Say mê cải lương
Ông Lê Văn Lê, 80 tuổi, ngụ 31A, Phan Đăng Lưu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hằng ngày, vợ chồng ông mưu sinh bằng tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà.
Tiếp chúng tôi, ông kể về niềm đam mê cải lương của mình. Khi còn là cậu bé 10 tuổi, nhà ông may mắn có một máy hát dùng để nghe cải lương. Ông nghe mãi rồi mê. Lớn lên, khi đất nước được giải phóng, trường sân khấu được mở, ông bắt đầu theo học dòng nhạc cải lương.
“Thời đó, tôi và soạn giả Loan Thảo rất thân nhau vì cả hai đều mê cải lương. Khi đi học, tôi học từ nhiều người lắm nhưng trong số đó, người mà tôi ngưỡng mộ nhất là NSND Viễn Châu. Tôi đã đến tận nhà Viễn Châu để xin được học cách sáng tác cải lương”, ông nhớ lại.
Ông Ba Lê luôn sống hết mình “vì cải lương vì hạnh phúc”, do đó, những bài ca ông viết thường xoay quanh chủ đề đạo đức, lẽ sống mang tính xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho con người.
Ông tâm sự: “Cải lương là nét đẹp văn hóa của dân tộc cần được tiếp nối, lưu truyền cho thế hệ sau và giới thiệu cho bạn bè quốc tế”. Cũng vì thế, ông dạy miễn phí cách sáng tác cải lương tại nhà cho những bạn trẻ có hứng thú với dòng nhạc này. Đồng thời, ông nảy ra ý định viết ra những tác phẩm cải lương bằng tiếng Anh.
Ông kể, trong một lần tham dự đám cưới của bạn tại nhà hàng gần khu Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM), thấy ai ai cũng hát tân nhạc, ông mạnh dạn bước lên sân khấu hát bài cải lương Chân lý hạnh phúc bằng tiếng Anh vừa để tặng cho tân hôn vừa để giới thiệu dòng nhạc dân tộc.
“Để có được bài ca hay bằng tiếng Anh thì phải viết được một bài ca hay bằng tiếng Việt trước. Lúc dịch, tôi phải cân nhắc chọn từ sao cho đúng với tông cao thấp của nốt nhạc. Hát thử xem đã hợp với nhạc hay chưa, không thì phải tìm một từ khác cho hợp, cho hay”, ông Ba Lê chia sẻ.
Người tạo ra cây đàn cải lương của người Việt
Ngoài việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình, ông Ba Lê còn tự tay tạo cây đàn dành riêng cho cải lương.
Ông cho hay: “Năm 1984, âm nhạc Việt Nam bắt đầu giao lưu với thế giới. Trần Văn Khê, nhạc sĩ Thanh Hải, Viễn Châu, Bạch Tuyết và một số nghệ sĩ khác được mời đến Pháp diễn cải lương.
Người Tây muốn thu hình dàn nhạc cải lương của Việt Nam nhưng bữa đó, các nghệ sĩ bị từ chối không cho thu hình vì họ không dùng nhạc cụ dân tộc để biểu diễn, lại dùng đàn guitar của người Tây. Tôi cảm thấy xấu hổ lắm nên tôi nhất quyết Việt Nam mình phải có một cây đàn dành riêng cho dòng nhạc cải lương”.
Tâm tư này, ông cũng từng viết trong cuốn sách của mình: “Đã mệnh danh giới thiệu là nhạc Cổ truyền Việt Nam, ta không thể vay mượn, sử dụng hình thức cây đàn guitar vốn của Phương Tây mãi được! Người Phương Tây họ có thể đánh giá, cười thầm chúng ta đấy!”
Thế nên ông Ba Lê mày mò làm ra cây đàn Tâm Lê. “Tâm Lê có nghĩa là cái tâm của Lê Văn Lê đối với cải lương, với âm nhạc dân tộc”, ông Lê giải thích.
Tuy về bản chất, cây đàn Tâm Lê được thiết kế dựa trên đàn guitar của phương Tây nhưng nó mang đến khả năng thể hiện phù hợp với giai điệu uyển chuyển, tha thiết của dòng nhạc truyền thống.
Đến nay, ông Ba Lê đã cho ra đời nhiều cây đàn nhưng đa phần hình dáng của thùng đàn không giống nhau. Với mục đích lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc nên ông chủ yếu làm đàn để tặng cho những câu lạc bộ đàn ca tài tử, những người yêu thích cải lương.
Dần dần, cây đàn Tâm Lê được nhà nước công nhận và sử dụng trong các buổi biểu diễn âm nhạc cổ truyền cùng với các bài cải lương mang tên soạn giả Lê Văn Lê.
Khát khao làm sống lại dòng nhạc cải lương
Với lòng nhiệt huyết, yêu âm nhạc, ông trăn trở nói: “Tôi cho rằng cải lương đang dần tụt hậu. Không phải vì người ta không yêu cải lương nhưng vì chính cải lương không còn hay nữa. Trước giải phóng, thường thứ Bảy, Chủ nhật nào tôi cũng được ông bà, cha mẹ dẫn đi xem cải lương.
Thời điểm đó, người ta đi xem cải lương nhiều lắm bởi cải lương dạy những bài học về gia đình, cách đối nhân xử thế… có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống. Bây giờ, khán giả bỏ cải lương vì nó không có gì mới. Ngược lại họ yêu thích tân nhạc hơn.
Nghệ sĩ cải lương, đạo diễn sân khấu thời này không thiếu, chỉ thiếu một tác giả giỏi, có thể sáng tác ra nhiều bài cải lương hay, mới lạ, phù hợp với thời đại”.
Từ tâm tư này, bằng những kinh nghiệm mình có được, ông Ba Lê mở lớp học sáng tác miễn phí cho các bạn sinh viên yêu thích cải lương. Mỗi lần có người đến học hay chỉ là tò mò muốn biết về cải lương, ông đều chia sẻ một cách nhiệt tình, hăng say.
Ông chỉ mong sao sẽ xuất hiện nhiều soạn giả tài năng cho nền nhạc dân tộc.
Mặc dù cho đến nay, không nhiều khán giả biết đến mình nhưng người nghệ sĩ này vẫn luôn cống hiến hết mình cho việc lưu truyền và phát triển nghệ thuật cải lương – một nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Cao Ý - Hồng Ngọc