Thái độ “bất biến” giữa phiên tòa “vạn biến”
Trong suốt hai tuần vừa qua, qua theo dõi diễn biến phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ được mở tại TAND tỉnh Phú Thọ, chắc hẳn rất nhiều người đã tự đưa ra cho mình những nhận xét, đánh giá về cảm xúc, thái độ của từng bị cáo trong vụ án.
Có những bị cáo luôn giữ thái độ bình tĩnh, tâm lý sẵn sàng đón nhận một phán quyết pháp lý dành cho mình, điển hình là bị cáo Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT VTC online). Chưa kể, bị cáo Nam còn có một thể trạng khá tốt khi luôn ngồi thẳng lưng, ngay ngắn liên tục trong suốt những ngày xét xử vụ án.
Sau khi nghe quan điểm luận tội của VKS cùng mức án đề nghị từ 6 -7 năm về cả hai tội danh Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền, trong phần tự bào chữa, bị cáo Phan Sào Nam một lần nữa xin nhận toàn bộ trách nhiệm như cáo trạng truy tố.
Phan Sào Nam nói: “Bị cáo hoàn toàn đồng ý với những nội dung VKS đã luận tội. Bị cáo xin cảm ơn VKS đã xem xét các vấn đề liên quan đến bị cáo cũng như đối với các bị cáo khác rất thấu tình đạt lý. Bị cáo không có ý kiến gì thêm ngoài báo cáo đã gửi TAND tỉnh Phú Thọ trước đây”.
Nguyên Chủ tịch CNC vì “tự ái”... xin án phạt cao hơn
Với thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, bị cáo Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC) xin nhận trách nhiệm hình sự và dân sự theo đề nghị của viện Kiểm sát.
Cho rằng mức án VKS đề nghị áp dụng đối với mình còn có phần nghiêm khắc và cũng là mức án cao nhất trong vụ án này, nhưng Nguyễn Văn Dương vẫn khẳng định: “Dù mức án như thế nào, nhưng tôi nhận thức đây là trách nhiệm của tôi. Tôi sẽ không thực hiện quyền kháng án đối với bản án sơ thẩm. Tôi muốn có lời với doanh nghiệp Việt Nam, dù ở hoàn cảnh nào cũng nên hiểu biết và tuân thủ pháp luật để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc”.
Tuy vậy, cũng có lúc, bị cáo Dương cảm thấy thất vọng trước thái độ quanh co, thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Hóa khi phủ nhận hoàn toàn công lao đóng góp của Nguyễn Văn Dương cũng như công ty CNC đối với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao
Lời khai của bị cáo Dương tại tòa có đoạn: “Tôi cảm thấy thất vọng khi anh Hóa phủ nhận hết mọi công lao, đóng góp của chúng tôi. Anh Hóa nói chúng tôi ảo tưởng khi nhận là công ty bình phong của C50, việc này khiến bản thân tôi thấy rất buồn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của chúng tôi… Khi nghe anh Hóa phủ nhận hết như vậy, với tư cách là người đứng đầu công ty CNC, tôi xin HĐXX xem xét, xử phạt tôi như một công ty bình thường hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Có thể trách nhiệm sẽ cao hơn nhưng xin tòa xem xét…”.
Những “bóng hồng” e ấp giữa chốn pháp đình
Trong số 92 bị cáo bị đưa ra xét xử trong cùng vụ án này có tới 16 bị cáo nữ vướng vòng lao lý.
Trong số đó có những cái tên như, Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1982, ở quận Long Biên, Hà Nội) luôn trong tâm trạng lo lắng mỗi khi bước lên bục khai báo trả lời HĐXX. Huyền bị cáo buộc là người đã bán hóa đơn khống với doanh số hơn 25 tỷ đồng, thu lợi chỉ 6 triệu đồng. Xót xa hơn khi Huyền khai trước tòa: “Cũng chỉ vì vướng vòng lao lý mà vợ chồng bị cáo đã đường ai nấy đi”.
