Theo đó, đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019. Đến dự buổi tọa đàm có bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lâm Thị Sang cho biết, buổi tọa đàm nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nghệ thuật cải lương.
“Nhận thức rõ vai trò, giá trị của bản DCHL đối với đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc như sưu tầm các bài gốc của bản DCHL.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, các cuộc thi....để truyền lửa cho các thế hệ trẻ và người mộ điệu qua đó tôn vinh, quảng bá bản DCHL đến du khách trong nước và quốc tế”, bà Sang cho hay.
Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết thêm, trải qua 100 năm, DCHL sống trong lòng cuộc đời, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử, dù chính thể này hay chính thể khác chúng ta vẫn thấy sự đồng hành một cách giản dị mà chan chứa tình cảm của báo chí dành cho DCHL.
Giá trị độc đáo của bản DCHL là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để bản DCHL đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nghịp 32 và nhịp 64.
Cho đến khi các danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ là nhịp 32, một điểm đến vừa đủ để bản vọng cổ tỏa sáng và phát huy hết công suất vừa đủ để các tác giả cổ nhạc gởi gấm lòng mình vào 6 câu vọng cổ.
“Bản DCHL ra đời đã nhanh chóng lan tỏa từ tỉnh Bạc Liêu đến các tỉnh khác. Bởi, nội dung của nó hết sức gần gũi với tâm trạng của con người, với 20 câu đầy chất thơ, ca với nhịp 2, những u uẩn chứa đựng, dồn nén bấy lâu trong lòng người dân yêu nước được dịp thổ lộ”, bà Vân nói.