TMV Việt Hàn hoạt động không phép: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

TMV Việt Hàn hoạt động không phép: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 28/12/2019 12:22

Vụ việc một nam bệnh nhân nghi tử vong do hút mỡ bụng tại cơ sở Thẩm mỹ viện Việt Hàn đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Kết quả thanh tra của sở Y tế Hà Nội cho thấy, thẩm mỹ viện này không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đơn vị này hoạt động cũng không do sở Y tế cấp phép, vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?

Chiều 27/12, tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (địa chỉ 83 Nguyễn Khang, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra một vụ chết người nghi do thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng.

Theo đó, vào khoảng 14h30, một xe cấp cứu xuất hiện tại TMV Việt Hàn để đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.

Kết quả thanh tra của sở Y tế Hà Nội cho thấy, thẩm mỹ viện này không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đơn vị này hoạt động cũng không do sở Y tế cấp phép. Một câu hỏi được đặt ra là để xảy ra sự việc này, trách nhiệm của thẩm mỹ viện ở đâu? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở địa phương, các cơ quan liên quan như thế nào?  

Góc nhìn luật gia - TMV Việt Hàn hoạt động không phép: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Thẩm mỹ viện Việt Hàn nơi xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận.

Trước những băn khoăn này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích, nhận định nhiều chiều từ các luật sư.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Cơ sở thẩm mỹ này chưa được cấp phép, khi chưa được cấp phép mà lại treo biển hiệu lên, vậy thì các cơ quan địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình đằng này không hay biết thì tôi cho rằng, cơ quan quản lý địa phương đã buông lỏng quản lý.

Tôi thiết nghĩ, sau sự việc này UBND TP.Hà Nội cũng như sở Y tế, cần ra chỉ thị kiểm tra tất cả các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trên địa bàn”. 

Còn việc để cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động không phép trên địa bàn, theo luật sư Nghiêm Quang Vinh phải phê bình cơ quan quản lý. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải liên tục thanh, kiểm tra nắm bắt tình hình.

“Việc hút mỡ bụng gây chết người, rõ ràng giống như việc chạy thận gây chết người. Tội danh sẽ là vô ý làm chết người, việc đầu tiên là phải tiến hành khởi tố hình sự vụ án, khởi tố bị can, xác định tội trạng của các cá nhân có liên quan. Kiểm tra ekip thực hiện ca hút mỡ bụng đó có trình độ hay không? Bản thân người gây mê có chứng chỉ để làm việc đó hay không?”, luật sư Nghiêm Quang Vinh cho biết.

Góc nhìn luật gia - TMV Việt Hàn hoạt động không phép: Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? (Hình 2).

Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng để xảy ra sự việc, cơ quan quản lý địa phương đã buông lỏng quản lý.

Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Quy định nêu rõ: Chỉ những cơ sở làm đẹp được cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người.

“Khi cơ sở thẩm mỹ làm chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người trực tiếp tham gia phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (điều 129 BLHS 2015) hoặc tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (điều 315 BLHS 2015)”, luật sư Lực thông tin.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Lực bày tỏ, cơ quan điều tra quận Cầu Giấy cần nhanh chóng điều tra, xem xét dấu hiệu tội phạm, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân đã gây ra thiệt hại về tính mạng cho người dân.

“Các cơ quan quản lý cần thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, điều kiện kinh doanh của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Kiên quyết loại bỏ, xử lý các cơ sở không phép, sai phép, không tuân thủ pháp luật”, luật sư Lực nhấn mạnh.

Điều 129 BLHS quy định, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…

Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác làm chết một người bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.