Trong truyện ngắn mang đậm nét tự truyện có tên “Những cô bán sách”, được đọc trong khuôn khổ Đại hội các nhà văn và dịch giả quốc tế Stockholm 2008, nhà văn Hồ Anh Thái đã kể về một cậu bé mê sách hồi những năm máy bay Mỹ bắn phá miền bắc Việt Nam.
Khi đó, những cuốn truyện thiếu nhi dày hơn một trăm trang giá 2,2 hào. Nhưng trong túi cậu bé chỉ có 2 hào, mà đấy là cậu phải nhịn ăn bốn bữa sáng mới có. Thấy cậu tần ngần, cô bán sách tên Ngân hỏi. Biết chuyện, cô liền bán cho cậu bé cuốn sách với số tiền mà cậu có. “Đưa cô bán cho” – giọng nói dịu dàng và thùy mị của cô Ngân làm cậu bé nhớ mãi. Từ ấy, cậu bé là khách hàng được cô Ngân ưu tiên, cậu mà thiếu vài ba xu lẻ thì vẫn được cô bán sách cho như thường.
Một vài năm sau đó, cậu bé và gia đình đi sơ tán. Và ở nơi họ đến, vào một ngày nọ đã xảy ra chuyện: “Có một cặp vợ chồng trẻ và một đứa con sơ tán ở căn nhà đầu làng. Sáng sớm nay, khi người chồng và gia đình người chủ nhà thức dậy thì thấy người vợ đã treo cổ tự tử. Người làng xúm đông xúm đỏ. Người chồng đem ra một bức thư, chìa cho dân làng xem. Thư của người vợ viết cho một người đàn ông nào đó nhưng chưa kịp gửi đi. Anh ta đọc lên những dòng như thế này: “Những giờ phút ngắn ngủi được ở bên anh bằng cả đời em phải sống cùng chồng em...”. Người vợ ấy chính là cô Ngân bán sách.
Câu chuyện kể trên nói gì? Có thể giả định rằng cô bán sách tên Ngân ấy là một người có đời sống tâm hồn phong phú, giàu tình cảm và nhạy cảm. Là người như vậy, bởi cô bán sách và rất mê đọc sách. Những cuốn sách cô đọc đã mở ra trong cô nhiều chân trời mới, nó đưa cô vượt ra khỏi khuôn khổ của cuộc sống hàng ngày, nó chắp cánh để cô mơ tới những gì rất đẹp, rất cao, rất xa. Trong khi đó, chồng cô lại là người đàn ông hoặc vũ phu thô lỗ, hoặc đơn giản nhạt nhẽo, hoặc tủn mủn tầm thường. Cô không chịu nổi, cô tìm đến với một người đàn ông khác. Vì nhiều nguyên nhân, họ không thể đi tới cùng của mối quan hệ. Và, cô đã chọn cái chết để giải thoát cho chính mình. Nếu đây giả định là đúng, thì điều rõ ràng là phải quy một phần trách nhiệm về cái chết của cô Ngân cho những cuốn sách: “tội” lớn nhất của sách – tôi muốn nói tới những cuốn sách “tử tế” - là “tội” khiến cho người ta biết bất bình với thực tại.
Ví dụ khác, cuốn tiểu thuyết “Người đọc” của nhà văn Đức Bernhard Schlink (Lê Quang dịch. NXB Phụ Nữ 2006). Đó là câu chuyện xảy ra giữa hai nhân vật: Micheal Berg, 15 tuổi, là học sinh trung học, và Hanna Schmitz, 36 tuổi, làm nghề soát vé trên tàu điện. Họ là một cặp tình nhân. Mỗi khi họ gặp nhau, ngoài việc tắm rửa, làm tình, bao giờ cũng có mục Micheal Berg đọc sách cho Hanna Schmitz nghe, vì cô mù chữ (nhưng mãi sau này M.Berg mới biết điều đó).
Bắt đầu là những tác phẩm “Odyssey”, “Emilia Galotti”, “Âm mưu và tình yêu”, “Chiến tranh và hòa bình”. Được tiếp cận với sách, với văn chương, dù không phải theo cách “đọc” mà là theo cách “nghe đọc”, trong H.Schmitz đã có một biến chuyển quan trọng, đó là sự ngưỡng mộ trước những cuốn sách. Đây là hình ảnh của cô trong cái nhìn của người tình nhân trẻ tuổi, khi cô đứng trước giá sách của bố cậu: “Cô đưa mắt dọc các giá sách kín tường, tựa như đang đọc chúng. Rồi cô đến bên một giá sách, chầm chậm quẹt ngón tay trỏ dọc theo các gáy sách ở tầm cao ngang ngực, đi sang giá sách bên cạnh và quẹt tiếp với ngón tay qua từng gáy sách một, rồi đo bước chân dọc phòng”.
Sau Đại thế chiến II nhiều năm, M.Berg gặp lại H.Schmitz tại phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh – H.Schmitz là nữ quản giáo của trại tập trung Auschwitz khét tiếng (đang là người soát vé, cô được cử đi thi để làm người lái tàu điện, nghĩa là phải dùng đến năng lực biết chữ. Không muốn để mọi người biết rằng mình mù chữ, cô bỏ đi, xin vào quân đội). Việc đọc và nghe đọc giữa hai người được nối lại, nhưng theo một cách hơi khác trước: M.Berg đọc vào băng cassette rồi gửi vào trại giam cho H.Schmitz, và lần này thì danh mục tác giả tác phẩm được M.Berg chọn đọc đã nhiều gấp bội so với trước. Điều đó đã giúp H.Schmitz tự học chữ bằng cách nghe cassette và đối chiếu với từng câu, từng đoạn trong những cuốn sách tương ứng mà cô mượn được từ thư viện của trại giam.
