Là con trai của triệu phú người Syria, từ nhỏ Reni (20 tuổi) đã có thói quen tiêu xài không cần suy nghĩ. Cậu đi du học tại Anh ở những trường đắt đỏ, chất lượng hàng đầu trong nhiều năm. Hiện Reni theo học ngành Tiếp thị và Xuất bản với học phí 12.500 bảng/năm. Bốn năm đại học, bố mẹ đã chi cho cậu ít nhất 85.000 bảng (2,6 tỷ đồng).
Hàng tháng, rich kid đến từ Dubai mất ít nhất 2.000 bảng Anh cho phí sinh hoạt cá nhân. Con số này chưa bao gồm tiền thuê căn hộ ở London rơi vào mức 2.500 bảng Anh/tháng. Cậu cũng không bao giờ dùng bữa tại nhà mà luôn ăn ngoài, chỉ riêng món chính cũng rơi vào khoảng 50-120 bảng (tương đương 1,5- 3,6 triệu đồng).
Tròn 16 tuổi, Reni được bố mẹ tặng chiếc áo 10.000 bảng (305 triệu đồng). Tủ đồ của cậu cũng toàn quần áo hàng hiệu.“Cha tài trợ đầy đủ cho cuộc sống của tôi, từ việc học hành cho đến những bữa tiệc với bạn bè. Ông không đặt ra giới hạn chi tiêu nào và tôi luôn có thể xin thêm nếu muốn”, Reni nói.
Thế giới của Reni trái ngược hoàn toàn với gia đình nhập cư mà cậu đến sống thử trong chương trình Rich Kids Go Skint mới đây. Tham gia chương trình, lần đầu Reni trải nghiệm cảm giác “ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu” khi chung sống với vợ chồng Lisa Ukpebor (gốc Nigeria) cùng 5 người con ở phía Nam London.
Gia đình với số thành viên đông đảo nhưng chỉ chi tiêu trong mức 1.400-1.500 bảng (gồm trợ cấp 1.000 bảng/tháng và 400-500 bảng/tháng từ các công việc bán thời gian). Cặp vợ chồng thường xuyên nhịn ăn sáng để dành ra 280 bảng Anh cho con trai lớn theo học lớp bóng đá và 70 bảng Anh cho con gái học trực tuyến. Điều này khiến Reni không khỏi sốc: "Chứng kiến chuyện này tôi không thể tin nổi và cũng rất buồn".
Cả gia đình 7 người sống trong căn hộ 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm. Trong khi đó, Reni đã quen với ngôi nhà rộng thênh thang có đến 6 phòng tắm. Trong 2 ngày thử thách bản thân, lần đầu cậu biết làm việc nhà, tự tay lau dọn, nấu ăn. Cậu cũng nhận được thử thách phải chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà với chi phí vỏn vẹn 7 bảng Anh. Cuối cùng, chàng trai chỉ có thể chọn mua cơm trắng với salad.
Trải nghiệm ngắn ngủi nhưng quý giá đã giúp Reni có những thay đổi lớn trong cách nhìn về cuộc sống, về giá trị đồng tiền. Cậu nấu ăn ở nhà nhiều hơn, cắt giảm chi tiêu và cũng trân trọng người nghèo hơn. Kết thúc chương trình, Reni vẫn giữ liên lạc với gia đình nhà Ukpebor. Trước khi chia tay, cậu đã tặng 7 thành viên một cây đàn guitar và sách để lũ trẻ có thể học thêm những kỹ năng mới.
Minh Hoa (t/h)