Tình yêu dệt nên từ đau khổ của đôi vợ chồng tật nguyền

Tình yêu dệt nên từ đau khổ của đôi vợ chồng tật nguyền

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Hai mảnh đời khổ đau đến với nhau như một duyên nợ từ trước, mặc dù đều mang dị tật trong mình nhưng họ đã không khuất phục trước số phận mà mạnh mẽ đứng lên tìm lẽ sống cho mình. Với sự "đồng cam cộng khổ", hai con người bất hạnh ấy đã tạo nên một câu chuyện cổ tích ngay giữa đời thường.

Những người khốn khổ

Chúng tôi gặp chị Thơm và anh Cúng trong một cây xăng bên đường. Nhìn anh Cúng chỉ cao chưa đầy 1m, còn chị Thơm thì cũng cao hơn anh một chút, cầm những tờ vé số trên tay họ vui vẻ chào mời khách mua vé số. Định hỏi han anh chị vài điều nhưng họ không tiếp chuyện với chúng tôi lâu được bởi còn phải lo cho tập vé số không bị thừa lại trong ngày. Ít ngày sau đó, chúng tôi mới có dịp tới gặp anh chị trong một căn phòng thuê chật hẹp nằm sâu trong con hẻm đường Lê Đức Thọ, phường 13, Gò Vấp, TP.HCM.

Pháp luật - Tình yêu dệt nên từ đau khổ của đôi vợ chồng tật nguyền

Gia đình anh Cúng còn nhiều khó khăn phía trước.

Lần thứ hai chúng tôi gặp anh chị nhưng không khỏi ngạc nhiên bởi gia cảnh cũng như ý chí, nghị lực mạnh mẽ đáng khâm phục của hai con người tật nguyền ấy. Không được lành lặn như người bình thường, anh Nguyễn Văn Cúng (47 tuổi) từ nhỏ đã bị căn bệnh quái ác hoành hành, toàn thân bị biến dạng. Nhìn bộ dạng của anh chúng tôi thấy thương cảm cho số phận anh, một con người mang nhiều bất hạnh. Đôi chân của anh bây giờ chỉ còn da bọc xương, bị biến dạng và gấp khúc ở từng khớp xương. Mỗi lần di chuyển anh phải dùng tay kéo lê cả thân thể mình, mọi sinh hoạt hàng ngày của anh khốn khó vô cùng. Không chỉ đôi chân tật nguyền, xót xa hơn cho phận đời của anh là lưng bị gù, xương sườn phía trước nhô ra trông giống như một "quái nhân" vậy.

Kể về tuổi thơ bất hạnh của mình, anh Cúng cho biết: "Lúc sinh ra tôi vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, tới lúc lên năm tôi mới bị căn bệnh "kỳ lạ" này. Ban đầu ở chân chỉ mọc vài mụt nhọt nhưng toàn thân tôi đau nhức vô cùng, cũng tìm nhiều cách chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Thấy thế, ba mẹ hết sức lo lắng nên đưa tôi đi bệnh viện để khám xem thế nào. Nào ngờ khi khám xong bác sĩ bảo phải cưa luôn đôi chân không thì sau này sẽ bị tàn phế. Lúc đó tôi còn nhỏ nên không biết gì, ba mẹ thì cũng chẳng hiểu sự tình thế nào mà sao bác sĩ lại bảo cưa chân con mình. Bởi toàn thân tôi lúc ấy vẫn lành lặn, chỉ mỗi ở chân mọc mấy cái mụn nhọt nên ba mẹ quyết định đưa tôi về và tìm cách khác để chữa trị.

Sau nhiều lần dò hỏi nhiều người trong thôn xóm, mẹ tôi được một người chỉ tới một ông thầy thuốc Nam để lấy thuốc chữa trị cho tôi. Thế rồi, hằng ngày tôi uống luôn thuốc Nam để chữa trị. Một năm sau, những mụn nhọt ở chân tôi đã hoàn toàn biến mất. Niềm vui, niềm hạnh phúc vừa nở rộ trên khuôn mặt ba mẹ tôi chưa được bao lâu thì không hiểu vì sao khối u ở lưng xuất hiện. Bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng không có tiền để tiếp tục chạy chữa, khối u ở lưng càng nhô lên bao nhiêu thì đôi chân của tôi bắt đầu teo lại, toàn bộ xương sườn trước ngực khom xuống theo chiều cong của khối u ở lưng. Từ đó, cho đến nay tôi luôn phải sống với thân thể đau nhức, những lúc trái gió trở trời tôi gần như tê liệt không làm được gì nữa", anh Cúng thổn thức kể.

