GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có các luật gia, chuyên gia của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia thành phố Hà Nội và các đại biểu đến từ Tòa án Nhân dân tối cao, bộ Tư pháp, bộ Công an, đại học Luật Hà Nội, đại học Quốc gia Hà Nội…
GS.TS Lê Minh Tâm đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc Hội Luật gia Việt Nam thảo luận góp ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 và đề nghị các đại biểu lựa chọn những vấn đề tâm đắc nhất trong số vấn đề trọng tâm còn nhiều ý kiến khác nhau để thảo luận.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, chuyên gia luật Hình sự, thay mặt nhóm nghiên cứu của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trình bày những ý kiến góp ý vào một số nội dung cơ bản trong dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 và Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.
Tại cuộc tọa đàm, đã có 12 đại biểu phát biểu, phân tích về nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, đề xuất được nhiều ý kiến và giải pháp thiết thực cho việc hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.
Sau quá trình thảo luận sôi nổi và trách nhiệm của các đại biểu, GS.TS Lê Minh Tâm đã phát biểu tổng kết về kết quả chủ yếu của cuộc tọa đàm. Theo đó, đa số các ý kiến nhất trí việc sửa đổi luật lần này là một hiện tượng hi hữu, phức tạp và nhạy cảm, vì vậy cần chú trọng đầy đủ tính toàn diện, tính sâu sắc, tính lý luận và tính thực tiễn; cẩn trọng và không nóng vội. Ngoài 161 điều đã thống kê, nếu còn vấn đề nào còn sót, còn vướng mắc thì vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung và giải quyết. Những vấn đề nào chưa rõ, nếu cần thiết cũng nên mạnh dạn lấy lại quy định của BLHS 1999 để sử dụng.
Về mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tại tọa đàm vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đa số ý kiến thể hiện sự nhất trí với Phương án 1 đó là quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội Tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 300 và tội Rửa tiền được quy định tại Điều 324. Vì, việc bổ sung này phù hợp với yêu cầu của Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu về thực hiện Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia là thành viên.
Về nguyên tắc xử lý (Điều 3 của BLHS 2015), các đại biểu nhất trí cho rằng, nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 3 của Dự thảo Luật là nguyên tắc thuộc luật Tố tụng Hình sự, vì vậy không quy định trong BLHS để bảo đảm tính thống nhất và không trùng lặp của Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể để quy định này trong Điều 3 của Dự thảo Luật.
Về không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 19 của BLHS 2015, các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, việc quy định như Khoản 3, Điều 19 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 là hoàn toàn phù hợp, cụ thể là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của BLHS năm 2015.
Về chuẩn bị phạm tội được quy định tại Điều 14 BLHS 2015, cũng còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định bổ sung hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để tránh trùng lặp, vì quy định này đã có trong các điều khoản khác; loại ý kiến thứ hai cho rằng việc liệt kê bổ sung này có ý nghĩa làm cho quy định đầy đủ hơn, nên cần để lại như Dự thảo Luật.
Trong buổi tọa đàm, các đại biểu còn thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề khác sẽ được tổ thư ký tổng hợp để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đ.Huệ