Vụ kiện 'yêu cầu tuyên bố vô hiệu và hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở' giữa nguyên đơn Trần Thị Lẫm (65 tuổi, ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) với bị đơn Đặng Văn Muôn (66 tuổi, chồng cũ bà Lẫm) và vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc đang gây xôn xao dư luận ở Sóc Trăng bởi tòa án bị cho là “nhiệt tình” với nguyên đơn.
Cụ thể, ba tháng trước ông Muôn ra công chứng bán tài sản hợp pháp của mình thì hai tuần sau TAND TP Sóc Trăng thụ lý đơn kiện của bà Lẫm với nội dung chồng cũ chưa thực hiện nghĩa vụ trả lại giá trị ngôi nhà hơn 1,7 tỷ đồng.
Ngày 22/3, thẩm phán TAND TP Sóc Trăng Nguyễn Văn Thanh Bình ký quyết định áp dụng "biện pháp khẩn cấp tạm thời”, cấm ông Muôn và vợ chồng bà Ngọc thực hiện hành vi chuyển nhượng căn nhà số 2/4 đường Tôn Đức Thắng. Trong khi đó, sau khi mua xong căn nhà này, bà Ngọc đã bán cho người khác. Nay với quyết định của TAND TP Sóc Trăng, bà Ngọc đang bị chủ mới kiện đòi 2 tỷ đồng tiền cọc và buộc bồi thường thêm 2 tỷ vì không sang tên được.
Theo hồ sơ, ngày 27/2/2012 TAND tỉnh Sóc Trăng xử ly hôn, buộc ông Muôn có trách nhiệm trả cho bà Lẫm hơn 1,7 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản được nhận và giá trị tài sản thực nhận. Ngay sau khi bản án có hiệu lực, bà Lẫm yêu cầu cơ quan chức năng thi hành án, buộc chồng cũ trả tiền.
Tòa án quá 'nhiệt huyết', nhà đóng cửa im lìm
Trong lúc cơ quan chức năng thụ lý thì ngày 20/7/2012, bà Lẫm tự nguyện đến Chi cục Thi hành án dân sự TP Sóc Trăng nộp đơn yêu cầu không tổ chức thi hành án vì đã thỏa thuận xong việc xử lý nợ đối với ông Muôn. Một tuần sau, Chi cục Thi hành án dân sự TP Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với ông Muôn.
“Với sự tự nguyện của vợ cũ, ông Muôn không còn phải thi hành án liên quan đến căn nhà số 2/4 đường Tôn Đức Thắng”, ông Phạm Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Sóc Trăng khẳng định.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng bà Lẫm không đủ tư cách nguyên đơn để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu bởi bà đã tự nguyện rút đơn, từ bỏ quyền can thiệp vào nhà số 2/4. Việc TAND TP Sóc Trăng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bà Lẫm là sai.
Theo luật sư Trường Thành, nếu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bà Lẫm thì bà này phải có trách nhiệm đóng một số tiền tương đương với giá trị tài sản (căn nhà). Điều này nhằm đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi yêu cầu của bà Lẫm gây thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, thẩm phán Bình khẳng định bà Lẫm chưa nộp đồng nào. Theo thẩm phán này, bà Lẫm hiện có nhiều tài sản bên ngoài nên không cần nộp tiền bảo đảm.
“Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do ông Bình ký cũng sai nội dung vì tại thời điểm ban hành quyết định thì hành vi chuyển nhượng của ông Muôn với bà Ngọc đã thực hiện xong”, luật sư Thành nêu quan điểm.
Theo thẩm phán Võ Hoàng Anh, chánh án TAND TP Sóc Trăng cho biết sau khi thụ lý vụ án mới phát hiện ông Muôn đi nước ngoài. Vì vậy, vụ việc được chuyển lên TAND tỉnh Sóc Trăng xem xét giải quyết vì “có yếu tố nước ngoài”.
Trao đổi với phóng viên ngày 8/5, thẩm phán Hồ Chí Bửu, chánh Tòa dân sự TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết nếu ông Muôn đi nước ngoài theo dạng định cư thì mới “có yếu tố nước ngoài” thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án cấp tỉnh.
“Trường hợp ông ấy đi du lịch, học tập hay công tác vài tháng ở nước ngoài thì phải trả hồ sơ về cho TAND TP Sóc Trăng vì không có tính chất nước ngoài”, ông Bửu cho biết thêm.
Hàm Yên