Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia y tế, bao gồm ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế; ThS.BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV; cùng với tham luận trực tuyến của TS.BS. Kumamaru - chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản.
Cần có hàng lang pháp lý
Tọa đàm đã thảo luận về tình trạng sử dụng thuốc lá ở giới trẻ, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng), cũng như chia sẻ các giải pháp thực tiễn để ngăn chặn đối tượng này tiếp cận mọi loại sản phẩm thuốc lá. Theo đó, hai hướng tiếp cận khả thi cần được tăng cường thực thi song hành, đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của mọi loại sản phẩm thuốc lá, kết hợp với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định mà pháp luật đặt ra dành riêng cho nhóm đối tượng này.
Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012 đã có quy định chặt chẽ ở Điều 9 về việc không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá. Điều 29 Nghị định 117/2020 ngày 28/09/2020 quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu rõ hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa, hành vi bán lẫn mua thuốc lá dù có sử dụng hay không thì vẫn bị áp dụng các hình thức phạt đối với đối tượng giao dịch chưa đủ tuổi thành niên.
Theo đó, phần lớn các đại biểu tham dự tọa đàm đều khẳng định, để có thể áp dụng hệ thống quy định pháp luật trên, việc đầu tiên là cần quản lý chặt chẽ mọi loại sản phẩm thuốc lá bằng nhiều chính sách, biện pháp khác nhau. Trong đó, các sản phẩm thuốc lá mới nào đã được xác định rõ là thuộc định nghĩa của Luật PCTHTL do có chứa nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá làm nóng thì đã đủ điều kiện để được đưa vào quản lý trước dưới luật hiện hành, thay vì phải chờ nghiên cứu, thảo luận thêm giữa các cơ quan chức năng.
Ngược lại, cũng có những ý kiến lo ngại việc hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá mới có thể dẫn đến khả năng người trẻ dễ dàng mua thuốc lá, dựa trên bối cảnh hiện nay dù chưa được phép kinh doanh chính thức nhưng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở giới trẻ đã tăng 18 lần trong gần 5 năm qua. Tuy nhiên, điều này đã được một số đại biểu nhìn nhận rằng, chỉ cần có hàng lang pháp lý thì việc thực thi pháp luật sẽ có thể giải quyết vấn đề lo ngại trên. Các đại biểu nhận định, hệ thống pháp luật dùng để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá là đã có sẵn, quan trọng là cần nghiêm túc triển khai thực thi, nhằm tránh tình trạng có luật như không.
Song song đó, điểm sáng tại tọa đàm chính là báo cáo khảo sát mới nhất về tình trạng sử dụng thuốc lá ở giới trẻ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) phối hợp cùng báo Vietnam Plus thực hiện. PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Giám đốc CHERAD đã trình bày kết quả khảo sát trên hơn 1.000 thiếu niên tuổi từ 14 – 18, đang học tại các trường THCS và THPT ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ học sinh THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội đã từng sử dụng thuốc lá là 21,3%, trong đó tỷ lệ đã từng sử dụng thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng lần lượt là 8,7%; 18,4% và 4,5%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh THCS và THPT có sử dụng sản phẩm trong vòng 30 ngày gần đây cao nhất là thuốc lá điện tử với 13,6%; thấp nhất là thuốc lá làm nóng với 3,2%; còn thuốc lá điếu thông thường là 6,7%. Có 96,8% học sinh đánh giá các loại thuốc lá với mức độ độc hại khác nhau, theo đó mức độ độc hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được học sinh đánh giá ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Nhìn chung, tỷ lệ học sinh cấp THPT và THCS có nhận thức về mức độ tác hại của thuốc lá nói chung là khá cao, nhưng tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá vẫn là cao. Do đó các đại biểu đề xuất cần ra soát lại các biện pháp tuyên truyền và các quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá ở giới trẻ.
Nhiếu kiến nghị, giải pháp khả thi, hữu hiệu
Ngoài sự hiện diện của đại diện cơ quan ban ngành, chuyên gia trong nước, tọa đàm còn được đóng góp bởi kinh nghiệm thực tiễn của quốc gia Nhật Bản được trình bày bởi TS.BS Kumamaru, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản. Ông Kumamaru cho rằng việc buộc người hút thuốc cai thuốc là rất khó, và ông cũng không đảm bảo việc sử dụng thuốc lá làm nóng là tốt. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhận thấy hàm lượng các chất độc hại khi sử dụng thuốc lá làm nóng giảm gần như 90% so với hút thuốc lá điếu thì điều này vẫn tốt hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao ông cố gắng khuyến khích người hút thuốc rằng nếu họ không thể cai được thuốc, thì tốt hơn là nên chuyển sang sử dụng thuốc lá làm nóng.
Được biết, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ thuốc lá làm nóng lớn nhất trên toàn cầu. Kể từ khi sản phẩm này xuất hiện tại quốc gia này từ năm 2014, số liệu ghi nhận từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu giảm nhanh gấp 5 lần mà không có bất kỳ sự can thiệp nào về chính sách tăng thuế từ chính phủ Nhật Bản. Mặt khác, dữ liệu năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng trong giới trẻ ở mức thấp, chỉ 0,5% ở những người trong nhóm 12-15 tuổi và 0,9% ở những người trong nhóm 15-18 tuổi, trong đó hầu hết những người trẻ này đều đã từng hút thuốc lá điếu trước khi chuyển sang thuốc lá làm nóng. Như vậy có thể thấy, nguy cơ về việc sử dụng thuốc lá làm nóng ở giới trẻ là rất thấp không đáng quan ngại, trong khi lợi ích về mặt giảm tác hại đối với sức khỏe của người hút thuốc trưởng thành và cộng đồng nói chung là khá rõ ràng với các bằng chứng khoa học và dữ liệu đời thực đã được chứng minh trên thế giới.
Tọa đàm kết thúc bằng các kiến nghị cùng với giải pháp được cho là khả thi, hữu hiệu từ các đại biểu. Theo đó, phần lớn các đại biểu đều khẳng định cần quản lý các sản phẩm thuốc lá mới trong bối cảnh thuốc lá điếu vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp có điều kiện. Việc quản lý các sản phẩm thuốc lá mới cũng chính là tạo điều kiện để thực thi hiệu quả các biện pháp siết chặt và kiểm soát mức độ lưu thông mặt hàng này, đồng thời lập nên hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi loại thuốc lá. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá là cần thiết, không chỉ giáo dục trẻ sớm về việc không được phép cầm, sờ, thử, hoặc hút thuốc lá mà còn cần sự đồng hành của phụ huynh để tránh cho con em bị lôi kéo, dụ dỗ. Các chuyên gia cũng khẳng định, nhà trường chỉ là một phần của giải pháp và chỉ có thể áp dụng khi giới trẻ vẫn còn trong khuôn khổ quản lý của trường. Tuy nhiên, cần nhất là các rào chắn pháp lý vững chắc được thực thi nghiêm minh để dù ở trong môi trường học đường hay ngoài xã hội, chỉ cần nhìn thấy điếu thuốc truyền thống hay thiết bị thuốc lá mới thì tất cả những người trẻ tuổi đều phải tránh xa.
Minh Hải