Tộc người ngủ ngồi nơi đại ngàn xứ Nghệ

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Đan Lai là tộc người thiểu số nhất Việt Nam sống ở đầu nguồn khe Khặng (bản Cọ Phạt, xã Môn Sơn, Con Cuông thuộc vùng lõi Rừng Quốc gia Pù Mát). Tộc người này có nét độc đáo là ngủ ngồi.

Thăm tộc người ngủ ngồi

Hơn 4 tiếng đồng hồ vượt qua không biết bao nhiêu thác ngầm hung dữ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cọ Phạt. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những mái nhà tranh, vách nứa mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi. Tiếp chúng tôi bên bếp lửa bập bùng già bản La Văn Quyết kể về truyền thuyết bi thương của tộc người mình.

Vượt sông Giăng

Chuyện rằng: Bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ La phải tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái", nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Làm gì có cây nứa bằng vàng vậy là cả họ La trốn vào rừng sâu và dừng chân nơi thượng nguồn sông Giăng này. Nơi đoàn người của dòng họ La dừng lại "cắm bản" thì chao ôi đã ở gần biên giới Việt - Lào, thuộc địa bàn huyện Con Cuông.

Thời gian trôi đi, mãi đến năm 1985, một người đi rừng lần đầu tiên phát hiện ra ở vùng bìa Vườn Quốc gia Pù Mát có một nhóm người sinh sống. Thế là người họ La lại tiếp tục "nhổ neo" lùi sâu mãi vào đến tận vùng lõi của khu vườn mới dừng lại hẳn để "cắm bản". Họ nghĩ rằng đấy mới là nơi cư trú "an toàn", tránh được sự dòm ngó của quan quân tên bạo chúa đang tìm cách bức hại mình. Người họ La nay có một tên gọi mới là người Đan Lai.

Trước kia, vì ở tận nơi thâm sơn cùng cốc đầy thú dữ nên người Đan Lai dựng chòi phủ cành cây ở tạm, không giường, chiếu, chăn, màn. Họ thường dùng chạc cây chống vào cằm ngồi ngủ để phòng thú dữ. Già Quyết cho biết: Ngủ ngồi là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con hổ, con báo ở nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân bạo chúa truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào, nên mới sinh tật ngủ ngồi từ khi nào cũng chẳng ai hay. Ngủ ngồi là để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu... Tập tục ngủ ngồi có lẽ được hình thành từ đấy và cho đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ ở tộc người này.

Gần sáng, chúng tôi xin phép đi ngủ nhưng nào đâu có giường chiếu. Già Quyết tu tiếp một bát rượu bảo: "Không có giường, chiếu đâu! Cán bộ cứ nằm xuống sàn mà ngủ. Nếu sợ muỗi thì mần thêm một bát rượu nữa, muỗi cắn không thấy đau". Còn già thì chống hai tay vào phía đầu thanh củi tì sát vào trán để ngồi ngủ. Nhìn già Quyết, tôi ngồi hình dung người Đan Lai từng ngủ ngồi như thế tự bao năm, bao tháng, bao đêm giữa rừng sâu, núi thẳm để chống rét và sẵn sàng chống trả thú dữ hay bọn quan quân truy bắt... Một tư thế ngủ cũng có thể quyết định sự tồn vong của cả một bộ tộc...

Có lẽ sự trốn chạy và lối sống khép kín đã bắt nguồn từ truyền thuyết cho đến tận ngày nay khiến tộc người Đan Lai tách biệt với thế giới bên ngoài tự bao giờ. Cái đói, cái nghèo bao phủ cả bản làng nhếch nhác chốn thâm sơn cùng cốc. Đồng bào Đan Lai thiếu tất cả, trừ rượu. Bởi, được bao nhiêu gạo cứu trợ, đồng bào đổi rượu hết cả. Khi nào hết rượu, hết gạo mới chịu vào rừng kiếm sống. ở đây, từ già, trẻ, gái, trai đều biết uống rượu. Họ say từ khi mặt trời xế bóng đến khi màn đêm bao phủ cánh rừng già. Sáng, khi mặt trời mọc cùng là lúc cuộc rượu tàn canh. Tất cả khật khưỡng, lảo đảo ai về nhà nấy, ngủ li bì như chết.