Tuy mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng anh vẫn mong sống tốt, sống đẹp, có ý nghĩa. Với khát khao sống mạnh mẽ như vậy nên đến năm 2001, anh quyết định rời Sóc Trăng để lên TP. Hồ Chí Minh, những mong tìm được công việc gì đó để làm. Cơ thể tật nguyền nên anh không thể tìm được việc gì khác ngoài việc đi bán vé số. Và một điều "thần kỳ" đã đến với anh lúc anh gặp được chị Thơm, người mà sau này đã cùng anh làm nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hạnh phúc không tật nguyền

Như một duyên nợ từ trước, anh Cúng và chị Thơm gặp nhau trong một lần đi bán vé số để rồi từ đó họ đến với nhau như một điều chẳng ai ngờ được. Chị Võ Thị Thu Thơm (40 tuổi), quê Hà Nam, toàn cơ thể chị cao vỏn vẹn chừng 1m nên làm gì cũng khó khăn. Ở quê chẳng làm được gì nên chị quyết định vào TP.HCM để tìm việc. Rồi chị cũng chọn cái nghề đi bán vé số bởi với cơ thể lùn như chị cũng khó để tìm đến một công việc nào khác. Một người bệnh tật hoành hành suốt năm và một người cơ thể hạn chế đến với nhau như một sự "đồng cam cộng khổ", hỗ trợ, giúp đỡ và nương tựa lẫn nhau.

Câu chuyện của hai con người "kỳ lạ" đã khiến chúng tôi không thể cầm lòng được. Sau bốn năm đi hết nhiều con đường trong lòng thành phố, một ngày tình cờ anh Cúng gặp chị Thơm khi cả hai đang mời khách mua vé số. Anh Cúng kể: "Vốn cơ thể mình tật nguyền, sống cô đơn một mình nên mỗi lần gặp những người đồng cảnh ngộ thì tôi đều hỏi han, làm quen. Lần ấy cũng vậy, sau khi thấy Thơm tôi cũng hỏi thăm, bắt chuyện và chúng tôi có một sự đồng cảm đặc biệt. Từ đó, chúng tôi thường hay đi bán vé số chung, dần dần thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau, cùng chung hoàn cảnh khốn khó nên chúng tôi quyết định kết duyên với nhau để cùng nhau chia sẻ những khó khăn thường ngày", anh Cúng chia sẻ.

Từ khi cưới nhau, tiếng cười nơi căn phòng thuê chật chội hàng ngày đã cất lên với niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng tật nguyền. Cuộc sống tuy còn rất nhiều bộn bề và vất vả nhưng anh chị đã bỏ lại những thứ ấy sau lưng để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước. Hàng ngày, hai vợ chồng anh chị vẫn đèo nhau trên chiếc xe dành cho người khuyết tật để bán vé số mưu sinh trên khắc mọi nẻo đường. Thường thì anh chị bắt đầu đi bán vé số từ 6h sáng đến 12h trưa thì về nghỉ ngơi, đến 5h chiều lại đi tiếp cho tới 12h khuya mới về. "Buổi sáng bán được ít nên chủ yếu là chúng tôi đi bán vào buổi tối, lúc đó mới có nhiều người mua. Hai vợ chồng chỉ có mỗi công việc đi bán vé số, ngoài ra không còn khả năng làm được việc gì khác. Bởi vậy, cần phải đi bán được thật nhiều mới có đủ tiền chi trả cho cuộc sống hàng ngày cô chú ạ", chị Thơm chia sẻ.

Cuộc sống thường ngày của anh chị đã hết sức khó khăn, càng thêm khó khăn hơn khi đứa con trai đầu lòng ra đời. Tuy cuộc sống là những chuỗi ngày cơ cực đối với anh chị nhưng khi sinh được đứa con trai hai vợ chồng cũng gạt đi những lo toan để tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của tình mẫu tử. "Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng niềm vui từ đứa con trai, chúng tôi sẽ cố gắng để có thể nuôi nấng nó nên người", chị Thơm chia sẻ.

Từ khi có đứa con cuộc sống của anh chị đã chật vật, bởi chẳng làm gì ra tiền để lo cho con nhỏ. Không biết làm gì hơn, anh chị dành trọn thời gian từ sáng đến tối để đi bán vé số, con thì nhờ một người sống chung xóm trọ trông dùm. Anh Cúng cho biết: "Hoàn cảnh mình nghèo, khó khăn nhưng cũng phải ráng để có tiền nuôi con khôn lớn, số tiền bán vé số hàng ngày chỉ đủ chi tiêu còn những khoản khác thì phải nhờ cậy". Vậy mà giờ đây anh chị lại phải lo toan nhiều thứ hơn khi mà cơ thể của cả hai vợ chồng đều không được bình thường như bao người khác. Khi đứa con đầu lòng vừa được ba tuổi thì đứa con thứ hai lại chào đời. Anh Cúng và chị Thơm vừa vui vừa ngậm ngùi gạt đi nước mắt để cố gắng nuôi nấng hai đứa con thơ dại. Thật may mắn là hai đứa trẻ sinh ra đều rất khôi ngô, tuấn tú và cơ thể cũng bình thường, không mang một dị tật nào cả. Điều mà anh chị lo lắng bây giờ là làm sao có thể lo cho hai đứa con ăn học đàng hoàng. Nhưng với khả năng của vợ chồng anh Cúng thì những mong ước này quả là rất xa xôi...

Phạm Khoa


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.