Cả đám tản ra và hòa mình vào trong dòng người thành kính đang đi lễ. Cũng như mọi lần, tôi theo dòng người đi vòng quanh hồ thiêng, nhưng không dám theo họ xuống hồ để tắm vì quá lạnh và vì thấy mình chưa đủ độ về tín ngưỡng đến mức đó. Tôi cũng chỉ rón rén nhúng chân xuống hồ mong gột sạch được chút tội lỗi đã mang vác quá nhiều. Như vậy là tôi cũng có rửa tý tội lỗi ở sông Hằng, rũ bỏ thêm chút lòng sân si ở hồ thiêng Amritsar.
Ngôi đền Vàng trong đêm quá lộng lẫy, nhưng có vẻ là vẻ lộng lẫy này đã được góp phần tôn lên rất nhiều bởi các dàn đèn cao áp, nên chúng rực rỡ quá. Chỉ khi đèn tắt, phương đông ánh dương vừa lên nhuộm hồng đất trời thì Ngôi đền Vàng và các đền đài trắng thanh khiết xung quanh mới toát lên vẻ thiêng liêng của chúng, bất chấp dòng người đã ngày càng đông đen đi quanh hồ. Nhiều người cho rằng, ngôi đền này cũng giống Taj Mahal ở chỗ là nên được ngắm ở nhiều thời khắc khác nhau trong ngày vì ở mỗi lúc, ngôi đền có một vẻ đẹp riêng. Tôi cũng cảm thấy như vậy dù chỉ ngồi chưa đủ lâu, chỉ mới vài thời khắc mà thấy chúng đã đẹp rất khác.
Và những tia nắng đầu ngày đã làm ngôi đền lộng lẫy hơn trong một bình minh trong trẻo
Ngồi ở một góc ngắm ngôi đền trong ánh bình minh soi bóng dịu dàng ven hồ thật là một cảm giác dễ chịu. Gió sớm lành lạnh thật dễ chịu, làm không khí trong lành hơn. Tiếng người nói thì thầm của dòng người đi quanh hồ chợt thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng đọc kinh vang vang từ các loa phóng thanh trong đền.
Và đây, ngôi đền lộng lẫy trong nắng sớm
Tôi ngồi mải miết không làm gì như vậy đến lúc trời sáng bừng, lại đi loanh quanh ngắm nghía, chụp thêm vài tấm hình rồi bắt đầu đi khất thực cho buổi sáng. Thật mà, hôm nay tôi sẽ đi khất thực.
Guru-Ka-Langar là phòng ăn miễn phí của khách hành hương. Phòng ăn miễn phí rộng thênh thang này phục vụ liên tục suốt ngày, có lúc lên đến 40.000 khách hành hương trong ngày. Bon chen theo đoàn người, tôi cũng xếp vào hàng. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt tò mò, chắc có thêm phần thương hại khi thấy một người ở đâu thật xa đến tận Ấn Độ mà khất thực, nhưng tôi cũng tỉnh queo.
Chờ đến lượt thứ 2 tôi mới được vào phòng. Vào trong phòng, mọi người ngồi yên lặng thành từng dãy đối diện nhau ngay dưới đất trên các tấm chiếu nhỏ. Sau đó mỗi người được phát một cái dĩa nhôm trẹt có nhiều ngăn, có thêm một cái muỗng nhôm nữa mà trong lúc chờ đợi tôi ngồi gõ leng keng lốc cốc.
Đông nhưng mà vẫn trật tự đàng hoàng
Rồi tuần tự các người làm công quả bắt đầu đi phát bánh mì nan dẹt, rồi múc đậu, rồi tương ớt… rồi cái gì nữa chẳng biết và cuối cùng là cháo sữa. Thế mà nhoáng cái, mọi người rào rào một chặp là đã xong bữa.
Các cô các chú nhìn tôi chăm chú
Các em bé cũng nhìn tôi tò mò
Theo dòng người, tôi cầm cái dĩa xuống bếp bỏ vào cái bồn rửa dĩa khổng lồ – thế là xong buổi sáng, xong một buổi khất thực. Cảm giác cũng vui vui khi càng ngày càng được sống gần hơn cuộc sống người dân bản địa.
