Trong những diễn biến mới nhất, phía Nga đã lên tiếng tố ngược lại cơ quan tình báo Anh là chủ mưu đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Bên cạnh đó, có những lo ngại mới cho rằng, phương Tây có thể tiếp tục các chiêu đòn tấn công ngoại giao và kinh tế đối với Moscow.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh NTV, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết "vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal" là "hành động khiêu khích" của cơ quan tình báo Anh.
"Chúng tôi có mối hoài nghi nghiêm túc rằng sự khiêu khích này được thực hiện bởi cơ quan tình báo Anh, họ từ chối hợp tác với chúng tôi, và cũng không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào về vấn đề này", ông nói.
Yakovenko lưu ý rằng nước Anh đang trải qua "giai đoạn rất khó khăn hiện tại" vì hai lý do. Đầu tiên là những thảo luận bế tắc với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit.
"Ở Brussels, khi tuyên bố về vụ việc Skripals được đưa ra, chủ đề Brexit đã không được bàn luận tiếp, trong khi có những thoả thuận rất quan trọng để tiến tới các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Anh và EU đã đi vào bóng tối", ông nhấn mạnh.
Lý do thứ hai, nhà ngoại giao tin rằng, liên quan đến vai trò của nước Anh với phương Tây. "Bằng lý do bảo toàn an ninh quốc gia được đưa ra bởi Thủ tướng Theresa May, người Anh nghiễm nhiên nắm vai trò lãnh đạo trong việc đối đầu với Nga", ông nói.
Theo ông Yakovenko, để kiềm chế Nga, "một sự khiêu khích mạnh mẽ là cần thiết để đảm bảo rằng vai trò này được cả quốc hội và nhân dân ủng hộ".
Ông nói thêm rằng, Nga "sẽ không để cho Anh vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý". "người Anh sẽ phải trả lời cho điều này, vì vậy chúng tôi đang lựa chọn cách giải quyết thích hợp”, Đại sứ Nga nhấn mạnh.
Tuần trước, Alexander Yakovenko nói rằng các nhà chức trách Anh đã sử dụng cái tên "Novichok" để tạo "liên kết của vụ việc với Nga". Theo Đại sứ Nga, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ban đầu chỉ đề cập đến chất độc thần kinh có tên A-234 tại một cuộc họp cá nhân.
Ngược lại, bà Theresa May đã sử dụng một cái tên khác trong bài phát biểu trước quốc hội - "Novichok". Đại sứ Nga tại Anh nói thêm: "Tên gọi Nga kỳ quái này" là "một nỗ lực rõ ràng để kết nối sự kiện gần gũi với Nga hơn".
Cuộc chiến ngoại giao Nga-phương Tây sẽ diễn biến thế nào?
Nhân viên Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg và Yekaterinburg sẽ rời Nga vào ngày 5/4 sau khi Nga đáp trả lại quyết định trục xuất các nhà ngoại giao của Mỹ liên quan đến cáo buộc đầu độc Skripal.
Các nhà ngoại giao của 20 quốc gia EU, cũng như các nhà ngoại giao của Ukraine, Moldova, Albania, Na Uy, Australia và Canada sẽ phải rời Nga bởi lý do tương tự vào ngày 6/4.
Theo tờ Pravda, phương Tây có thể tiếp tục cuộc chiến ngoại giao và kinh tế với Nga, tuy nhiên hậu quả vẫn chưa đến mức quá nghiêm trọng.
Ví dụ, Anh có thể xem xét việc đóng cửa văn phòng thương vụ Nga ở London, đóng băng tài sản, cấm đầu tư vào chứng khoán và tịch thu "tài sản đáng ngờ" của các cá nhân giàu có đến từ Nga.
Tuy nhiên, việc trục xuất các nhà ngoại giao không hoàn toàn cho thấy cơ hội đối thoại giữa Nga và phương Tây đã kết thúc.
Đồng thời, việc Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao không có nghĩa rằng kết nối ngoại giao của Nga ở đây sẽ chấm dứt. Thay vào đó, các nhà ngoại giao Nga mới sẽ đến tiếp tục công việc.
Về phía Nga, trong trường hợp cần thiết, Moscow có thể tuyên bố giảm số lượng nhân viên ngoại giao của một quốc gia nước ngoài để cân bằng lại số nhân viên giữa hai nước.
Người Mỹ có thể đóng tòa lãnh sự Nga tại Houston (Texas), hoặc tại New York. Nếu đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Houston thì các quan chức ngoại giao Nga sẽ chỉ có mặt bờ biển phía Đông mà không có văn phòng đại diện ở nội địa hoặc bờ biển phía Tây (cơ quan ở San Francisco đã đóng cửa).
Trong trường hợp chấm dứt quan hệ với Mỹ, Nga sẽ ở một vị trí có lợi hơn, bởi vì Nga sẽ vẫn còn các nhà ngoại giao làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Mỹ, trong khi đó sẽ không có nhân viên nào của Mỹ còn lại ở Nga.
Ngoài ra, theo Công ước Viên năm 1961-1963, việc đóng cửa đại sứ quán không quy định phải chấm dứt hoạt động lãnh sự. Các quốc gia vẫn có thể giao lưu thương mại mà không có quan hệ ngoại giao.
Ví dụ như quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine không khiến cho hợp đồng giữa Gazprom và Naftogaz chấm dứt. Lợi ích của mỗi công ty được ủy thác cho bên thứ ba.
Trong Thế chiến II, lợi ích của Liên Xô ở Đức và lợi ích của Đức ở Liên Xô trước đây được Thụy Điển đại diện, trong khi lợi ích của Mỹ ở Ý và Đức và ngược lại được Thụy Sĩ đại diện.
Đặc biệt hơn, các kênh truyền thông khẩn cấp ("đường dây nóng" và đường dây kết nối trực tiếp giữa các tổng thống) không phụ thuộc vào sự hiện diện hoặc bắt buộc phải có quan hệ ngoại giao.