Tình yêu "siêu tưởng" của tù nhân với con gái quản ngục

Tình yêu "siêu tưởng" của tù nhân với con gái quản ngục

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Lịch sử Thế chiến 2 từng ghi nhận chuyện tình yêu "siêu tưởng" của một anh thợ cắt tóc bị bắt làm tù binh trong trại tập trung ở Ba Lan với con gái viên quản ngục.

Tình yêu nở hoa giữa ngục tù

Horace Greasley (20 tuổi) vốn là một thợ làm đầu người Tiệp Khắc. Khi Hitler phát lệnh xâm lược Tiệp Khắc, Greasley bị ép tham gia vào quân đội Đức quốc xã. Trên đường bị quân lính áp giải đi chiến đấu, Horace đã phản kháng và quay sang đánh nhau với lính của Hitler. Trước đám lính hung hãn lại được trang bị vũ khí đầy đủ, Horace bị nện cho một trận nhừ tử vì tội chống đối.

Sau đó, anh ta bị bắt làm tù binh trong một trại tập trung ở Ba Lan. Lúc này, cuộc đời chàng trai cắt tóc chuyển sang một giai đoạn khác. Những tháng ngày còn lại, Horace phải sống cuộc đời đằng đẵng trong trại tập trung mà không được nhìn thấy ánh sáng tự do.

Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, nhà tù Quốc xã thời đó là một nơi khốn cùng và kinh khủng đối với các tù binh. Hàng triệu tù nhân đã phải làm việc để sản xuất ra các nhu yếu phẩm phục vụ cho chiến tranh. Nhiều người trong số họ đã thiệt mạng vì lao động quá nặng nhọc và những cách hành xử phi nhân đạo của quản trại. Các tù nhân thậm chí còn bị bắn, đầu độc và tra tấn cho tới chết hoặc phải bỏ mạng trong các phòng thí nghiệm y học của phát xít Đức. Các sử gia đã ví những trại tập trung của phát xít Đức là những "cỗ máy xay thịt người" trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhưng chẳng ai ngờ, giữa hoàn cảnh chiến tranh, trong nhà tù vô nhân đạo và đầy nghiệt ngã ấy, tình yêu lại nở hoa. Horace Greasley, chàng trai cắt tóc ngày nào bỗng gặp Rosa Rauchbach, cô con gái trẻ của người quản tù ngay trong trại lao động khổ sai ở Silesia (ngày nay thuộc Ba Lan), khi đó là một phần của Đông Đức. Tại Silesia, Rosa làm việc trong vai trò của một phiên dịch. Tình yêu của họ đã sớm đơm hoa kết trái ngay tại mỏ khai thác đá tồi tàn và bụi bặm đó.

Tuy nhiên, họ chỉ được hạnh phúc trong một thời gian ngắn ngủi. Ít lâu sau, Horace Greasley bị buộc chuyển tới một nhà xưởng mới cùng các tù nhân khác. Dù vô cùng buồn bã, nhưng Rosa không thể can thiệp để giúp đỡ người yêu của mình. Cô quyết tâm đi theo Horace Greasley dù anh có bị chuyển đi bất cứ nơi đâu. Về phần Horace, sau khi được chuyển đến trại tập trung mới, nỗi nhớ người yêu cồn cào khiến anh nảy ra ý định đào thoát khỏi ngục để được gặp nàng.

Hàng đêm, sau khi các tù nhân đã yên giấc, trại giam trở nên yên ắng và đám lính canh Đức thưa thớt dần, Horace Greasley đã một mình thoát ra khỏi buồng giam để gặp bạn gái. Khi đó chàng trai cắt tóc mới 21 tuổi.

Thế giới - Tình yêu 'siêu tưởng' của tù nhân với con gái quản ngục

Bức ảnh Horace Greasley đối mặt với Heinrich Himmler trở thành một trong những bức ảnh lay động nhất mọi thời đại.

Được sự giúp đỡ của một người bạn tù, anh đã đào một đường hầm phía dưới hàng rào dây thép gai của trại và thoát ra ngoài. Lần đầu tiên sau hơn 1 năm bị bắt vào trại tập trung, Horace được nếm mùi vị của tự do. Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần băng qua các nước trung lập gần nhất, Horace có thể thoát nạn. Nhưng anh đã không làm như vậy. Chàng trai Tiệp Khắc ấy đã trở lại trại giam của cha Rauchbach, lén lút đi vào và gặp gỡ người yêu trong thoáng chốc. Sau đó, anh lại lén lút trở về trại tập trung. Cứ một tuần ba lần, anh lại vượt ngục để gặp người yêu bất chấp mọi hiểm nguy và sự canh gác nghiêm ngặt của đám lính Đức.

Trong vòng 2 năm rưỡi sau đó, Horace Greasley thường xuyên trốn đám lính gác để hò hẹn với Rosa tại một căn nhà hoang. Họ tâm sự trong một khoảng thời gian ngắn, nên không thể diễn đạt hết những điều thầm thương trộm nhớ. Sau những cuộc gặp ngắn ngủi, Horace thường cầm theo thức ăn mà chính tay Rosa làm và tìm cách về lại buồng giam của mình. Số thức ăn đó được chàng cắt tóc phân phát cho những bạn tù đang dần kiệt sức vì đói cũng như những "đồng minh" từng giúp đỡ mình.

