Ahmad al-Ra'ie, lãnh đạo của Liên minh Lực lượng Syria, nói trên tờ Sputnik rằng việc các quan chức Mỹ cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học không gì khác ngoài việc thực hiện một âm mưu lớn tại Syria.
Ông lưu ý rằng, giới chức Mỹ thừa nhận họ không có bất kỳ bằng chứng nào để củng cố khẳng định trên. Chính trị gia Ahmad al-Ra'ie nói:
“Có một kịch bản quen thuộc, trong đó một nhóm khủng bố sẽ tấn công bằng vũ khí hóa học và sau đó Mỹ đổ lỗi cho quân đội Syria và kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Al-Ra'ie cũng khẳng định, Syria có khả năng chặn đứng những âm mưu của Mỹ nhưng điều quan trọng lúc này là họ cần giành lại quyền kiểm soát các khu vực đáng ngờ, để Washington không chuyển vũ khí hóa học tới đó nhằm tiến hành các âm mưu quân sự tương tự.
Trong một nhận định tương tự vào hôm 3/2, Abdel Bari Atwan, Tổng Biên tập của tờ báo Rai al-Youm, cảnh báo những cáo buộc về vũ khí hóa học của Lầu Năm Góc là cái cớ để giúp Washington biện minh cho những cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai nhằm vào các vị trí của quân đội Syria.
“Quy tắc vàng này đã tồn tại trong suốt 7 năm qua và khủng hoảng tại Syria chỉ thực sự bắt đầu khi Mỹ cảm thấy âm mưu của mình đã thất bại.
Do đó, họ lại nhắc lại vấn đề về vũ khí hóa học để làm đòn bẩy thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Syria”, ông Atwan viết.
Ông cũng nhắc lại những bình luận gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng Washington quan ngại về khả năng sử dụng khí độc sarin tại Syria.
Ông Mattis đưa ra tuyên bố này một ngày sau khi Mỹ cảnh báo đang chuẩn bị cân nhắc hành động quân sự, nếu cần thiết để cản trở cái mà họ gọi là tấn công bằng vũ khí hóa học bởi Chính phủ Syria.
Ông Atwan cũng khẳng định, không có bằng chứng cho thấy Chính phủ Syria đã sử dụng sarin.
Atwan cũng chỉ ra rằng giới chức Mỹ cũng cáo buộc cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng vũ khí hóa học.
“Những bình luận đó là rất nguy hiểm, bởi chúng đẩy Chính phủ Syria và IS về cùng một phía và vô tình miễn tội cho những nhóm (khủng bố) khác (ngoài IS) về việc sử dụng vũ khí hóa học”, Atwan nhận xét.
Sarin là một chất độc không màu, không vị và có thể gây ngạt thở dẫn tới tử vong.
Trước đây, hồi tháng 4/2017, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học khiến dân thường thiệt mạng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phóng hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự ở Syria.
“Chúng tôi đã thể hiện công khai và tất cả mọi người đã thấy sự phản ứng của Mỹ với vấn đề đó. Vì vậy, tốt nhất họ không nên vi phạm hiệp định về vũ khí hóa học một lần nào nữa”, ông Mattis tuyên bố.
Về phần mình, Chính phủ Syria phản đối mạnh mẽ cáo buộc Damascus sử dụng hay thậm chí sở hữu vũ khí hóa học, bởi quốc gia này đã tuân thủ Hiệp ước Vũ khí Hóa học và được công nhận bởi các tổ chức quan sát quốc tế vào năm 2013.
Xem thêm: Syria: Không quân Nga đặt chân tới căn cứ Abu al-Dhohour sau vụ bắn hạ Su-25