Bữa ăn khất thực
No xôi chán chè rồi, việc kế tiếp của tôi là đi kiếm đồng bọn để đi đăng ký phòng trọ miễn phí dành cho khách hành hương. Nói ngay là vì đi cả ngày hôm qua ở Delhi nắng nóng, tối lên tàu xa cạ nằm lăn nằm lóc, giờ lại lang thang không chốn nương thân… nên mục đích kiếm phòng trọ là để trưa có chỗ ngả lưng và quan trọng nhất có chỗ tắm rửa cho đồng bọn. Nghe nói ở đây có các dorm miễn phí cho khách hành hương, tôi bèn đầu têu rủ cả lũ đi thử xem.
Vậy mà tốt, nhất là “khách nước ngoài” được ở phòng riêng nữa. Cả đám được vào phòng, gặp lại vài em Tây trên tàu hôm qua. Té ra họ cũng như mình, mà họ vào đây nghỉ từ sáng rồi chứ đâu có lang thang như mình đâu. Như vậy, ngày hôm nay đi đến thánh địa Amritsar này tụi mình giống như hành khất đi khất thực rồi. Ăn miễn phí, tắm rửa nghỉ ngơi miễn phí.
Xong xuôi, chúng tôi bắt đầu tản ra hẹn chiều quay lại để đi biên giới Ấn Độ - Pakistan. Nhiệm vụ của tôi là đi mua vé tàu Amritsar – Delhi ngay tối nay, cũng như lo dàn xếp xe cộ chiều nay đi biên giới. Kệ, tôi lo hết để cho đồng bọn thoải mái đi chơi. Nhưng trước khi đi làm mấy việc đó, tôi lại vọt vào trong Đền Vàng vì muốn tìm xem nó đã “thay đổi” như thế nào khi nắng đã lên cao.
Con đường xung quanh đền cờ phướn phất phới bay vui như ngày hội. Tôi cứ chân trần chạy khắp phố
Trước tiên là cái sân lát gạch men trắng bóng chạy quanh hồ hắt ánh sáng lên.
Ngôi đền vàng chóe lên trong nắng
Quanh hồ giờ đây rất nhiều khách hành hương tập trung. Họ vừa đi làm lễ, vừa tụm năm tụ ba ngồi khấn vái. Nhưng nói chung họ rất thanh thản và đặc biệt rất thích chụp hình.
Này là thướt tha áo vàng áo đỏ
Này là hạnh phúc khoe con xinh
Này là đại gia đình hạnh phúc nơi miền đất thánh
Tạo dáng
Người ta nói đúng về việc nên ngắm Đền vàng ở nhiều thời điểm. Giờ đây nó lộng lẫy thật. Nhất là soi bóng bên hồ xanh, dưới trời xanh ngắt của ngày đông Ấn Độ.
Lối vào Jallianwala Bagh, nhỏ nhắn nhưng xinh xắn và nghệ thuật
Bia tưởng niệm chính
Nằm gần bên Ngôi đền Vàng, Jallianwala Bagh là công viên, cũng là nơi tưởng niệm cuộc thảm sát làm chết và bị thương khoảng gần 2.000 người dân địa phương. Cuộc thảm sát này do binh sĩ Anh tấn công vào một cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng vào năm 1919, ngay tại chính nơi này. Nhiều nơi trong công viên này đều được giữ gìn cẩn thận, ghi dấu trận thảm sát, như cái giếng Martyrs, nơi mà hàng trăm người đã nhảy xuống để tránh đạn.
Giếng Martyrs, giờ đã được xây bao quanh bảo vệ di tích của một thời
Các bức tường lỗ chỗ vết đạn của cuộc thảm sát gần 100 năm trước
Giờ nó là một công viên xanh mát, nhỏ nhắn đáng yêu. Nếu bạn cảm thấy cần một khoảng xanh để dịu lại sau khi bị ám ảnh bởi vẻ trắng toát lóe mắt của khuôn viên quanh Đền Vàng, cái vàng rực chói mắt bởi Ngôi đền Vàng lấp lánh, bạn nên sang đây, lăn ra cỏ nằm dưới một bóng râm nào đó. Chợt thấy những tia nắng vàng nhảy nhót qua kẻ lá sẽ đáng yêu hơn, không còn chói sáng rực rỡ như ở ngay bên kia bức tường.
Các nhóm thanh niên Punjab vui vẻ, mến khách trong công viên Jallianwala
Backpackervn