Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là Pakistan sẽ tiến hành bầu cử. Hiện Thủ tướng Ashraf vẫn phủ nhận cáo buộc ông đã nhận hối lộ để phê duyệt các dự án phát điện trong thời kỳ ông còn làm Bộ trưởng Bộ nguồn nước và điện lực năm 2010.
Các nhà phân tích cho biết dù bị Tòa án tối cao ra lệnh bắt giữ cũng ít có khả năng ông Ashraf bị buộc phải từ chức. Tại thủ đô Islamabad, hiện hàng nghìn người dưới sự kêu gọi của giáo sỹ Hồi giáo Tahir-ul-Qadri đã tham gia biểu tình đòi chính phủ từ chức trong ngày thứ hai liên tiếp. Họ cho rằng chính phủ đã tham nhũng và bàng quan trước đời sống của người dân.
Những hình ảnh phát trên truyền hình cho thấy đám đông người biểu tình đã tưng bừng ăn mừng khi thông tin về lệnh bắt của Tòa án tối cao được công bố. Theo BBC, việc lệnh bắt giữ được công bố giữa lúc có biểu tình chống chính phủ có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đây là minh chứng cho thấy có những bộ phận trong cơ quan lập pháp và quân đội ủng hộ cho ông Tahir-ul-Qadri.
Kể từ sau khi trở về Pakistan từ Canada hồi năm ngoái, giáo sĩ Tahir-ul-Qadri đã nổi lên như một nhân vật có ảnh hưởng lớn với những cáo buộc các quan chức chính phủ tham nhũng. Rất nhiều người dân đã đáp lại lời kêu gọi biểu tình đòi chính phủ từ chức của ông bởi họ tin rằng chính quyền hiện chỉ khiến đời sống họ thêm cơ cực.
>> Ấn Độ lại rúng động vì bé gái bị cưỡng hiếp ngay cạnh phòng hiệu trưởng
Tuy nhiên giới phê bình e ngại rằng ông Qadri và những yêu cầu cải cách bầu cử có thể khiến các cuộc bầu cử dân chủ sắp tới chệch hướng do ảnh hưởng quá lớn từ quân đội nước này. Những lo ngại đó càng lớn hơn khi trong bài phát biểu trước đám đông tại Islamabad hôm 15/1, ông Qadri tuyên bố các chính trị gia là những tên trộm tham nhũng trong khi ca ngợi Tòa án tối cao và quân đội.
Ngay lập tức bài phát biểu này khiến bầu không khí hòa bình của cuộc biểu tính trở nên căng thẳng. Nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã diễn ra. Người biểu tình ném gạch đá về phía xe cảnh sát trong khi một số người khác giơ lên những vỏ đạn và các quả đạn hơi cay rỗng.
Ông Qadri còn kêu gọi người biểu tình lưu lại trên các tuyến phố cho đến khi chính quyền trung ương và các tỉnh giải tán. Ông cho rằng các nhà hành pháp chỉ quan tâm tới việc vơ vét đầy túi riêng thay vì giải quyết các vấn đề của người dân. Nhiều người biểu tình tuyên bố sẽ ở lại Islamabad chừng nào ông Qadri muốn và đã mang chăn tới để sẵn sàng đương đầu với giá lạnh.
Về phần mình, cố vấn của Thủ tướng Pakistan, Fawad Chaudhry, cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Thủ tướng đều là vi hiến bởi ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi đang tại vị.
“Chúng tôi xem đây như một cuộc đảo chính của tòa án và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm chệch hướng nền dân chủ”, ông Chaudhry tuyên bố. Chính trị gia này cũng khẳng định 30.000 người biểu tình không thể được phép biến cả đất nước 180 triệu dân thành con tin.
Theo hãng tin AP, Tòa án tối cao Pakistan đã nhiều lần đối đầu với chính phủ trong năm ngoái, đặc biệt là trong một vụ tham nhũng trước đây chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari tại tòa án Thụy Sỹ. Tòa án tối cao Pakistan từng kết tội người tiền nhiệm của ông Ashraf là Yousuf Raza Gilani xem thường tòa án khi ông này từ chối mở lại việc điều tra vụ việc và đã buộc ông phải từ chức.
Đến khi chính quyền của ông Ashraf nhậm chức, các quan tòa tiếp tục gây áp lực và chính phủ buộc phải chấp thuận yêu cầu của tòa án đó là đề nghị Thụy Sỹ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Trước đó các cơ quan chức năng Thụy Sỹ đã cho biết họ không có ý định làm vậy bởi ông Zardari được hưởng quyền miễn trừ khi còn tại vị.
Thanh Tùng (Dân trí/BBC, AP)