Đặc biệt, nếu không giải quyết vụ việc rõ ràng thì hàng trăm công nhân của công ty đứng trước nguy cơ mất việc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống gia đình cũng như sự an sinh của xã hội.
Quyết định mập mờ, khó hiểu?
Ông Đỗ Đình Thu, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Econ (công ty Econ) cho biết: "Công ty Econ là bị đơn trong vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế mua bán bê tông thương phẩm với công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư thương mại Việt Hàn (công ty Việt Hàn).
Ngày 28/06/2013 chúng tôi được tòa án quận Cầu Giấy (Hà Nội) gọi ra cùng với Công ty CP xây dựng và đầu tư thương mại Việt Hàn (gọi tắt là Công ty Việt Hàn) để cùng làm tường trình về việc Công ty Việt Hàn kiện Công ty chúng tôi với nội dung đòi nợ 12 tỷ đồng thực tế có 11.5 tỷ đồng tiền cung cấp bê tông thương phẩm (nhà thầu phụ) cho dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam tại đường Phạm Hùng, Hà Nội. Song chúng tôi thấy Công ty Việt Hàn đã có sẵn nhiều bản tường trình khai sẵn ở nhà bằng vi tính vào ngày 20/06/2013.
Ngày 09/08/2013, bà thẩm phán Bùi Thị Huê có triệu tập 2 đơn vị tới và cùng nhau làm Biên bản hòa giải thành có nội dung: “Sau khi hòa giải hai bên đã thống nhất là: Đối với toàn bộ số tiền Công ty Econ còn nợ Công ty Việt Hàn như đã nêu trên, hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán”. Đến ngày 19/08/2013, bà thẩm phán Bùi Thị Huê ra quyết định có tiêu đề là: “Công nhận sự thoả thuận của các đương sự” nhưng nội dung lại là: “Trường hợp Công ty CP đầu tư xây dựng Econ không thanh tóan thì Công ty CP đầu tư và thương mại Việt Hàn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện cưỡng chế đối với tòan bộ số tiền còn lại”.
Thực tế, nội dung biên bản và quyết định không ăn khớp nhau, có sự mập mờ khó hiểu. Trong quyết định này còn có nội dung khó hiểu khác như: “Kể từ khi quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khỏan tiền lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo mức lãi suất nợ cơ”, chúng tôi không hiểu và đã nhờ các chuyên gia về tài chính cũng không hiểu “nợ cơ” là nợ gì để thực thi quyết định".
Ông Thu trình bày tiếp, bên Econ rất thiện chí, nhiều lần gọi điện thoại cho Việt Hàn sang cùng trao đổi về lịch trình trả nợ. Thế nhưng, bên Việt Hàn không sang. Những cuộc gọi này đã được Econ ghi lại. Thế mà, chẳng hiểu vì lý do gì, ngày 18/10/2013, Chi cục Thi hành án quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định thi hành án và yêu cầu công ty Econ phải có trách nhiệm tự nguyện thanh toán cho công ty Việt Hàn toàn bộ số tiền còn nợ trong thời hạn 15 ngày.
Tiếp tục các ngày 04, 05 và 06/12/2013, Chi cục Thi hành án đã ra liên tiếp các quyết định phong tỏa tài khoản và khấu trừ tiền trong tài khoản của công ty Econ tại ngân hàng An Bình (chi nhánh Hà Nội). Điều kỳ lạ ở chỗ, không hiểu thi hành án Cầu Giấy lấy thông tin ở đâu hay là tổ chức cho người đi theo dõi bất chính tài chính của Econ nên thực hiện phong tỏa tài khoản tiền về của Econ tại An Bình chỉ sau 10 phút tiền chuyển về ngân hàng.
Khi Econ cho người đến An Bình hỏi thì lúc đó Chi cục Thi hành án dân sự Cầu Giấy mới cho người mang quyết định đến tống đạt. “Với kiểu làm việc như vậy, liệu các công bộc của dân ở Chi cục Thi hành án Cầu Giấy đã tuân thủ các trình tự theo quy định thi hành án chưa? Đó còn chưa kể tới việc làm sao bên thi hành án biết trong tài khoản của chúng tôi có bao nhiêu tiền.
Cũng theo ông Thu, Econ nhận nợ với Việt Hàn và sẽ trả nợ. Hợp đồng ký với Việt Hàn là làm cho TCT Xi măng, hiện tại tổng này còn nợ Econ 17 tỷ đồng chưa trả. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cam kết sẽ trả số tiền nợ cho công ty Việt Hàn khi chủ đầu tư thanh toán trả tiền cho Econ, mọi việc đã rõ ràng không hiểu sao phía tòa án, thi hành án quận Cầu Giấy vẫn cố tình ép doanh nghiệp vào bước đường cùng và ra quyết định thiếu khách quan như vậy?!