Cùng cảnh ngộ, một số bị cáo nữ trong vụ án này cũng trình bày đã ly hôn chồng. Họ đều lảng tránh ống kính phóng viên và tỏ ra xấu hổ khi phải đứng trước tòa với vai trò là bị cáo.
Hai người thân của ông trùm Pham Sào Nam là Đỗ Bích Thủy – nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt (chị họ Nam) và bị cáo Phan Thu Hương (SN 1961, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) là dì ruột của Nam cũng lao đao vướng vòng xoáy tố tụng với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nam trong hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Mỗi lần bước lên bục khai báo là mỗi lần họ đều nghẹn ngào, nước mắt họ rơi xuống khi nói “đến giờ phút này vẫn chẳng hề trách giận Nam, chỉ mong Nam sau lần vấp ngã này sẽ nhận thức được pháp luật trong lĩnh vực mà mình hoạt động, cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về làm lại cuộc đời”.
Lúng túng…
Cũng có thể hiểu và thông cảm đối với một người phải đứng trước bục khai báo trong vai trò một bị cáo, bị hàng chục ống kính phóng viên chĩa về hướng mình, chưa kể người này từng giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp trong ngành công an.
Ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) từ đỉnh cao danh vọng rơi xuống “hố sâu” của vòng xoáy tố tụng khi bị đưa ra xét xử trong cùng vụ án này với vai trò giúp sức, "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Cụ thể, ông Vĩnh bị cơ quan công tố cáo buộc, ông là người lợi dụng chức vụ tạo điều kiện, nâng đỡ, bao che cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc; cố ý không chấp hành mệnh lệnh cấp trên, tạo điều kiện cho game bài hoạt động trái phép.
Nếu như tại cơ quan điều tra, ông Phan Văn Vĩnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng tại tòa lại quanh co, đùn đẩy trách nhiệm khi cho rằng bị cáo chỉ có lỗi gián tiếp, có chăng là thiếu trách nhiệm nên để xảy ra hậu quả nêu trên, do vậy VKS không cho ông hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.
Thế nhưng, đến phút cuối, nhiều người cho rằng ông Vĩnh đã lấy lại được hình ảnh của một vị tướng “dám làm dám chịu”. Trong phần tự bào chữa, ông nói: “Lỗi cấp dưới cũng là lỗi thuộc về tôi vì tôi là người chỉ huy. Còn lỗi tới đâu, mong VKS và HĐXX cân nhắc xem xét”.
Cựu Cục trưởng C50 bất ngờ nhận sai vào “phút 89”
Người được cho là gan lì, thiếu thành khẩn nhất trong vụ án này có lẽ là ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50).
Trong suốt những ngày thẩm vấn, ông Hóa luôn quanh co, chối tội, không thừa nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác.
Có lẽ vì thái độ này, ông Hóa đã bị VKS đề nghị mức án cao hơn ông Phan Văn Vĩnh trong khi hai người cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cùng khung, khoản.
Trước đó, ông Hóa phủ nhận hoàn toàn về sự hợp tác với Nguyễn Văn Dương về việc thành lập công ty bình phong theo chủ trương của C50, từ việc ký Biên bản hợp tác đến việc nhận rất nhiều tài sản vật chất và hỗ trợ từ công ty CNC.
Thế nhưng, đến phần tranh luận, được tự đưa ra quan điểm bào chữa, ông Nguyễn Thanh Hóa đã bất ngờ thừa nhận việc công ty CNC và Nguyễn Văn Dương đã giúp đỡ, hỗ trợ cho không chỉ bản thân ông mà còn cho cục Cảnh sát rất nhiều.
Ông Hóa tỏ ra ăn năn vì có một số cử chỉ không đúng tại tòa và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm, đồng ý với tội danh mà VKS truy tố. Và đặc biệt, ông Hóa đã gửi lời xin lỗi tới bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Qua theo dõi phiên tòa mới thấy, ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội thật quá mong manh. Điều quan trọng hơn là người phạm tội nhận ra được cái sai của mình, dám làm dám chịu. Khi có một thái độ thành khẩn, biết ăn năn hối cải thì tin chắc rằng họ sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Clip: Lời khai của ông Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa