Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ ông Netanyahu, Gallant và lãnh đạo Hamas

Thứ 6, 22/11/2024 15:22

Trong ngày thứ Năm, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã đưa ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới quyền ông Netanyahu là Yoav Gallant và lãnh đạo Hamas Ibrahim Al-Masri, với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột tại Gaza.

Trong phán quyết, thẩm phán của ICC cho biết có đủ bằng chứng để tin rằng ông Netanyahu và Yoav Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự về một số hành vi bao gồm sát nhân, ngược đại và lợi dụng nạn đói làm vũ khí trong "các cuộc tấn công rộng rãi và có hệ thống nhằm vào thường dân Gaza".

Các thẩm phán cũng cho biết có đủ bằng chứng để tin rằng lệnh bao vây Gaza cũng như sự thiếu thốn lương thực, nước sạch, điện, nhiên liệu và vật tư y tế "đã tạo điều kiện sống được suy tính trước nhằm dẫn tới sự hủy hoại một phần dân số thường dân Gaza, dẫn tới thường dân thiệt mạng, bao gồm trẻ em, do thiếu dinh dưỡng và thiếu nước uống".

Quyết định này đã dẫn tới sự phẫn nộ tại Israel, và cộng đồng quốc gia này nhận định quyết định này là đáng xấu hổ, vô lý. Người dân Gaza thể hiện hy vọng quyết định này sẽ giúp kết thúc tình trạng bạo lực và đưa những cá nhân chịu trách nhiệm cho các tội ác chiến tranh ra trước công lý. Hamas đã khen ngợi lệnh bắt nhằm vào Israel, và một quan chức cấp cao của tổ chức này nhận định đây là bước đầu tiên hướng tới công lý.

Lệnh bắt giữ Masri liệt kê cáo buộc tàn sát hàng loạt trong ngày 7/10/2023, vụ tấn công nhằm vào Israel châm ngòi cuộc chiến tại Gaza, cũng như cáo buộc cưỡng dâm và bắt giữ con tin.

Israel cho biết đã tiêu diệt Masri, còn được biết đến dưới cái tên Mohammed Deif, trong một cuộc không kích trong tháng 7, tuy nhiên Hamas chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin này. Cơ quan truy tố cho biết sẽ tiếp tục thu thập thông tin về việc Masri đã thiệt mạng.

Israel đã bác bỏ phán quyết của tòa án tại Hague này và phủ nhận các cáo buộc cho rằng Israel đã gây ra tội ác chiến tranh tại Gaza.

Mỹ, quốc gia ủng hộ ngoại giao chính của Israel, không phải nước thành viên của ICC. Chính phủ Mỹ cho biết "phủ nhận hoàn toàn" quyết định này.

Một phát ngôn viên an ninh của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về việc các công tố viên vội vã yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ và tiến trình đáng lo ngại dẫn tới quyết định này", và cho biết Mỹ đang thảo luận về bước tiếp theo với các đối tác.

Các cường quốc thế giới gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng không tham gia ICC, tòa án thường trực quốc tế về tội ác chiến tranh được hậu thuẫn bởi Liên minh Châu Âu, Australia, Canada, Anh, Brazil, Nhật Bản và hàng chục nước châu Phi và Mỹ Latin.

Trong ngày 20/5, công tố viên ICC Karim Khan cho biết đã yêu cầu đưa ra lệnh bắt với các cáo buộc tội ác chiến tranh liên quan tới vụ tấn công do Hamas cầm đầu tại israel và phản ứng quân sự của Israel tại Gaza. Các lãnh đạo Israel và tổ chức Hamas bác bỏ cáo buộc cho rằng hai phe này đã gây ra tội ác chiến tranh.

Tòa án này không có lực lượng hành pháp để thực hiện lệnh bắt và phụ thuộc vào 124 nước thành viên cho quá trình bắt giữ, và chỉ có biện pháp ngoại giao có giới hạn trong trường hợp các nước này không muốn chấp hành.

Ông Khan đã kêu gọi các nước đã ký kết hiệp ước thành lập tòa án "chấp hành cam kết trước Quy chế Rome bằng cách tôn trọng và chấp hành những lệnh tư pháp này".

Trong một tuyên bố, ông cho biết: "Chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác của họ trong trường hợp này, cũng như những trường hợp khác… Chúng tôi cũng chào đón các quyết định hợp tác với các phe phi quốc gia trong quá trình nỗ lực hướng tới đảm bảo trách nhiệm và giữ vững luật pháp quốc tế".

Phản ứng từ quốc tế

Ceremony for the 70th cohort of military combat officers, near Mitzpe Ramon

Ảnh: REUTERS/Amir Cohen.

Shaban Abed, 47 tuổi, kỹ sư và người sinh sống tại thành phố Gaza, hiện sơ tán tại Khan Younis, nhận định: "Ông Netanyahu và ông Gallant giờ đã trở thành tội phạm chiến tranh và không lâu nữa một quốc gia nào đó sẽ đưa họ ra trước công lý, bất kể lâu tới đâu". Ông cũng cho rằng quyết định của tòa án được đưa ra "muộn, nhưng không bao giờ quá muộn".

Rabeeha, một phụ nữ là mẹ của 5 trẻ em và người dân thành phố Gaza, cho biết cô mong rằng quyết định này sẽ giúp kết thúc cuộc chiến.

"Tôi mong rằng chúng ta có thể sớm chứng kiến ông Netanyahu và ông Gallant bị bỏ tù. Giờ họ không thể di chuyển, giờ họ đang bị săn lùng".

Văn phòng ông Netanyahu nhận định quyết định của ICC mang tính "bài trừ Do Thái" và ông sẽ "không cúi đầu trước áp lực, và không bị đe dọa" cho tới khi Israel đạt được mục tiêu chiến tranh.

Ngoại trưởng Israel Gideon Saar nhận định ICC đã "mất toàn bộ tính tin cậy" sau khi đưa ra lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant.

Trên X, Saar đã nhận định đây là "một thời điểm đen tối trong lịch sử Tòa án Hình sự Quốc tế", và cũng nhận định tòa án này đã đưa ra "một sắc lệnh vô lý mà vượt ngoài thẩm quyền".

Hiện chưa có bình luận từ ông Gallant.

Trong một phát biểu, Hamas đã chào đón lệnh bắt giữ ông Gallant và ông Netanyahu, đồng thời hối thúc tòa án mở rộng trách nhiệm lên toàn bộ máy lãnh đạo Israel.

Quan chức cấp cao của Hamas Basem Naim cho biết lệnh bắt nhằm vào Israel là một bước quan trọng dẫn tới mang lại công lý cho nạn nhân của chiến tranh và mọi quốc gia trên thế giới nên ủng hộ quyết định này.

Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết quyết định này không mang tính chính trị mà đã được đưa ra bởi tòa án và nên được tôn trọng và thực hiện.

"Thảm họa tại Gaza cần phải kết thúc".

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng khẳng định quyết định của ICC cần được thực hiện, và nhận định người Palestine xứng đáng nhận được công lý sau những "tội ác chiến tranh" của Israel tại Gaza.

Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết quốc gia này sẽ chỉ thực hiện lệnh bắt đối với các cá nhân trên lãnh thổ quốc gia này và sẽ không thực hiện các hành động "không cần thiết".

Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cho biết: "Tòa án này là một trò hề nguy hiểm. Đã đến lúc Thượng viện Mỹ hành động và trừng phạt cơ quan vô trách nhiệm này".

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.