Vợ bỏ đi sau tai nạn
Đó là câu chuyện về anh Dương Văn Cường (SN 1980), trú tại xóm Kim Bảng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trò chuyện với PV, anh Cường nhớ lại ngày định mệnh khiến cuộc đời anh bước sang một trang khác: “Vào tháng 8/2004, tôi đứng chờ đèn đỏ thì một chiếc xe ô tô lao tới, chiếc xe này thay vì dừng lại đã vượt đèn đỏ và đâm vào tôi, khiến tôi bị gãy cột sống, bị liệt từ rốn trở xuống. Mới đây, tôi cũng vừa phải tháo bỏ nốt hai chân”.
Anh Cường cho biết, khi tỉnh dậy anh thấy mình trong bệnh viện, toàn thân không còn cử động được nữa. Ngày ấy, bố mẹ anh khóc ròng, cả gia đình lao đao lo đưa anh đi khắp nơi để điều trị, mong có một phép màu sẽ đến nhưng hiện thực vẫn là sự nghiệt ngã.
Nói đến đây, giọng của người đàn ông này chùng xuống: “Trước ngày bị tai nạn, tôi đã có vợ và hai con trai. Vợ chồng ở nhà làm nông nghiệp, còn tôi có ai thuê thì lại đi. Cuộc sống không khá giả nhưng so với các gia đình nông thôn như vậy cũng là tạm.
Ngày bị nạn, tôi cứ nghĩ mình sẽ chẳng thể sống tiếp, nhưng nhận được lời động viên của bố mẹ, của vợ và nhìn hai đứa con thơ, tôi lại cố gắng phải sống để làm chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.
Vợ tôi khi ấy cũng theo tôi lên xuống các tầng bệnh viện để phục vụ. Thế nhưng, sau 3 năm đi viện về, tôi phụ thuộc hết vào vợ, có lẽ vì thế cô ấy chán nản nên bỏ tôi và hai con mà đi”.
Từ ngày vợ bỏ đi anh như người mất hồn, anh trách than số phận, anh hoang mang, lo lắng. Rồi mai này đây cuộc sống của mình và các con thế nào.
“Tôi chẳng làm được gì, chỉ ngồi xe lăn, trông nhà. Hồi tôi bị tai nạn, con lớn được 5 tuổi còn con út thì được 6 tháng tuổi, bố mẹ tôi phải vừa chăm cháu vừa chăm sóc đứa con tàn phế”, anh Cường nói.
Cho đến nay, con trai lớn của anh đã được 16 tuổi, con út 13 tuổi. Ngần ấy thời gian, anh Cường cho hay vợ anh vẫn “bặt vô âm tín”. Các con anh kể từ đó cũng không bao giờ nhắc đến từ “mẹ” trước mặt anh vì sợ bố sẽ buồn.
Niềm hy vọng bên sườn dốc cuộc đời
Ở nhà buồn chán anh Cường thường lên Facebook để giao lưu, kết bạn với những người có cùng hoàn cảnh. Tại đây, anh được mọi người chia sẻ và chỉ thêm việc kiếm thêm thu nhập phù hợp với khả năng và sức khỏe của anh.
“Khi vợ bỏ đi, tôi rất buồn và nghĩ mình không thể sống tiếp được. Thời điểm đó, tôi chưa tháo chân nên vẫn ngồi xe lăn, bạn tôi cũng tàn tật đi lại tập tễnh và sống bằng việc đi hát rong đã rủ tôi lên thành phố Thái Nguyên bán tăm”, anh Cường chia sẻ.
Nghe lời bạn, anh quyết tâm đi làm để có đồng ra đồng vào phụ giúp bố mẹ nuôi hai con. Những ngày đi bán tăm dạo anh Cường quen chị Nguyễn Thị Đào (SN 1977) – vợ của anh bây giờ. Chị Đào cũng đi bán tăm, thấy chị di chuyển bằng đầu gối anh Cường tò mò hỏi chuyện: “Tôi hỏi chuyện thì được biết Đào bị bệnh viêm xương bẩm sinh nên phải cắt cụt đôi chân”.
Ngồi cạnh chồng, chị Đào chia sẻ thêm, chị có hai người con với chồng trước, hai đứa hiện ở Tuyên Quang. “Chồng tôi vì thấy tôi tật nguyền cũng rời xa tôi, để lại cho tôi chăm sóc hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Tôi bệnh chẳng làm được gì nên đành đi bán tăm dạo mong có tiền gửi về cho các con”, chị Đào nói.
“Vì ngày ngày đi bán tăm nên chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Biết hoàn cảnh của nhau nên chúng tôi càng đồng cảm nhiều hơn. Ban đầu cứ nghĩ làm bạn, nhưng càng ngày chúng tôi càng nhận thấy thật sự cần nhau”, chị Đào bày tỏ tâm tư của mình.
Sau thời gian tìm hiểu, năm 2009 anh Cường và chị Đào quyết định về chung một nhà. Ngày quyết định về cùng nhau cả hai cũng gặp phải khó khăn. Gia đình nhà chị Đào không ủng hộ vì thấy anh Cường cũng tật nguyền, lại chẳng thể chăm lo cho chị được. Nhưng rồi, bằng tình yêu và sự quyết tâm cuối cùng cả hai đã được gia đình hai bên chấp nhận.
“Chúng tôi cũng chẳng có điều kiện tổ chức đám cưới, chỉ làm vài mâm cơm mời họ hàng. Ngày về chung một nhà, chúng tôi hạnh phúc lắm vì từ nay sẽ có người bầu bạn, tâm sự và hỗ trợ nhau trong cuộc sống”, anh Cường nói trong niềm vui.
Hàng ngày, chị Đào đảm nhận việc chăm sóc chồng từ bữa ăn đến sinh hoạt cá nhân. Sâu thẳm trong trái tim của anh Cường, anh luôn biết ơn cuộc đời vì đã cho anh được gặp người vợ hiện tại, để anh thấy mình không còn cô đơn, lẻ loi trên cuộc đời.
“Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng còn khó khăn, nhưng chúng tôi cố bảo ban, cùng nhau khắc phục. Vợ tôi hàng ngày vẫn đi bán tăm dạo, còn tôi ở nhà trông nom nhà cửa, những lúc mệt mỏi vợ chồng lại động viên nhau vượt qua mọi gian khó”, trong ánh mắt anh Cường ánh lên nhiều niềm hy vọng.
Trao đổi thêm với PV, ông Lê Văn Luyện, Trưởng thôn Kim Bảng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Mọi người trong thôn ai cũng biết và thương cảm trước hoàn cảnh của Cường. Về tình yêu hiện tại của Cường và Đào nhiều người dân trong thôn cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục về tình yêu mà cặp đôi này dành cho nhau. Dù tật nguyền nhưng họ đã chứng minh cho chúng tôi thấy họ không lành lặn về cơ thể, không giàu có về mặt vật chất nhưng tình cảm chân thành lúc nào cũng luôn dạt dào”.