Tòa án LHQ 'tiến thoái lưỡng nan' trong vụ kiện của Philippines

Tòa án LHQ 'tiến thoái lưỡng nan' trong vụ kiện của Philippines

Chủ nhật, 18/08/2013 08:17

Theo tác giả Mark Valencia trên trang Japan Times, hội đồng trọng tài phân xử vụ kiện của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc đang rơi vào thế khó xử về việc ra phán quyết. Vậy thế khó xử đó ra sao và Tòa án có thể sẽ ra phán quyết thế nào cho vụ kiện này?

Trong vài năm trở lại đây, Philippines và Trung Quốc trải qua một loạt cuộc đối đầu ngày càng nguy hiểm do tranh chấp chủ quyền giữa hai nước này trên Biển Đông. Ngày 22/1, ngày có thể coi là bước ngoặt về mặt chính trị của tranh chấp Biển Đông, Philippines cùng với sự ủng hộ ngầm của Mỹ, đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên Hợp Quốc. Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, quá trình pháp lý vẫn tiếp tục, một ủy ban trọng tài đã được chỉ định và triệu tập.

Tiêu điểm - Tòa án LHQ 'tiến thoái lưỡng nan' trong vụ kiện của Philippines
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc về cuộc đối đầu hải quân giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012.

Tuy nhiên, có thể tòa án sẽ phải mất hàng năm để đưa ra phán quyết và phán xét đó có thể chẳng giúp ích gì hoặc có thể là vô ích trong việc giải quyết tranh chấp.

Trong thế giới lí tưởng, phán xét của trọng tài sẽ chỉ dựa trên luật pháp và thực tế. Cả hai bên sẽ phải chấp nhận phán quyết đó và tiếp tục mối quan hệ song phương. Thế nhưng thế giới này không phải là lí tưởng. Trên thực tế, phán xét của Trọng tài sẽ có tác động chính trị quan trọng tới cơ chế giải quyết tranh chấp của Luật biển, đối với bản thân Luật biển và cả việc thực thi phán xét, mối quan hệ giữa các nước về Biển Đông cũng như quan hệ quốc tế.

Đây là một trong những vụ việc “khó xử” và dư luận cảm thấy thông cảm với các trọng tài bởi lẽ dù họ có thích hay không thì chính trị quốc tế sẽ có ảnh hưởng tới vụ việc này. Trên thực tế, các trọng tài đang ở giữa “dòng nước xoáy” chính trị. Cho tới nay, một trọng tài – nhân vật rất có kinh nghiệm và năng lực trên trường quốc tế đồng thời là một chuyên gia về luật biển – đã rút lui với lí do “vợ ông là người Philippines”.

Một trong những lí do Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện là vào năm 1996 khi các nhà lãnh đạo nước này phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), họ đã mặc định – và rõ ràng là sự mặc định không đúng – rằng để tránh phải giải quyết tranh chấp của Luật biển nước này có thể sử dụng các cuộc thương lượng song phương và trong các cuộc thương lượng nó Trung Quốc có thể dùng biện pháp “ỷ mạnh hiếp yếu” giành lợi thế về mình. Vì thế, có lẽ Trung Quốc “bị giội gáo nước lạnh” và giận dữ khi Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, có vẻ như dù cho trọng tài ra phán quyết ra sao, Trung Quốc sẽ không tuân thủ và phớt lờ bất kì hậu quả nào về mặt chính trị của hành động đó. Đây không phải lần đầu tiên một cường quốc từ chối tham gia vào tiến trình pháp lý của một vụ kiện quốc tế. Một ví dụ là vào năm 1984, Nicaragua đã kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Mỹ đã từ chối tham gia vào quá trình xét xử sau khi ICJ bác bỏ tuyên bố của Mỹ rằng tòa án này thiếu thẩm quyền xét xử vụ việc. Sau đó thông qua Hội đồng Bảo an, Mỹ phong tỏa việc thực thi phán xét của tòa và Nicaragua không nhận được khoản đền bù nào từ Mỹ.

