Trong bài thơ này, thầy giáo Tôn Sỹ Dũng đã đưa ra những ví dụ cụ thể trong thực tiễn đời sống như: “Răng đau rồi! Anh đã có ozon/ Đồng ruộng chua! Anh bón vôi em nhé?”...
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, thầy Sỹ Dũng cho hay: “Bài thơ này được tôi viết sau buổi thực hành thí nghiệm. Khi đó, các em hồn nhiên và đặt cho tôi nhiều câu hỏi như: Hóa học có vai trò như thế nào trong cuộc sống và sản xuất, thế là tôi về suy nghĩ và đã sáng tác nên bài thơ này”.
Trong bài thơ, thầy Dũng cũng đã đưa ra những vấn đề như: “Về nông nghiệp: Những hợp chất hóa học làm phân bón, thuốc trừ sâu...hay dùng vôi khử chua cho đồng ruộng. Về tơ sợi dùng nguyên liệu xenlulozơ...”.
“Tôi muốn gửi gắm đến các thế hệ học trò, các em còn trẻ cần phải say mê tìm tòi để hiểu và thấy được khoa học đã phục vụ cho cuộc sống như thế nào? Từ đó, tạo ra sự hứng thú trong học tập và rèn luyện. Một điều nữa tôi muốn khẳng định môn Hóa học không khô khan như các em thường nghĩ”, thầy giáo đất võ Bình Định cho biết.
Nguyên văn bài thơ đang được nhiều học sinh chia sẻ:
TÌNH YÊU HÓA HỌC
(Viết nhân ngày 20/11)
Đến với em! Tình yêu môn hóa học
Rồi cưu mang đi suốt cả cuộc đời
Giữ cho tròn tình cảm kẻo bay hơi?
Trao đổi nhau nỗi ân tình kết tủa
Từ sợi bông, anh dệt thành tơ lụa
Đi bên em...tim tỏa nhiệt bao lần?
Muối bão hòa, đem dung dịch điện phân
Rồi dùng xút...rửa trôi nhôm với kẽm
Mỗi Tết về! Nhìn pháo hoa bẽn lẽn
Mình thăng hoa hạt muối Amoni
Va chạm đời dung dịch chất điện li
Luôn giữ vẹn câu thề...không phân hủy
Dù mai sau! Hồn ta hai chất khí
Tình keo sơn như khí hiếm vững bền
Răng đau rồi! Anh đã có ozon
Đồng ruộng chua! Anh bón vôi em nhé?
Em vất vả làm việc nhà mãi thế?
Teflon chất chống dính đây rồi!
Khổ cực nhiều...nay em được thảnh thơi
Trời mưa giông! Lúa lên xanh đầu ngõ
Loài ốc biển...anh chiết thành "phẩm đỏ"
Áo choàng xinh mặc giữ ấm mùa đông?
Thử tình em bằng quỳ tím hóa hồng
Yêu say đắm...tình yêu môn hóa học!