Trong “Symposium” của Plato, đại triết gia Socrates có viết:
“Người nào thử nghiệm tìm hiểu bí mật của tình yêu sẽ không những chỉ giao cảm được với sự phản ảnh của nó, mà còn giao hòa với chính chân lý. Để thẩm thấu được ân sủng thiêng liêng của tánh chất loài người, người ta cần phải thấu triệt được tình yêu và chỉ có năng lực tình yêu là năng lực mãnh liệt nhất để giúp con người khám phá ra tánh chất đặc thù đó.”
Tôi đã phẩm bình suốt cả cuộc đời tôi về tình yêu bằng cả hàng ngàn cách thức khác nhau, nhưng tựu trung thông điệp chỉ có một mà thôi.
Chỉ có một điều cơ bản cần phải ghi nhớ, đó là: “Cái tình yêu mà bạn đang nghĩ là tình yêu đó, không phải là Tình Yêu (viết hoa).” Không phải là tình yêu mà Socrates nói cũng không phải tình yêu mà tôi đang nói đến!”.
Cái tình yêu mà bạn biết đó không là gì cả, nó chỉ là sự cần thiết sinh lý; nó tùy thuộc vào bộ máy sinh học và những kích thích tố của bạn. Cái tình yêu đó thay đổi thật dễ dàng - chỉ cần một thay đổi nhỏ xíu trong sinh thể hóa học và cái tình yêu mà bạn cho là “chân lý tuyệt đối” đó biến mất tại chỗ ngay. Sự khát ái đó đãõ từng được bạn đặt tên là “tình yêu”. Hãy nhớ kỹ sự phân biệt này.
Socrates nói: “Người nào thử nghiệm tìm hiểu bí mật của tình yêu sẽ không những chỉ giao cảm được với sự phản ảnh của nó, mà còn giao hòa với chính chân lýù. Để thẩm thấu được ân sủng thiêng liêng của tánh chất loài người, người ta cần phải thấu triệt được tình yêu và chỉ có năng lực tình yêu là năng lực mãnh liệt nhất để giúp con người khám phá ra tánh chất đặc thù đó.”
Khát ái, tham dục không có gì bí mật cả. Nó chỉ là một trò chơi sinh học đơn giản, mỗi một loài vật, con chim, cái cây… đều biết nhẵn sự thể đó. Chắc chắn tình yêu với những bí mật kia sẽ hoàn toàn khác với cái tình yêu mà bạn đang giao kết.
“Người nào thử nghiệm . . .”.
Cái tình yêu bắt tay với chính chân lý đó sanh khởi vượt ngoài tri kiến của bạn - không phải với thân xác sinh học của bạn, mà chính tự con người bên trong của bạn. Tham muốn, khát khao phát sanh từ thân xác của bạn; tình yêu sanh khởi tự tiềm thức của bạn; tuy nhiên người ta không ý thức được, không nắm được, và cái lối hiểu sai lạc đó cứ tiếp tục, cứ tiếp tục - và người ta đã lầm lẫn cho rằng sự khát khao tham ái đó là tình yêu.
Rất ít, rất ít người trên địa cầu này cảm nhận được Tình Yêu. Có một số người đã yên lặng, đã an định . . . và ở trong sự an tịnh đó, họ đã giao hòa, đã liên kết, đã thể nhập được với con người thật bên trong của họ; họ đã lọt vào được tận cùng chiều sâu tâm hồn họ. Một khi bạn giao cảm được với tâm hồn bạn, tình yêu trong bạn sẽ là bóng mát che chở bạn, chứ không phải là sự tương quan của hai cá thể. Dù bạn đi với bất cứ ai, dù bạn đi đến bất cứ nơi nào, tình yêu trong bạn vẫn nở rộ, trọn vẹn và đẹp, đầy tính chất thiêng liêng.
Tình yêu đó không còn đối tượng phân biệt.
Giờ đây, cái mà bạn định nghĩa là “tình yêu” đó thật ra chỉ là thứ tình cảm chỉ định cho một đối tượng bạn thích, cho một người bạn ưa. Và tình yêu không phải là một hiện tượng trao đổi hay bị giam cầm, ràng buộc. Bạn có thể có tình yêu trong đôi bàn tay rộng mở của bạn, nhưng bạn không thể nắm được nó. Ngay cái lúc mà tay bạn nắm chặt lại, đôi tay bạn đã rỗng tuếch rồi. Nhưng khi tay bạn mở rộng ra, cả bầu trời, vũ trụ kia sẽ hiện hữu trong tâm.
Socrates nói đúng, “Người nào thẩm thấu được tình yêu sẽ tri cảm được chân lý”, bởi vì đó chỉ là hai tên gọi của một kinh nghiệm mà thôi. Nếu bạn không hiểu được chân lý, bạn không tài nào cảm nhận được tình yêu đâu.
“Tham - Lobha” trở thành “Tình Yêu - Love” khi mà con người còn quan tâm đến sự chuyển hóa tâm linh.
Triết gia Osho (Ấn Độ)
(Lời tựa cho cuốn Tình yêu Tự do Một mình)