Khi gửi bài viết này lên một số báo, tôi bị nói là phụ nữ toan tính và rất nhiều người đã "trù ẻo" tôi là nên ở vậy đi, không có đàn ông nào muốn cưới tôi đâu. Thú thực là tôi rất đau lòng khi đọc những comment ấy.
Tôi năm nay 29 tuổi. Thu nhập vào loại “khủng” trong đám bạn bè. Tôi có nhà riêng, có xe hơi và tự tin rằng mình không phụ thuộc kinh tế sau khi lấy chồng. Bạn trai tôi cũng là một người đàn ông có chí tiến thủ dù thu nhập của anh chưa bằng tôi nhưng tôi tin tương lai của anh sẽ tốt hơn tôi nhiều vì anh làm ở một lĩnh vực đang rất phát triển, trong tập đoàn, anh lại được tín nhiệm và đề cử lên chức. Tôi yêu anh và cảm phục chí tiến thủ của anh. Đàn ông luôn hấp dẫn phụ nữ ở việc này mà.
Nhưng tôi vẫn lăn tăn một số thứ. Như quan niệm tài chính gia đình. Anh bảo anh không thích tài chính chung. Hoặc anh giữ tất rồi sẽ là người quyết định chi tiêu cho cả gia đình. Tôi cũng không phản đối nhưng nhìn cách anh đang chi tiêu mà tôi lại lo lắng. Đó là việc anh luôn chỉ chọn đi ăn vỉa hè thay vì vào nhà hàng tử tế. Nhiều lần đi ăn với nhau, tôi muốn phát ói khi nhìn những chậu rửa bát váng mỡ dầu và cách nhân viên rửa bát kiểu nhúng nước như thế.
Tôi có nói nhưng anh luôn bao biện rằng: Nhà hàng chi phí thuê mặt bằng cao nên giá cao, đồ ăn cũng khác gì ở đây? Tôi có nói nhà hàng dịch vụ sẽ tốt hơn, vệ sinh hơn (vì người ta phải bảo vệ thương hiệu). Nhưng anh bỏ ngoài tai.
Anh bảo cả triệu người ăn vỉa hè có ai chết đâu. Rằng tôi quen sống nhung lụa rồi nên cứ bày vẽ. Quả thật tôi sống quen trong nhung lụa thật dù hồi đó gia đình chẳng có gì khá giả. Nhưng bố mẹ tôi vẫn nói: Sống 5 sao để cư xử 5 sao. Điều gì bố mẹ làm cũng là để các con không cho phép ai đối xử tệ với mình. Nên làm gì cũng phải chất lượng nhất. Ít nhưng phải chất.
Thu nhập anh bây giờ chưa bằng tôi nhưng cũng ở mặt bằng cao so với số đông. Vậy mà quần áo anh toàn mua khi người ta giảm giá. Có đôi giày hỏng lên hỏng xuống mà anh chẳng chịu thay vì tiệm giày đó chưa giảm giá. Chỉ cần giảm dù chỉ 5% anh cũng sung sướng. Anh gọi đó là tiết kiệm. Tôi cũng thông cảm cho anh vì nhà anh nghèo, tuổi thơ anh phải ăn cơm độn sắn. Nhưng bây giờ có tiền rồi mà sao anh vẫn chỉ sống như cái thời cơm độn sắn?
Tôi bảo thì anh nói anh cần tiết kiệm. Sau này nhỡ cha mẹ ốm đau hay bất trắc như Covid thế này chẳng hạn thì sao? Nói về tiết kiệm, tôi cũng rất tiết kiệm đấy chứ. Nếu không tiết kiệm làm sao tôi có nhà, có xe thậm chí có vài mảnh đất xa xa? Nhưng tiết kiệm như anh thì tôi chịu không nổi. Trời nắng mà vẫn chỉ đi xe máy vì đi ô tô lại tốn xăng. Nên ô tô của anh chỉ để trong hầm chẳng khi nào đi trừ khi phải về quê. Anh toàn đi nhờ xe tôi nếu phải đi xa. Và chẳng bao giờ đổ xăng. Báo hại tôi có lần phải gọi Grab mua xăng giùm sau khi anh mượn xe tôi đi.
Có lần anh cũng đổ nhưng chỉ đổ đúng 200 nghìn tiền xăng. Lần đó vì anh mượn xe tôi và tôi bảo: Xe em sắp cạn xăng rồi, anh đi đổ giùm em nhé. Thì mới chịu đổ. Và đổ đúng 200 nghìn. Rồi kêu là tiền mặt lúc đó mang theo chỉ có mỗi 200 nghìn. Cây xăng nào chả có quẹt thẻ. Nhưng tôi vốn hay quên nên bức xúc lúc đó là thôi.
2 năm yêu nhau, quà anh tặng tôi đều là những món quà giá trị lớn. Nhưng tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát… toàn là những thứ có thể sử dụng được khi cưới nhau. Chẳng có món nào là cho riêng tôi cả. Đến bó hoa cũng là một bó hoa anh mua vỉa hè. Loại hoa tôi cực ghét: Hoa cắm que tre và bọt xốp.
Tôi tưởng chỉ mình tôi chịu sự tiết kiệm ấy của anh nhưng hoá ra bố mẹ anh cũng vậy. Mỗi lần tôi đến thăm các cụ, tôi luôn mua những loại thuốc bổ biếu các cụ. Lần nào anh cũng gắt gỏng rằng thuốc đắt và chẳng có ích gì. Muốn có ích phải uống thường xuyên chứ một vài lọ ăn thua gì. Anh bảo cho tiền các cụ mới là nên. Nhưng tiền cho các cụ là cho vào tài khoản tiết kiệm và các cụ muốn rút phải thông qua anh. Chỉ được tiêu ở khoản lãi thôi. Anh bảo khoản tiết kiệm đó để phòng lúc bố mẹ đau yếu.
Anh còn rất hay đi… xin đồ. Nhà anh chất cả đống đồ anh xin được từ mọi người. Có những món chẳng bao giờ dùng nhưng anh vẫn xin cho bằng được. Như cái máy tập cũ của nhân viên anh thải ra. Như cái xe máy cổ cũ rích chẳng đi được mà anh cũng xin. Tôi phải cấm anh mang đồ đi xin vào nhà tôi thì anh mới thôi chứ hồi đầu nhà tôi như một cái nhà kho.
Bù lại là anh rất tâm lý. Luôn nghe tôi mỗi lúc tôi mệt mỏi muốn tâm sự. Không rượu bia thuốc lá. Không nhậu nhẹt với bạn bè (Anh chẳng có lấy nổi một người bạn thân). Thời gian rảnh, anh chỉ thích đọc sách trên mạng. Anh bảo không mua sách ngoài hiệu sách vì sách miễn phí thì đầy trên mạng. Như đợt Covid, cả tháng anh chỉ tiêu hết đúng 1 triệu đồng.
Tôi không biết mình có nên cưới người đàn ông này không?. Cưới nhau rồi, sự khác biệt giữa hai chúng tôi có thể cải thiện được không? Có chị em nào có chồng như anh ấy của tôi thì cho tôi lời khuyên. Nói vui thì lấy anh tôi chẳng lo anh có bồ vì kiểu như anh chẳng bao giờ chịu mất tiền cho gái- kể cả gái công ty hay thuộc cấp của anh. Chưa bao giờ anh trả tiền cho bữa ăn nào của họ. Cùng lắm là anh bảo vệ đóng bao nhiêu thì anh đóng bấy nhiêu dù anh là sếp.
Mong mọi người cho tôi ý kiến nhé!