổ họng nóng ran như ai đốt, trong đầu lâng lâng những cảm giác rất khó chịu. Cũng từ đây, tôi bắt đầu trượt dài trên vũng lầy ma túy".
Huyền chơi nghiệp dư được gần 3 năm thì chính thức nghiện, cũng là khi kỳ thi đại học sắp tới. Nhưng chị đã vượt qua một cách ngoạn mục, khi vừa làm bài thi vừa mang cả heroin vào phòng vệ sinh để lén lút cắt cơn, kết quả năm đó chị đỗ 2 trường đại học.
"Khi chưa dính vào nó (ma túy), tôi tự tin nhìn cuộc đời lắm, tới khi "bập" nó vào người, mới thấy nó quả thật không đơn giản như mình nghĩ. Dần dà, tôi lệ thuộc vào nó lúc nào không hay", chị tâm sự thêm.
Rồi chuyện Huyền nghiện may túy đến tai cha mẹ, họ thực sự bất ngờ và đau xót khi biết đứa con gái giỏi giang của mình lại lạc chân vào cạm bẫy. Gia đình buộc lòng phải đưa chị đi cai nghiện ở rất nhiều trung tâm, thế nhưng không biết bao nhiêu lần chị vẫn "ngựa quen đường cũ". Sau khi đỡ, xuất trại chưa được bao lâu, Huyền lại tìm cách buôn bán ma túy để lấy tiền tiêu xài. Một lần chuyển hàng, chị bị bắt giữ và phạt tù 2 năm 6 tháng. Ra tù, Huyền vào Sài Gòn học trường Cao đẳng nghành Toán- Tin. Ngày đi, mẹ cho cô 2 chiếc nhẫn trơn, mỗi cái trị giá 5 chỉ vàng, song chúng cứ bé dần theo làn khói trắng.
Kỳ tích trong trại cai nghiện
Thời trai trẻ, anh Kỷ cũng từng là học sinh giỏi của TP. Hạ Long. Anh từng là quân nhân mang hàm Trung úy biên phòng thuộc thị xã Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Anh dính ma túy từ năm học 11 THPT, cho đến những năm học cao đẳng biên phòng ở Hà Tây thì đã là con nghiện nặng. Ra trường về địa phương nhận công tác tại một đồn biên phòng ở Móng Cái, chuyện anh nghiện vẫn là một bí mật. Có những lúc, anh "chơi" ma túy ngay trong phòng riêng của mình ở cơ quan. Sau một lần đi tuần tra vùng biên, anh suy nghĩ: "Một khi cơ quan biết mình nghiện thì sẽ bị trục xuất khỏi quân ngũ ngay, mang tiếng lắm".
Biết nói ra, sự nghiệp, danh tiếng và tương lai đang thăng tiến sẽ mất tất cả, nhưng anh vẫn quyết định từ bỏ hết. Anh đột ngột xin ra quân và về nhà nói hết sự thật cho cha mẹ. Song, chưa kịp chỉnh trang lại cuộc đời thì Kỷ đã tự buộc mình vào vòng lao lí khi bị phát hiện sử dụng và buôn bán chất ma túy trái phép. Anh bị phạt 5 năm tù cải tạo ở Hải Phòng. Ra tù, Kỷ tìm mọi cách sang Anh lao động để quên đi tất cả. Nhưng rồi ở một quốc gia Tây phương anh cũng không quên được nỗi nhớ "nàng tiên nâu" và lại dính vào ma túy rồi bị trục xuất về nước.
Trở về câu chuyện của Huyền, năm 2009, chị cai thành công tại một trung tâm cai nghiện ở Cẩm Phả. Chị trở thành tư vấn viên xuất sắc chuyên tư vấn, trấn an tinh thần cho những người cai nghiện ở trung tâm này. Năm 2010, chị gặp Kỷ, một học viên mới vào trung tâm cai nghiện. Những ngày đầu Kỷ uống thuốc cai, chị luôn bên cạnh chăm sóc. "Rồi chúng tôi đến với nhau lúc nào không ai hay", chị Huyền cười vang nói.
Sau khi Kỷ cai nghiện thành công, anh cũng chọn con đường ở lại làm tư vấn viên cho trung tâm cai nghiện ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Được ít lâu thì hai người chuyển vào Đồng Nai vì trung tâm mở rộng thêm một vài cơ sở nữa. Từ đó đến giờ, Huyền và Kỷ sống chung với nhau như vợ chồng.
"Trong cuộc sống, không thể tránh được những cãi vã thông thường, to có, nhỏ cũng có. Vì vậy để mà sống với nhau hạnh phúc thì cần có sự hòa hợp. Tuy cá tính Huyền có hơi chút mạnh mẽ hơn chồng, nhưng lúc nào sai là Huyền tự nhận mình sai, nóng quá cũng chỉ dừng ở mức "đối khẩu" thôi. Nhiều lúc rõ ràng biết là mình đúng, có tí đà thì cũng hơi lấn lên một tí, nhưng nếu Kỷ phản ứng quá thì mình cũng phải "xuống" ngay", chị Huyền chia sẻ thêm.
Theo Gia đình