Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2016

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2016

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 2, 02/01/2017 11:17

Với bất ổn kinh tế-chính trị trên khắp thế giới cùng nhiều yếu tố không thuận lợi, tốc độ tăng trưởng 6,21% phản ánh những nỗ lực không nhỏ của các cơ quan điều hành trong năm qua.

Tài chính - Ngân hàng - Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2016

Tăng trưởng GDP 6,21%

Theo Tổng cục thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tăng 6,21% so với năm 2015. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chứng kiến năm suy giảm thứ 3 liên tiếp, khi tốc độ tăng trưởng năm 2016 chỉ đạt 1,36%, so với con số 3,44% năm 2014 và là mức thấp nhất kể từ năm 2011, chỉ đóng góp 0,22% vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Công nghiệp và xây dựng mặc dù giảm tốc đáng kể, song vẫn tăng 7,57% so với năm ngoái, đóng góp 2,59% vào tăng trưởng GDP 2016.

Trong khi nông-lâm-ngư và công nghiệp-xây dựng đang phải đối mặt với thực trạng suy giảm, thì dịch vụ lại là điểm sáng cần ghi nhận của nền kinh tế trong năm nay, khi khu vực này chứng kiến năm tăng trưởng thứ 3 liên tiếp, tăng tới 6,98% trong năm 2016, là yếu tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP: 2,67%.

Dịch vụ cũng là khu vực chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nền kinh tế, với tỉ lệ 40,92%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%, nông, lâm nghiệp thủy sản là 16,32% (cơ cấu tương ứng của năm 2015 là 39,73%; 33,25%; 17%).

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, kịm ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước, kim ngạch nhập khẩu 173,3 tỷ USD, tăng 4,6%. Qua đó giúp duy trì xuất siêu ở mức 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD. Mặc dù đã giảm 14,9% so với năm 2015, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016.

Con số này đối với Hàn Quốc và ASEAN là 20,2 tỷ USD và 6,3 tỷ USD, tăng lần lượt 8% và 12,5%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỷ USD, tăng 12,3%.

Số lượng doanh nghiệp mới đạt kỷ lục

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016 đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn đơn vị, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015.

Trong năm nay còn có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp.

Hệ thống doanh nghiệp được ví như ‘mạch máu’ của nền kinh tế. Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm đã liên tục ban hành hàng loạt Nghị quyết để xử lý những vấn đề cấp bách, khai thông vướng mắc cho người làm kinh doanh như: Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tác động tích cực của những chính sách trên không chỉ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh, mà còn phản ánh qua thực trạng số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong năm nay giảm 15,2% so với năm trước, chỉ còn 60.667 đơn vị.

Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 10 triệu lượt người

Kinh tế thế giới hồi phục cùng với các chính sách, nỗ lực thu hút khách du lịch được triển khai như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch…, lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế (10,01 triệu), tăng 26% so với năm 2015 và gấp đôi so với năm 2010.

Khách châu Á vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế của Việt Nam, đạt 7,26 triệu lượt người, chiếm 72,5% và tăng 30,6% so với năm trước. Đóng góp phần lớn là khách từ Trung Quốc đạt 2,70 triệu lượt người, tăng 51,4%, Hàn Quốc 1,54 triệu lượt, tăng 38,7%; Nhật Bản 741 nghìn lượt, tăng 10,3%.

Số lượng khách châu Âu và châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực, đạt lần lượt 1,62 triệu và 735 nghìn lượt người, tương đương tốc độ tăng trưởng 18,2% và 13,5% so với năm trước. Một số quốc gia có số lượng du khách tăng trưởng mạnh như Nga (434 nghìn lượt, tăng 28,1%); Anh (255 nghìn lượt, tăng 19,8%; Hoa Kỳ (553 nghìn lượt, tăng 12,5%). 

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 13,55%), mặc dù tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng tổng phương tiện thanh toán chưa tạo sức ép lên lạm phát, khiến chỉ số này cơ bản ổn định.

Cũng tính đến thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 16,88% (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,59%), giúp hệ thống các TCTD ổn định thanh khoản, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế và đảm bảo tỷ lệ tín dụng/huy động ở mức an toàn; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46% cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện tích cực.

Lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn, 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất ổn định một phần nhờ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá cao. CPI tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%, nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra.

Trong năm, một số chính sách đã gián tiếp khiến CPI tăng mạnh, có thể kể tới Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 77,57%, làm chỉ số CPI tăng 2,7%, ngoài ra, Nghị định 86/2015 của Chính phủ cũng làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2016 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,58%.

Nghi Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.