Sáng ra bên bờ sông Giăng, một đoàn bé gái 13 - 14 tuổi đang địu trẻ con, thoắt cái đã thấy vạch áo cho... con bú. Những thiếu phụ Đan Lai mắt to, sáng, da nâu thật xinh đẹp, bản năng làm mẹ mãnh liệt nhưng khuôn mặt vẫn còn nhiều nét ngây thơ của con trẻ. Đã đói, nghèo người Đan Lai lại đẻ nhiều. Ở đây, con gái, con trai cứ đến 13, 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Người Đan Lai sống biệt lập, không giao lưu với người ngoài nên trai gái trong làng mới được lấy nhau. Hôn nhân cận huyết ngày càng làm cho nòi giống tộc người Đan Lai mai một. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50, dáng người ai cũng nhỏ thó, thấp lè tè. Trẻ con Đan Lai sau khi sinh, dù là nắng hay mưa, dù cho rét đến ghê người vẫn được người nhà đem xuống suối để tắm. Đến khi tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà".

Nơi đây còn một hủ tục rất đáng sợ nữa là chị em Đan Lai khi sinh con đều sinh trên sàn nhà chứ không đi ra trạm y tế, nên đã có một số thai phụ đã tử vong do băng huyết. "Tục người Đan Lai là không được cho ai thấy "cái ấy" của đàn bà, kể cả chồng. Chỉ mần thôi, không được nhìn. Ở đây con gái vú mở mắt là lấy chồng, đẻ như gà rừng, như lợn rừng. Nhà ít con thì 6 - 7 đứa. Nhà nhiều con thì 13 - 15 đứa" - Anh La Văn Min, nhà ở đầu bản, cho hay.

Bà Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã - nói: "Xã Môn sơn có 12 bản, trong đó 2 bản của tộc người Đan Lai với 168 hộ, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Hầu như thanh niên ở đây 13-14 tuổi đã lập gia đình. Không những vậy còn có một số kết hôn trong nội tộc khiến tuổi thọ thấp, trẻ em thì rắn rỏi nhưng thấp bé và ngơ ngác. ở đây vừa nghèo đói vừa mang nặng hủ tục lại xa xôi cách trở nên chính quyền chưa làm sao ngăn được nạn tảo hôn".

Bao giờ Đan Lai hết ngủ ngồi?

Ông Hoàng Đình Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - cho hay: "Để duy trì nòi giống người Đan Lai, huyện đã có đề án di dời toàn bộ người Đan Lai ra vùng mới để sinh sống. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người Đan Lai hòa nhập với cộng đồng, hỗ trợ nhà cửa, cây con giống để đồng bào phát triển sản xuất. Đồng thời, huyện sẽ hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, chăn nuôi". Tuy nhiên, việc triển khai còn quá nhiều bất cập. Đồng bào Đan Lai khi chuyển sang tái định cư ở bản Tân Sơn (xã Môn Sơn) mặc dù được giao rất nhiều diện tích đất sản xuất, nhưng nước không có, cây lúa không cho thu hoạch, họ lại rủ nhau bỏ về quê cũ, lại sống trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo và hủ tục.

Già bản La văn Quyết đang ngủ ngồi

Tộc người Đan Lai đến nay vẫn còn nhiều điều kì bí. Cuộc sống của tộc người này đang là vấn đề làm đau đầu các nhà xã hội học. Rời Đan Lai khi chiều buông, những túp lều mốc thếch lùi xa trong khói sương đại ngàn, chúng tôi cứ ám ảnh mãi những hình ảnh ngủ ngồi của già Quyết và cuộc sống như bộ lạc của tộc người này.

Hiện, số người Đan Lai còn gần 3.000 người, tập trung ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc huyện Con Cuông (Nghệ An). Để bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, bắt đầu từ năm 2002, tỉnh Nghệ An bắt đầu di dời người dân ra khỏi vùng lõi Rừng Quốc gia Pù Mát.

Ngày 19/12/2006, Thủ tướng đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng. Theo đề án này, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn.

Từ một dự án của tỉnh được nâng thành một đề án mang tầm quốc gia, với mục tiêu tổng thể: Nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai hiện đang sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát; bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Pù Mát vừa được UNSECO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là một vận hội lớn cho đồng bào Đan Lai thoát nghèo, sống hòa đồng với các dân tộc anh em và bắt nhịp với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiến Dũng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.