Không chỉ có ba mẹ mà họ hàng, láng giềng cũng vào hùa để bảo tôi tính chuyện chồng con. Tôi biết và tôi hiểu. Có ai lại muốn làm kẻ đơn côi lâu dài đâu. Ai chẳng muốn có một gia đình nhỏ để được chăm sóc, lo toan, yêu thương, hạnh phúc.
Thế nhưng... Như các cụ vẫn bảo là duyên số. Duyên đến sớm hay muộn hay đúng lúc còn tuỳ người này người kia.
Tôi đi tìm nghĩa từ “ế” trong từ điển. Từ điển bảo tôi, ế nghĩa là bị đọng lại do không có hoặc chỉ ít người mua, ít người yêu cầu. Ế là từ dùng cho hàng hóa. Khi các món hàng đã ế, người ta sẽ tìm cách bán tống bán tháo để gỡ gạc lại chút vốn, kiểu như xả hàng, mua 1 tặng 1, bốc thăm may mắn…
Mọi người bảo tôi ế, lẽ nào số phận tôi rồi cũng như các món hàng kia, một ngày nào đó sẽ được đem… xả kho? Ba mẹ bắt tôi đi lấy chồng khi tôi chưa sẵn sàng, nhẽ nào vì ba mẹ sợ tôi sẽ là “hàng tồn kho”?
Chính vì thế tôi sợ Tết, sợ những ngày lễ tề tựu đông đủ họ hàng. Sợ hay ngại, tôi chẳng biết gọi tên thế nào cho đúng. Tôi chẳng thể nào nhơn nhơn bỏ ngoài tai lời ba mẹ cũng chẳng thể ép mình làm theo những mong muốn để khiến họ an lòng.
Giờ đây, khi đã quen với những lời thúc giục, bắt ép này kia tôi đã tự rèn cho mình một ý chí "thép". Nghĩa là tôi mặc kệ mọi lời nói, chỉ cười trừ, không cự cãi. Bạn cứ tin tôi đi, nghe riết những lời đó bạn lại thấy vui vui chứ chẳng căng thẳng gì nữa đâu.
Mỗi mùa, tôi lại sắm cho mình vài bộ đồ mới. Tôi làm những thứ mình thích, tận hưởng bầu trời tự do một mình hoặc cùng hội bạn. Tôi gửi cho ba mẹ xem những tấm hình mà trong đó tôi tươi cười rạng rỡ nhất. Tôi tiết kiệm tiền để mỗi mùa hè lại cùng ba mẹ đi du lịch... Tôi thấy mình hiện tại vẫn rất ổn, rất vui và hạnh phúc dù không có chồng.
Những lúc nghe người ta bảo mình ế, tôi cười, điểm lại chút son trên môi và đứng dậy vuốt lại bộ váy áo cho phẳng phiu, hất tóc ra sau và đi thẳng.
Sống