Biết chữ, H.Schmitz bắt đầu tìm đọc các sách về trại tập trung của các tù nhân và quản tù. Và rồi, một sự kiện xảy ra: đêm trước ngày M.Berg đón H.Schmitz ra tù, cô đã thắt cổ tự tử. Điều gì khiến H.Schmitz quyết định kết thúc cuộc đời mình, khi mà dường như nó đang bắt đầu thời kỳ sóng yên gió lặng? Chính là những cuốn sách. Những cuốn sách rọi vào tâm hồn vốn mù mờ thô phác của cô thứ ánh sáng đặc biệt của tri thức. Chúng, nhất là những cuốn sách về trại tập trung, xới tung những hành động trong quá khứ của cô, bắt cô phải ghánh lấy trách nhiệm về việc tham gia vào chủ nghĩa bài Do Thái của Đảng quốc xã, cho dẫu khi đó cô tham gia một cách hoàn toàn bất tự giác. Chúng giúp cô hiểu: trong trường hợp ấy, trước sinh mạng của hàng triệu con người, không ai có thể nói rằng mình vô can, rằng đôi bàn tay mình vẫn sạch sẽ. Nói cách khác, những cuốn sách mang đến cho cô nhận thức rõ ràng về tội lỗi của chính mình, chúng thúc giục cô chuộc tội.
So với “Người đọc” của Bernhard Schlink, cuốn tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” của nhà văn Trung Quốc Đới Tư Kiệt (Lê Hồng Sâm dịch. NXB Văn Học 2003) có lẽ không hề thua sút trong việc để những cuốn sách tham gia vào các tình huống truyện và tạo ra thay đổi bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật. Thực ra, nhà văn trong truyện không phải chỉ có Balzac – mà còn là Victor Hugo, Stendhal, Dumas, Flaubert, Beaudelaire, Romain Rolland, Rousseau, Tolstoi, Gogol, Dostoievsky, Dickens, Kipling, Emily Bronte...; và người đọc không phải chỉ có cô bé thợ may, mà còn là hai chàng thanh niên thành thị bị đưa về nông thôn cải tạo trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Mọi chuyện thực sự được bắt đầu từ chiếc vali bằng da của một nhân vật khác, có tên là Mục Kỉnh; trong vali cất giấu những tác phẩm của các nhà văn kể trên. Hai chàng thanh niên thành thị đã phải tốn khá nhiều công sức mới được đọc những cuốn sách ấy. Thoạt tiên họ gùi gạo hộ Mục Kỉnh, đổi lại, hắn cho họ mượn cuốn “Ursule Mirouet” của Balzac, rồi thôi. Cuối cùng, họ phải tìm cách đánh cắp chiếc vali để thỏa mãn cơn khát đọc của mình.
Có thể nói, những cuốn sách ấy đã đóng vai trò của kẻ khai minh đối với các nhân vật. Chúng ập đến họ như một luồng sáng chói lòa, khiến họ sững sờ, rồi mê mẩn. Ngay với cuốn sách đầu tiên mà họ được đọc, “Ursule Mirouet” của Balzac, chàng thanh niên thứ nhất, xưng Tôi, đã trình bày sự thay đổi diễn ra trong mình: “Bỗng dưng, như một kẻ xâm nhập không chính danh, cuốn sách nhỏ này nói với tôi về sự thức tỉnh của ham muốn, về những hưng phấn, xung động, về tình yêu, về tất cả những điều mà cho đến bấy giờ, thế giới vẫn câm nín đối với tôi”. Trong sự phấn khích, Tôi đã chép nguyên văn những đoạn mình thích trong “Ursule Mirouet”, chép thẳng vào mặt áo da cừu đang mặc.
Đến lượt nó, khi chiếc áo da này được Lạc - chàng thanh niên thứ hai, bạn của Tôi – mang tới cô bé thợ may và đọc cho cô nghe, thì, đây là lời Lạc kể lại với Tôi: “Sau khi tớ đọc cho em ấy nghe từng chữ một đoạn văn của Balzac, em đã cầm lấy cái áo của cậu, và đã đọc lại một mình, lặng lẽ... Đọc xong, em ngẩn ngơ, im lìm bất động, tấm áo của cậu trong lòng tay, như kiểu các tín đồ cầm một vật thiêng liêng trong lòng tay... Cuối cùng em mặc cái áo tã của cậu vào, trông cũng hay đáo để, và em bảo tớ rằng sự tiếp xúc của da thịt em với những từ ngữ của Balzac sẽ đem lại cho em hạnh phúc và trí tuệ...”. Có thể nói, với cái vali sách văn chương phương Tây đánh cắp được của Mục Kỉnh, hai chàng thanh niên và cô bé thợ may không những tìm thấy niềm vui trong cuộc sống tù túng nơi vùng rừng núi hẻo lánh, mà có ý nghĩa hơn nhiều, là việc cả một thế giới rộng lớn đã mở ra trước mắt họ. Thế giới ấy, độ cao và chiều rộng của nó hơn gấp bội cái thế giới mà họ đã sống trước đó. Thế nhưng nó không khiến họ rợn ngợp, mà nó kích thích họ, làm bùng lên ở họ niềm khao khát khám phá thế giới để tự đo năng lực, tự đo kích thước của chính mình.
Có thể dẫn ra nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học mà trong đó có những cuốn sách đã làm thay đổi những cuộc đời. Sự thay đổi, đôi khi, như một tất yếu, dẫn đến cái chết. Tuy vậy, để cho đầy đủ, cần phải nói rằng có những cuộc đời không cuốn sách nào tác động được dù chỉ một ly, chứ chưa nói tới việc thay đổi. Đó là những cuộc đời không biết tới niềm vui của việc đọc sách. Đó là những cuộc đời mù sách.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.