Trong vụ kiện của Philippines, việc Trung Quốc từ chối tham gia và tuân thủ phán xét của tòa án có thể sẽ tổn hại tới uy tín và quyền lực của tòa án và luật pháp quốc tế nói chung. Hành động này của Trung Quốc cũng cho thấy nước này sẽ không để tâm tới các nước châu Á nhỏ.

Có một số phương án về phán xét của trọng tài và mỗi phương án đều có những hậu quả riêng. Trước tiên, hội đồng trọng tài phải ra quyết định xem họ có thẩm quyền phân xử vụ việc hay không. Những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc cho rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền và nội dung đơn kiện đưa ra những luận cứ sai và những vấn đề không thuộc tầm hiểu biết của hội đồng như vấn đề phân định ranh giới trên bỉên, vấn đề chủ quyền, những tuyên bố chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử và các hoạt động thi hành pháp luật.

Cũng theo những quan điểm ủng hộ Trung Quốc, Philippines đã không thực hiện nghĩa vụ của mình bằng con đường đàm phán song phương giống như yêu cầu của Tuyên bố ứng xử trên biển (DOC) mà cả hai bên đều nhất trí.

Những nhà phân tích ủng hộ Trung Quốc lập luận rằng nước này chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền với toàn bộ diện tích Biển Đông cũng như các khu vực nằm trong “bản đồ 9 đoạn” như cáo buộc của Philippines. Ngoài ra những người này cũng cho rằng “bản đồ 9 đoạn” là bản đồ được xây dựng dựa theo lịch sử và không chịu ảnh hưởng của Luật biển hiện nay.

Tiêu điểm - Tòa án LHQ 'tiến thoái lưỡng nan' trong vụ kiện của Philippines (Hình 2).
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau khi tàu hải quân Philippines rút khỏi bãi cạn này năm ngoái.

Nếu hội đồng trọng tài quyết định họ không có thẩm quyền thì những người theo chủ nghĩa thực tế sẽ reo mừng kết luận rằng “luật pháp quốc chính là công cụ của chính trị” và rằng luật pháp quốc tế được hình thành và thực hiện theo hướng có lợi cho các nước lớn. Quan trọng hơn là sau đó, các quốc gia tham gia nhỏ tranh chấp trên Biển Đông sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng mạnh và hung hăng hơn. Và giống như Philippines, các nước này sẽ có các biện pháp chính trị và thậm chí cả quân sự để tự vệ - ví dụ như tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Còn nếu hội đồng trọng tài khẳng định có thẩm quyền và đưa ra phán xét chống lại “đường 9 đoạn” của Trung Quốc thì đây có thể như “sự tự vẫn về thể chế”. Trung Quốc sẽ không tuân thủ theo phán xét của hội đồng trọng tài và bất ổn chính trị và luật pháp trên Biển Đông sẽ gia tăng đồng thời tăng nguy cơ xảy ra biến cố. Uy quyền và tính thực thi của cơ chế phân xử tranh chấp qua con đường trọng tài và thậm chí là bản thân Luật biển cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì thế hội đồng trọng tài sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong trường hợp này, rất có khả năng kết quả sẽ nằm giữa hai thái cực trên. Có thể hội đồng trọng tài sẽ quyết định họ có thẩm quyền và nhượng bộ, theo đó hội đồng sẽ công nhận rằng Trung Quốc có “quyền do lịch sử để lại” với một phần tài nguyên trên Biển Đông và Trung Quốc phải chia sẻ các nguồn tài nguyên này với Philippines (và bao hàm cả các quốc gia tranh chấp khác).  

Dư luận dự đoán hội đồng trọng tài sẽ phân xử theo hướng trên mặc dù lẽ dĩ nhiên tất cả tùy thuộc vào các trọng tài. Nếu họ nhất định đi theo con đường “pháp lý thuần túy” giống như “được ăn cả ngã về không” thì có thể họ sẽ chọn một trong 2 phương án cực đoan như trên.

Khi đó, người giành chiến thắng duy nhất trong vụ kiện này sẽ là công ty luật của Mỹ mà Philippines đã thuê làm đại diện cho mình trước tòa. 

Theo Infonet

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.