Kết thúc oan nghiệt

Trong khoảng 200 lần tìm cách đào thoát khỏi ngục tù để gặp người yêu, rất nhiều lần Horace Greasley phải đương đầu với cái chết cận kề. Thời điểm đó, trại tập trung được canh gác vô cùng nghiêm ngặt với nhiều vòng khép kín. Ngoài hàng rào dây thép gai là hệ thống nhà quan sát được trang bị súng máy sẵn sàng nhả đạn nếu có tù nhân bỏ trốn.

Một lần, khi đang tìm cách đào thoát khỏi hàng rào, Horace bị lính Đức phát hiện. Chúng nổ súng bắn xối xả về phía chàng trai người Tiệp Khắc. Nhưng may mắn những viên đạn ấy đã không cướp được mạng sống của anh. Nhanh như cắt, Horace đã thoát khỏi họng súng đen ngòm của kẻ thù.

Tuy hàng trăm lần đào thoát thành công khỏi nhà tù nhưng binh lính Đức không thể phát hiện ra thủ thuật của Horace Greasley. Sau này, trong cuốn sách "Chim có hót trong địa ngục" miêu tả về cuộc tình của Horace với Rosa, tác giả đã viết: "Luôn chực chờ những cơ hội khi bọn lính Đức lơ là, chểnh mảng giám sát tù nhân, Horace Greasley đã gỡ bỏ những thanh gỗ từ cửa sổ buồng giam của mình. Anh bò nhẹ nhàng dưới hàng rào dây kẽm gai nhọn hoắt để thoát ra ngoài.

Đôi khi những cái móc sắt cứa vào da thịt Horace làm chảy máu. Tuy nhiên, anh phải cắn răng chịu đựng. Bất chấp việc có thể bị bắt lại, bị đánh đập và thậm chí phải bỏ cả sinh mạng của mình, Horace vẫn nung nấu quyết tâm gặp mặt người bạn gái Rosa Rauchback. Đã hơn 200 lần, Horace chịu đau đớn để tìm cách gặp mặt người yêu như thế".

Một lần nọ, Horace Greasley đã ung dung với bộ xương gầy ốm của mình tiến đến trước mặt Heinrich Himmler (chỉ huy binh lính tại trại tập trung) chỉ cách một bờ rào dây kẽm gai và đưa ra yêu cầu cung cấp nhiều thực phẩm hơn cho các tù binh đồng minh. Cuộc đối đầu có một không hai này may mắn được ghi lại bởi ống kính của một phóng viên chiến trường Đức. Chẳng mấy chốc, bức ảnh hiếm hoi này đã trở thành một trong những biểu tượng của chiến tranh. Sau này, giới phê bình đánh giá đó là một trong những bức ảnh có sức lay động nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, chuyện tình đẹp của anh chàng cắt tóc và con gái viên quản ngục đã không được trọn vẹn. Kết thúc chiến tranh, Horace Greasley được trả tự do. Lúc đó, anh tiếp tục nhận được những bức thư tình nồng nàn từ người bạn gái chung thủy Rosa Rauchback. Cô đang làm phiên dịch cho người Mỹ. Nhưng oái oăm và oan nghiệt thay, lá thư cuối cùng, Horace đau đớn biết tin Rosa qua đời sau khi sinh đứa con đầu lòng chỉ một thời gian sau khi anh trở về nhà. Sau đó, Horace Greasley cũng không biết tin tức gì về đứa bé sơ sinh bất hạnh đấy.

Một thời gian sau khi Rosa qua đời, được sự động viên của bạn bè, Horace Greasley đã đồng ý kết hôn với Brenda. Hai vợ chồng này đến sống ở Costa Brava (Tây Ban Nha). Horace Greasley đã sống hạnh phúc ở đó cho đến khi mất cách đây 2 năm (ông thọ 91 tuổi). Mới đây, câu chuyện tình yêu phi thường của Horace Greasley đã được Hollywood chuyển thể thành một bộ phim lớn với sự tham gia của hai siêu sao Robert Pattinson và Alex Pettyfer đóng vai Horace Greasley và bạn gái.

Chuyện tình cảm động nhất trong Thế chiến 2

Trong một lần trả lời báo giới, tác giả Ken Scott đã nhận xét: "Không mấy người tù có được cái diễm phúc như anh. Cũng không có mấy người được hưởng một tình yêu kỳ khôi, cảm động như chuyện tình của một tù nhân thời chiến. Và người con gái anh yêu cũng đã phải bồi hồi đến rơi lệ khi bạn trai mình tìm cách đào thoát khỏi nhà tù đến 200 lần chỉ để nhìn tận mắt người con gái mà anh yêu mến. Đây là một chuyện tình hấp dẫn, hồi hộp, cảm động nhất trong Thế chiến thứ hai. Chuyện độc đáo không chỉ bởi hoàn cảnh lịch sử mà còn bởi cả nội dung sống động như chính những nhân vật của nó.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.