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Đỗ Đình Thu bức xúc, mặc dù TAND quận Cầu Giấy đã chứng kiến hai bên tiến hành hòa giải và ký biên bản Hòa giải thành nhưng khi ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự lại không thể hiện vấn đề mấu chốt đã thống nhất giữa hai bên tranh chấp là hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán mà chỉ nêu trong trường hợp công ty Econ không thanh toán thì công ty Việt Hàn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện cưỡng chế đối với số tiền còn lại. Cách thể chế văn bản không rõ nghĩa, không đúng với nội dung với biên bản Hòa giải thành cùng với đơn yêu cầu của công ty Việt Hàn đã dẫn đến các quyết định xử lý tiếp theo của Chi cục Thi hành án dân sự quận Cầu Giấy để thi hành bản án chứ không phải thực hiện việc giám sát quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong đó, bên thi hành án khi tiến hành phong tỏa và khấu trừ tiền trong tài khoản của công ty Econ lại không xác minh xem công ty đã trả tiền và có ý định trả tiền công ty Việt Hàn hay không, thậm chí là việc hai bên hòa giải đã có biên bản về phương thức, tiến độ trả tiền như thế nào?! “Chính việc làm này của của lực lượng tư pháp khiến cho doanh nghiệp đang bị ngừng trệ hoạt động kinh doanh, thất thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, làm giảm uy tín của doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu không giải quyết vụ việc rõ ràng thì hàng trăm công nhân của công ty đứng trước nguy cơ mất việc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống gia đình cũng như sự an sinh của xã hội” – ông Thu nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Mạnh, chi cục trưởng Thi hành án quận Cầu Giấy khẳng định: "Việc Chi cục ra quyết định Thi hành án là đúng quy định của pháp luật. Liên quan tới câu hỏi về việc phong tỏa tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp mà không được báo trước, ông Mạnh cũng thẳng thắn, theo quy định tại Khoản 1, Điều 66 của Luật Thi hành án thì chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự nhằm tránh tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Còn tại sao biết khoản tiền về ngân hàng thì cũng không có gì lạ, bởi phía bên được thi hành họ theo dõi rất sát sao, khi có tiền về họ đã thông báo để bên thi hành án biết và phong tỏa tài sản. Riêng đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án về mặt pháp luật đó không thuộc thẩm quyền của Chi cục. Sau khi có quyết định của Tòa án thì Chi cục phải thực hiện. Còn muốn biết cụ thể hơn thì PV có thể sang hỏi phía Tòa án quận hoặc cơ quan chủ quản cấp trên. Ông Mạnh cũng cho biết thêm: Mặc dù chúng tôi đang giải quyết đơn khiếu nại của công ty Econ nhưng để có thể thay đổi nội dung vụ án sẽ rất khó, bởi cái quan trọng nhất là số tiền thì cả hai bên đã thống nhất, ký kết còn về cách hành văn, câu chữ chỉ là những tiểu tiết không thể làm thay đổi gì được"?!
Trong quá trình làm việc, ông Mạnh luôn đổ lỗi cho Toà án ra quyết định mập mờ, còn Thi hành án làm đúng pháp luật. Thế nhưng, sau đó, ông Mạnh lại gọi điện cho PV nói rằng, đừng đưa ý kiến của anh lên báo nhé. Chúng tôi lấy làm khó hiểu. Bởi đã làm đúng pháp luật thì việc lên báo là tin vui, là điển hình để các nơi khác học tập, sao lại không?
“Giấy báo tin” của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội.
Kiểu gặp gỡ lạ lùng
Nhận được đơn khiếu nại, ông Mạnh cũng mời đại diện công ty Econ đến làm việc. Ông Mạnh có “trình” cho công ty Econ chứng cứ chứng minh Việt Hàn đòi nợ, đến Econ thoả thuận như Econ không gặp, không hợp tác là một cái văn bản chỉ có Việt Hàn ghi. Văn bản đó ghi rằng, đến Econ ngày giờ nhưng không gặp ai và không có xác nhận của Econ về sự có mặt của Việt Hàn tại công ty này. Ngoài chứng cứ đó, cũng theo đại diện của Econ thì ông Mạnh “trách” quyết định khó hiểu của Toà quá trời. Trong 3 giờ đồng hồ làm việc với đại diện của Econ (được ghi âm lại), ông Mạnh toà dùng những động từ mạnh đối với quyết định của toà như “tại thằng toà án, thằng toà án nó làm thế nên...”
Trong diễn biến mới nhất, VKSND TP. Hà Nội đã gửi "Giấy báo tin" với nội dung: Viện đã nhận được khiếu nại về quyết định phong toả tài khoản và quyết định cưỡng chế thi hành án của chi cục Thi hành án dân sự quận Cầu Giấy trong việc kiện đòi nợ giữa nguyên đơn công ty Việt Hàn và bị đơn là công ty Econ. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã chuyển đơn của Econ đến Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy để thực hiện trách nhiệm kiểm sát theo thẩm quyền. Như vậy, đơn của Econ đã đến được cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét.
Ông Thu khẳng định: “Chưa bao giờ Econ chối nợ Việt Hàn. Việc nợ Việt Hàn rất rõ ràng, liên quan đến hợp đồng ba bên với TCT Xi măng. Hiện TCT Xi măng còn nợ Econ 17 tỷ đồng. Các bên đã chốt nợ với nhau. Econ chấp nhận lấy tiền của công ty ra trả trước cho Việt Hàn nhưng phải có lịch trình trả chứ không phải thực hiện kiểu như “ăn cướp” thế được. |
PV