Để giải đáp vấn đề này phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với luật gia Giang Văn Quyết, thuộc Chi hội luật gia Đông Đô, Hà Nội.
PV: Xin ông cho biết, đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây xôn xao dự luận mấy ngày qua, trong trường hợp phạm nhân bị tù oan sai suốt 10 năm thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội Giết người đã trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Án đã có hiệu lực và phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã thụ lý án trong trại giam được hơn 10 năm.
Sáng 5/10, VKSNDTC đã họp báo thông tin một vài vấn đề vụ Nguyễn Thanh Chấn.
Trong trường hợp hung thủ thực sự của vụ án không phải là Nguyễn Thanh Chấn, tòa án xét xử theo thủ tục tái thẩm tuyên bị cáo không có tội thì quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
PV: Xin ông cho biết, theo quy định của pháp luật thì nếu bị cáo Nguyễn Thanh Chấn được tuyên vô tội thì sẽ được bồi thường như thế nào cho quãng thời gian 10 năm ở trong tù?
Vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử theo thủ tục xét xử đặc biệt - tái thẩm nên chưa thể khẳng định là Nguyễn Thanh Chấn có bị oan sai hay không? Nhưng nếu giả thiết Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm thì căn cứ vào các quy định của pháp luật Nguyễn Thanh Chấn có quyền yêu cầu tòa án phúc thẩm bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ. Đồng thời ông Nguyễn Thanh Chấn cũng được khôi phục danh dự do hoạt động tố tụng gây ra.
PV: Ông có thể đưa ra một con số về khoản bồi thường thiệt hại oan sai trong trường hợp cụ thể này, thưa ông?
Để có thể đưa ra một con số cụ thể thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố như thu nhập, nghề nghiệp của người oan sai, những tổn thất về mặt tinh thần, sức khỏe… Về vấn đề này Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá cụ thể.
Chẳng hạn trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trích Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Điều 46. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút 1. Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất. 2. Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. 3. Cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là lương tối thiểu). Điều 47. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần 1. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định là hai ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. 2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. 3. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu. 4. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu. 5. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cho hưởng án treo. Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này. Điều 48. Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết 1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết. 2. Chi phí cho việc mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 49. Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ 1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. 2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 46 của Luật này. 3. Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. 4. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 50. Trả lại tài sản Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ. Điều 51. Khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự 1. Người bị thiệt hại quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 của Luật này hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. 2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai. 3. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây: a) Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên; b) Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. 4. Trường hợp người bị thiệt hại chết, thân nhân của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự. |
Tạ Giang (ghi)