Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã xử sơ thẩm một vụ án hình sự mà bị cáo H. bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình. Trước đó, vì bị cáo không mời luật sư nên tòa đã yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên chỉ định luật sư bào chữa. Theo yêu cầu của tòa, đoàn luật sư tỉnh đã chỉ định luật sư NHQ tham gia tố tụng để bảo vệ bị cáo.
Từ chối luật sư vì muốn “tự bào chữa”
Tuy nhiên, ngay tại phần thủ tục khai mạc phiên tòa, khi được hỏi có đồng ý để luật sư Q. bào chữa không thì bị cáo H. dõng dạc trả lời ngay: “Tôi xin từ chối không cần luật sư nào cả. Tôi tự bào chữa được”. Nghe vậy, luật sư Q. cũng đứng lên phát biểu: “Bị cáo từ chối tôi thì tôi cũng từ chối bào chữa cho bị cáo”.
Trước tình huống bất ngờ này, HĐXX đã phải vào hội ý. Một lúc sau, chủ tọa ra tuyên bố không chấp nhận ý kiến “từ chối nhau” của cả bị cáo lẫn luật sư. Theo tòa, luật sư Q. vẫn phải tiếp tục tham gia phiên xử, nếu bị cáo từ chối luật sư bào chữa thì luật sư “không phát biểu về chứng cứ, tội danh mà nói về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng của vụ án”.
Luật sư bào chữa chỉ định trong một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Sau khi tòa “gút” như vậy, luật sư Q. chấp hành, ngồi xuống tiếp tục làm nhiệm vụ, bị cáo H. cũng không có ý kiến gì thêm. Trong quá trình xét hỏi sau đó, luật sư Q. chỉ ngồi theo dõi, ghi chép. Đến phần tranh luận, vị luật sư này cũng làm theo đúng “chỉ đạo” của tòa là không trình bày lời bào chữa cho bị cáo về nội dung vụ án mà chỉ phát biểu nhận xét về mặt thủ tục tố tụng. Cuối cùng, tòa đã tuyên phạt bị cáo H. 15 năm tù.
Được không?
Xung quanh tình huống trên, có hai vấn đề pháp lý phát sinh: Theo quy định, khi bị cáo từ chối luật sư chỉ định thì tòa giải quyết sao? Mặt khác, việc để luật sư tiếp tục làm nhiệm vụ bào chữa nhưng không phát biểu về chứng cứ, tội danh, không tranh luận mà chỉ nhận xét về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng của vụ án liệu đã ổn?
Ở vấn đề thứ nhất, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích cần phân biệt hai dạng bị cáo từ chối luật sư chỉ định. Nếu bị cáo cho rằng cá nhân luật sư chỉ định “có vấn đề”, từ chối để tòa đổi luật sư khác thì tòa phải xem xét có chấp nhận hay không. Còn nếu bị cáo nói không cần luật sư để mình tự bào chữa như ở vụ án này thì tòa phải tôn trọng vì đây là quyền của họ.
Theo thẩm phán Hùng, từ chối luật sư là quyền của bị can, bị cáo nhưng tòa phải hỏi rõ nguyên nhân, đồng thời giải thích kỹ cho bị cáo trước khi ra quyết định. Nếu thấy sự từ chối này là hợp lý thì tòa nên lập biên bản ghi nhận sự việc theo hướng chấp nhận yêu cầu. Việc chấp nhận yêu cầu này không ảnh hưởng đến vấn đề tố tụng của vụ án vì tại tiểu mục d.2 điểm d Mục 3 Phần II Nghị quyết số 03-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn: “Tại tòa nếu bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải ghi vào biên bản phiên tòa”...
Đồng tình, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói: “Giả sử người từ chối luật sư là bị cáo chưa thành niên thì mới cần tham khảo kỹ ý kiến của người đại diện hợp pháp cho bị cáo. Nhưng ở đây bị cáo là người trưởng thành, nhận thức bình thường, tự tin về khả năng tự bảo vệ mình thì tòa nên chấp nhận bởi đây là ý chí tự nguyện của bị cáo. Bị cáo từ chối luật sư vì thấy không cần thiết. Đây là quyền của họ. Tòa phúc thẩm sẽ không thể căn cứ vào việc họ từ chối luật sư, từ đó không có luật sư để hủy án sơ thẩm với lý do vi phạm tố tụng nghiêm trọng được”.
Về vấn đề thứ hai, thẩm phán Hùng khẳng định tòa nói luật sư “không phát biểu về chứng cứ, tội danh mà nói về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng của vụ án” là không đúng luật, mang tính chất tự phát. Không có quy định tố tụng hình sự nào cho phép tòa làm như vậy. Về nguyên tắc, khi cơ quan tố tụng kết tội một con người thì phải tuân thủ nội dung chứng cứ và trình tự, thủ tục cùng các bước tiến hành tố tụng theo luật. Hai cái này quan hệ chặt chẽ với nhau, sai cái nọ thì cái kia không thể đúng. Luật sư nếu thấy sai về nội dung thì phải phản biện, nếu thấy sai tố tụng thì phải phân tích để bảo vệ thân chủ. Việc bào chữa của luật sư tại tòa phải đảm bảo sự toàn diện. Bởi suy cho cùng, luật sư ngoài việc bảo vệ thân chủ còn phải bảo vệ pháp luật và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa nên cần được bào chữa đầy đủ, khách quan. “Đây đúng là một yêu cầu vô lý. Đã không chấp nhận bào chữa thì thôi, còn đã chấp nhận thì phải cho luật sư bào chữa toàn diện chứ ai lại ra quyết định mang tính nửa vời như thế” - Thẩm phán Hùng nói.
Luật sư Nguyễn Thế Phong (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Long An) cũng nhận xét: “Có lẽ tòa sợ bị cấp trên hủy, sửa án nên mới cần có luật sư ngồi dự phiên xử bằng mọi giá theo kiểu có còn hơn không. Nhưng hạn chế quyền bào chữa của luật sư là sai luật. Theo BLTTHS, đã được chấp nhận tham gia tố tụng thì luật sư có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa nên việc tòa không cho luật sư bào chữa về nội dung vụ án mà chỉ phát biểu nhận xét về thủ tục tố tụng là vi phạm”.
Có quyền từ chối luật sư Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, VKS hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại BLHS; b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. (Trích khoản 2 Điều 57 BLTTHS) |
Theo Pháp luật TP HCM