Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm nhằm duy trì kết nối và nâng cao năng lực cho các chi hội nhóm làm nghề thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Tham dự tọa đàm là đại diện UNDP, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng CECR; các đội nhóm EPPIC; đại diện HTX Green Life Hạ Long, đại diện chi hội thu gom tại Hạ Long và quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và đặc biệt là sự góp mặt của các nhóm và hơn 50 cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực lao động phi chính thức thu gom rác thải tại địa phương.
Tại buổi tọa đàm, ban tổ chức đã ghi nhận và tôn vinh đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ làm nghề thu gom rác thải và phế liệu cũng như thể hiện mong muốn hỗ trợ, duy trì kết nối họ để đưa nghề này trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển dịch xanh của thành phố Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự đóng góp của lực lượng lao động phi chính thức này đóng góp vai trò quan trọng trong việc gia tăng hiệu quả quản lý và xử lý rác thải của địa phương bởi đến 30% lượng rác thải được thu gom tại một số địa phương là thông qua kênh này.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề quản lý chất thải yêu cầu nỗ lực của toàn xã hội từ Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi từ một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhựa lớn nhất toàn cầu sang thành một động lực thúc đẩy phát triển bao trùm xã hội và giới để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. Bây giờ là lúc hành động để khởi động quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn công bằng.”
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - Bà Đoàn Vũ Thảo Ly nói: “Việc triển khai thêm nhiều chương trình tập huấn về an toàn lao động, an sinh xã hội, kỹ năng thương lượng, kỹ năng truyền thông, tập huấn kỹ thuật về môi trường sẽ giúp các chị em làm nghề ve chai tiếp cận về thông tin, hiểu biết về quyền lợi, vai trò của bản thân họ trong việc bảo vệ môi trường, để có thể tiếp cận quyền lợi của hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (ERP)…”
Bà Trương Thị Nghiêm - đại diện các chị em làm nghề thu gom ve chai tham gia tọa đàm, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào hơn về công việc mình đang làm. Chúng tôi đang đóng góp một phần nhỏ để tạo nên môi trường xanh và sạch đẹp. Và tôi cảm thấy vinh dự hơn vì địa phương mình có cảnh quan đẹp như này, mình luôn luôn phải giữ gìn sạch sẽ. Vì thế tôi sẽ tiếp tục vận động các chị em để không cảm thấy ngại ngùng về công việc mình đang làm và hãy đóng góp vào việc bảo vệ môi trường”
Tại tọa đàm, các bên tham gia cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc chia sẻ các nghiên cứu điển hình, dự án thí điểm và mô hình kinh doanh thúc đẩy quản lý chất thải tổng hợp, tận dụng các nền tảng như Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) và Đối tác Hành động Chống Rác thải Nhựa Quốc gia (NPAP). Cuối cùng, tọa đàm tập trung vào việc chuẩn bị cho việc chuyển đổi các phương thức quản lý chất thải trong tương lai trong khuôn khổ chính sách quốc gia và quốc tế, đặc biệt liên quan đến Hiệp ước Nhựa Toàn cầu sắp tới và kế hoạch quốc gia về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Tọa đàm với nhóm lao động phi chính thức này là một hoạt động trong khuôn khổ tuần lễ EPPIC tại Hạ Long diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/6/2023.
Thu Hà